Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi

07:05, 13/05/2019

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta được đẩy mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp, trang trại, gia trại đã đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giảm chi phí đầu tư, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

Xử lý chất thải chăn nuôi bằng máy tách phân tại trang trại của anh Nguyễn Văn Chinh, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Xử lý chất thải chăn nuôi bằng máy tách phân tại trang trại của anh Nguyễn Văn Chinh, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các giải pháp, chính sách thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đoàn thể và các địa phương trong tỉnh tích cực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc gia; các đề tài, dự án khoa học công nghệ của tỉnh, hàng nghìn lượt hộ chăn nuôi đã được tập huấn, tiếp cận với các quy trình công nghệ sản xuất mới; hàng trăm mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến đang được khuyến khích mở rộng trong sản xuất. Tiêu biểu là các mô hình: nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; chăn nuôi bò lai Sind; nuôi gà thả vườn; chăn nuôi vịt, ngan cao sản góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chăn nuôi. Nhiều mô hình áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới xử lý chất thải trong chăn nuôi như: sử dụng công nghệ biogas, phun men vi sinh, sử dụng đệm lót sinh thái, nuôi giun quế, bể lắng 4 ngăn, máy tách phân... được các trang trại, gia trại áp dụng cũng đang là giải pháp giải bài toán “khó” về phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Có thể dẫn chứng tại trang trại nuôi 6.000 con gà siêu trứng trên chuồng sàn của ông Nguyễn Thanh Hải, thôn Tân Giang, xã Nam Thanh (Nam Trực) sử dụng hệ thống cào phân bằng máy. Ông Hải cho biết: Toàn bộ số gà đẻ được bố trí nuôi trên tầng lồng, dưới sàn sử dụng hệ thống tự động cào, xử lý, đóng gói phân gà để cung cấp cho các hộ chăm bón cây trồng. Phương thức này vừa bảo vệ sức khỏe đàn gà do môi trường chuồng nuôi đảm bảo vệ sinh, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chuyển giao rộng rãi nhiều giống gia súc, gia cầm mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng dễ tiêu thụ như: gà Lương Phượng, Kabir, Sacso, Isa; vịt siêu trứng, vịt Super M; ngan Pháp; giống lợn ngoại, lợn lai; bò lai Sind; chuyển giao thành công công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với lợn và bò cho người chăn nuôi; các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng theo phương thức công nghiệp, quy trình chăn nuôi VietGAHP; quy trình cai sữa sớm cho lợn con; quy trình vỗ béo cho bò. Nhiều trang trại chăn nuôi đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh); sử dụng hệ thống máng ăn tự động cho lợn; sử dụng thiết bị núm uống tự động cho lợn, gà uống theo nhu cầu vào sản xuất. Trang trại chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Chinh ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) là một trong những điển hình về sử dụng hiệu quả công nghệ chuồng kín và máng ăn tự động. Anh Chinh cho biết: Việc đưa công nghệ chuồng kín giúp chủ trang trại điều khiển được tiểu vùng khí hậu, chủ động đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh xâm nhập. Trong khi đó sử dụng máng ăn tự động giảm được công cho ăn, lợn ăn theo nhu cầu, hạn chế rơi vãi, chất lượng thức ăn đảm bảo tốt hơn, không lãng phí, chuồng nuôi luôn sạch sẽ ít xảy ra dịch nên cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật nên chăn nuôi của tỉnh đang từng bước phát triển gia tăng quy mô trang trại, gia trại sản xuất hàng hoá theo phương thức công nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo hiệu quả kinh tế ổn định cho người chăn nuôi. Năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của tỉnh đạt trên 152 nghìn tấn, tăng 1,4%; sản lượng thịt gia cầm đạt 23,9 nghìn tấn, tăng 12,8%; sản lượng thịt trâu, bò đạt 3.739 tấn, tăng 0,7%; số lượng trứng gia cầm đạt gần 316 nghìn quả, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả này đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn ngành năm 2018 đạt trên 19 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm trước, đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong nông hộ còn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%). Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất chăn nuôi từ sản xuất giống đến sản xuất thức ăn của tỉnh còn thiếu và yếu. Năng lực chuyên môn, quản lý và tham mưu cho chính quyền các cấp chỉ đạo sản xuất của cán bộ kỹ thuật chuyên ngành chăn nuôi, thú y, nhất là ở cấp xã, còn nhiều hạn chế.

Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung; áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các quy hoạch trong chăn nuôi. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các hợp tác xã chuyên ngành chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội chăn nuôi trang trại, câu lạc bộ chăn nuôi để phổ biến tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi giữa doanh nghiệp và trang trại, gia trại. Áp dụng công nghệ về giống gia súc, gia cầm có năng suất cao, chất lượng thịt tốt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vào sản xuất; các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng tiên tiến. Sở Khoa học và Công nghệ tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong tỉnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào chăn nuôi, nhất là trong khâu sản xuất giống gia súc, gia cầm. Tiếp tục nghiên cứu chuyển giao công nghệ chăn nuôi phù hợp với các vùng sinh thái nhằm khai thác, phát huy các lợi thế so sánh, khắc phục những hạn chế của từng vùng; quy trình kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi; mô hình khu chăn nuôi tập trung; các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất; mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com