Hiệu quả "vàng" từ những sáng tạo khoa học kỹ thuật

07:07, 01/07/2013

Trong quá trình sản xuất, những sáng tạo thường nảy sinh từ việc tháo gỡ những khó khăn về tư liệu sản xuất, công cụ lao động nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo hiệu quả kinh tế cao. Thực tế cho thấy những sáng kiến cải tiến quy trình kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực sản xuất trong tỉnh thời gian qua có giá trị thực tiễn rất cao, góp phần giải quyết được những vấn đề cấp bách trong sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày, mang lại hiệu quả kinh tế cho người lao động, doanh nghiệp…

Trong lĩnh vực NN và PTNT, nhiều sáng kiến mang tính đột phá như sáng kiến "phương tiện" phát hiện rau xanh chứa chất kích thích tăng trưởng bằng một mẩu giấy nhỏ được tẩm hóa chất thử của kỹ sư Trần Ngọc Hải Bình, cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Sở NN và PTNT). Ý tưởng này được xây dựng dựa trên nguyên lý thử độc tố trong thực phẩm bằng phản ứng hoá học với các loại vật liệu đơn giản như nước nghệ, cồn, acid clohydric, hoá chất thử. Khi sử dụng, hóa chất thử được tẩm vào một miếng giấy nhỏ, nếu mẫu thử có thuốc kích thích sinh trưởng sẽ làm giấy chuyển màu cam, thay vì giữ nguyên màu vàng nghệ ban đầu hoặc màu xanh của lá rau như mẫu thử. Sau nhiều năm thử nghiệm, cách làm này đã cho kết quả chính xác dư lượng của gần 40 loại thuốc kích thích tăng trưởng gốc Giberellic acid trên rau ăn lá. Kết quả được phát hiện chỉ sau khi thử vài giây nên rất tiện dụng đối với người tiêu dùng. Thành công này không chỉ giải quyết những băn khoăn, lo lắng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn được sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe, mà còn tiện lợi đối với ngành chức năng trong việc sớm đưa ra kết luận và xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường. Sản phẩm giấy thử độc tố trên rau xanh được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, thanh tra Sở NN và PTNT các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình lựa chọn để kiểm tra chất lượng sản phẩm và sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong một số bếp ăn tập thể của các trường học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất máy ép gạch bloc tại Cty TNHH MTV Cơ khí Hải Nam, xã Thành Lợi (Vụ Bản).
Sản xuất máy ép gạch bloc tại Cty TNHH MTV Cơ khí Hải Nam,
xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Trong lĩnh vực sản xuất, thu hoạch và chế biến, máy cắt rơm rạ do cán bộ Trung tâm Dạy nghề công lập Nghĩa Hưng chế tạo đã giải quyết cơ bản nhu cầu về nhân công lao động và thời gian trong quá trình sơ chế rơm phục vụ sản xuất nấm. Là đơn vị sản xuất nấm có quy mô, sản lượng lớn trong tỉnh phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, mỗi năm, Trung tâm sử dụng 300-400 tấn rơm, rạ. Trước đây, để sơ chế lượng rơm, rạ này đòi hỏi rất nhiều nhân công và tốn thời gian. Trước thực trạng đó, cán bộ Trung tâm đã quyết tâm tìm hiểu để chế tạo ra chiếc máy cắt rơm, rạ chuyên dụng phục vụ cho việc sản xuất nấm lâu dài. Sau 6 tháng mày mò nghiên cứu tìm ra cơ chế vận hành, thầy giáo Nguyễn Thanh Hải và các cộng sự đã hoàn thành được chiếc máy cắt rơm, rạ đầu tiên hoạt động theo cơ chế cắt xén gồm 3 hàng lưỡi với công suất đạt 300kg rơm, rạ khô/giờ và 1 tấn/giờ với rơm, rạ tươi (tương đương với 24 lao động thủ công). Máy cắt rơm, rạ của Trung tâm cũng khắc phục được nhược điểm của các loại máy nhập ngoại có cấu tạo lưỡi dao theo hình thức máy chém nên khi băm vào rơm rạ lưỡi hay bị mẻ và quăn. Bên cạnh đó, ưu điểm của máy là chạy cả bằng điện và bằng dầu nên không bị phụ thuộc vào nguồn điện; có bánh xe cơ động di chuyển ngay trên bề mặt ruộng. Với chi phí khoảng 30 triệu đồng (bằng một nửa giá máy nhập ngoại), lại thích ứng cao với thực tế sản xuất của địa phương nên nhiều nông dân trong huyện đã mua sản phẩm của Trung tâm. Cty TNHH MTV Cơ khí Hải Nam, xã Thành Lợi (Vụ Bản) đã thành công trong việc chế tạo máy ép gạch bloc liên hoàn thế hệ thứ 3 với nhiều tính năng ưu việt đáp ứng yêu cầu sản xuất. Anh Phan Văn Hải, Giám đốc Cty cho biết, để giảm bớt sức lao động nặng nhọc của người lao động trong quá trình sản xuất gạch cốt xỉ than theo cách làm thủ công trước kia và thay thế nguyên liệu tăng độ bền cho sản phẩm, năm 2005, anh đã mày mò nghiên cứu chế tạo được máy ép gạch bloc đầu tiên ở miền Bắc. Máy ép gạch bloc có cơ chế ép gạch cốt liệu đá mạt bằng động cơ thay thế gạch xỉ vôi thường dùng tại địa phương. Từ chỗ sản xuất sản phẩm gạch bloc cung ứng cho các hộ dân trong khu vực, anh mày mò cải tiến các chi tiết máy để thích ứng với thực tế sản xuất như gắn thêm thiết bị trộn bê tông để nâng công suất của máy từ 300 viên lên 600 viên, rồi 800 viên/giờ và giảm bớt nhân công ở khâu đảo, trộn nguyên liệu. Năm 2012, anh tiếp tục cải tạo máy ép gạch bằng cách gắn thêm bộ tời chuyển tải nguyên liệu đến máy trộn bê tông thay cho cách vận chuyển bằng xe rùa như trước đây, đồng thời nâng số lượng gạch trong mỗi lần ép từ 6 viên lên 10 viên và thay đổi khuôn ép để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xây dựng của thị trường. Cùng với sản xuất máy nguyên chiếc, Cty còn sản xuất các chi tiết thiết bị thay thế và có đội ngũ thợ kỹ thuật chuyên bảo trì, bảo dưỡng, xử lý sự cố máy móc nên khách hàng rất yên tâm khi mua máy và các sản phẩm thay thế của Cty. Với những ưu điểm đó, trung bình một năm, Cty cung ứng ra thị trường trên 100 máy ép gạch bloc cho các cơ sở sản xuất gạch trong và ngoài tỉnh.

Những sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên để khuyến khích người lao động say mê sáng tạo, các cơ quan quản lý cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ họ trong việc công nhận, bảo vệ quyền sáng chế và khai thác hiệu quả của sáng chế./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com