Kết quả bước đầu triển khai sử dụng “phần mềm nguồn mở”

08:11, 19/11/2010

Hiện nay, hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp, khối doanh nghiệp và người dân sử dụng máy vi tính đều dùng các phần mềm nguồn đóng không có bản quyền. Tổng số lượng máy tính vi phạm bản quyền lên trên 90%. Thực trạng này đã khiến nhiều quốc gia thực hiện nghiêm Công ước quốc tế về bản quyền phần mềm. Bản thân các nhà sản xuất phần mềm nguồn đóng như Microsoft cũng có những động thái bắt buộc Việt Nam phải mua bản quyền phần mềm khi đưa vào sử dụng. Vì vậy, về lâu dài chúng ta phải chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay. Theo đó, từ năm 2007, Việt Nam đã kêu gọi và đưa ra nhiều quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước sử dụng “phần mềm nguồn mở”. Đây là những chương trình máy tính được cung cấp cùng với mã nguồn và bản quyền sử dụng mã nguồn; cho phép người sử dụng có thể tự do cài đặt, chỉnh sửa và phân phối lại chúng mà không phải chi trả chi phí bản quyền sở hữu trí tuệ cho cộng đồng tác giả.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu (Sở Thông tin - Truyền thông) tích hợp hệ thống phần mềm và các cơ sở dữ liệu. Ảnh: Dương Đức
Trung tâm Tích hợp dữ liệu (Sở Thông tin - Truyền thông) tích hợp hệ thống phần mềm và các cơ sở dữ liệu.
Ảnh: Dương Đức

Tiến sỹ Vũ Trọng Quế, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Tại tỉnh ta, từ năm 2007, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn sử dụng phần mềm nguồn mở theo đúng quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông và của UBND tỉnh. Do hệ thống máy tính trên địa bàn tỉnh đều cài đặt chương trình phần mềm mã nguồn đóng nên Sở Thông tin và Truyền thông đã vận động triển khai cài đặt hệ thống phần mềm mã nguồn mở, cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Những năm qua Sở Thông tin - Truyền thông còn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về kiến thức cài đặt sử dụng phần mềm mã nguồn mở cho hàng trăm lượt người. Công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sử dụng phần mềm mã nguồn mở cũng được các cơ quan trong ngành tích cực thực hiện. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai sử dụng chương trình phần mềm nguồn mở trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Đến thời điểm này, mới có vài đơn vị, tổ chức chính thức sử dụng thường xuyên phần mềm mã nguồn mở. Ngay ở những đơn vị đã được Sở Thông tin Truyền thông hỗ trợ cài đặt, tổ chức đào tạo kiến thức cũng có những phương thức, lý do ngừng sử dụng hoặc gián đoạn sử dụng. Nguyên nhân do thói quen sử dụng các phần mềm mã nguồn đóng, đồng thời các phần mềm này đã “ăn sâu” vào mọi mặt của hoạt động phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Hơn nữa, ngoài việc phải mất thời gian, công sức học tập để có thể chuyển sang sử dụng phần mềm mã nguồn mở thì trên thị trường CNTT, các phần mềm mã nguồn đóng được in lậu và phát hành tràn lan, chưa thể kiểm soát. Chỉ với 7000 đồng, mọi người đã có thể mua được một đĩa in lậu phần mềm mã nguồn đóng. Khi quy định pháp lý chưa được áp dụng, thắt chặt thì rất khó có thể tác động vào thói quen đã trở thành cố hữu của nhiều người. Không chỉ khó thay đổi thói quen, nhận thức của mọi người, mà do thời gian sử dụng phần mềm mã nguồn đóng đã lâu, tạo nên một chuỗi các hoạt động phục vụ ứng dựng CNTT như đào tạo phổ cập, đào tạo cán bộ chuyên ngành CNTT... đều hướng theo nguồn kiến thức sử dụng các phần mềm mã nguồn đóng. Việc nghiên cứu xây dựng các phần mềm mã nguồn mở cũng chưa có nhiều thời gian và kinh phí vì vậy so với các phần mềm mã nguồn đóng sẽ còn nhiều hạn chế, chưa đạt được phổ cập về thiết bị hỗ trợ và kiến thức sử dụng. Trong khi đó, ở giai đoạn đầu tham gia sử dụng phần mềm mã nguồn mở, người sử dụng chắc chắn cần nhiều sự hỗ trợ mang tính chuyên sâu trong khi việc hỗ trợ còn nhiều hạn chế do chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn sử dụng, thiếu cán bộ chuyên ngành có trình độ cao về lĩnh vực này.

Để chương trình sử dụng phần mềm mã nguồn mở đạt kết quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã xác định phải có thời gian quá độ nhất định, giúp người dân, các cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ lợi ích lâu dài của chương trình để thay đổi tư duy, tập trung đầu tư học tập và chủ động chuyển đổi. Sở Thông tin - Truyền thông cũng tổ chức thực hiện những dự án phần mềm mã nguồn mở theo phương pháp “vừa đóng, vừa mở” - tức là một số ứng dụng sẽ là mã mở, trong khi nhiều chương trình khác vẫn là mã đóng nhằm tận dụng những điểm mạnh của cả hai. Việc triển khai đào tạo, phổ cập kiến thức sử dụng được tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh và thực hiện theo hướng cung cấp sâu kiến thức sử dụng của tất cả các phần mềm mã nguồn mở tiện ích cao, được nhiều người ưa chuộng. Vận động các tổ chức, đơn vị, các ngành hữu quan cùng tham gia góp phần đẩy nhanh lộ trình thực hiện bằng các biện pháp, quy định phù hợp, sát với thực tế của các đơn vị. Thực hiện chủ trương này ngành Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức vận động các cán bộ của ngành tham gia thực hiện chương trình sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo với kho phần mềm tự do có mã nguồn mở được đặt tại địa chỉ http://opensource.moet.gov.vn hoặc http://manguonmo.moet.gov.vn và www.edu.net.vn/media...

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com