Một số giải pháp cải tiến kỹ thuật sản xuất giống cua biển nhằm nâng cao tỷ lệ sống của cua bột

09:11, 15/11/2010

 

Thả cua biển giống. Ảnh: Internet
Thả cua biển giống. Ảnh: Internet
Với việc tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cua biển do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang chuyển giao, từ tháng 8-2004 tỉnh ta đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cua biển, đáp ứng nhu cầu của người nuôi. Trên cơ sở quy trình kỹ thuật đã được chuyển giao, kỹ sư Vũ Thị Bích Ân (Phó Giám đốc Trung tâm giống thủy đặc sản tỉnh) đã nghiên cứu và cải tiến một số khâu kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất giống cua. Các yêu cầu là: Vị trí xây dựng trại phải bảo đảm gần nguồn nước biển sạch, độ mặn cao, ổn định 28-32%o, có điện lưới. Bể nuôi cua mẹ kích thước tốt nhất là 3 x 5 x 1,2 hoặc 4 x 6 x 1,2 cho trại có công suất 1 triệu cua bột, có mái che mưa, nắng và phủ lưới đen. Bể nuôi ấu trùng phải có mái che kín, tránh gió lùa. Các bể chứa, lắng lọc và xử lý cần thiết kế phù hợp với công suất trại, bể lọc tinh phải bảo đảm cung cấp nước sạch cho giai đoạn ấu trùng Z1-Z3 và cấp thêm nước mới ở giai đoạn Z4 đến cua bột nhằm  làm giảm độ mặn bể nuôi. Bên cạnh đó, cần sử dụng hệ thống ao chứa, ao lắng lọc sinh học trồng rau câu để loại bỏ các yếu tố lý, hóa học không phù hợp trước khi bơm vào hệ thống bể xử lý, góp phần giảm chi phí thuốc, hóa chất và nguy cơ dịch bệnh đối với cua giống. Thường xuyên đo độ mặn mỗi kỳ con nước để khi lấy nước biển vào có độ mặn phù hợp và bảo đảm các yếu tố đa vi lượng. Ngoài ra, còn cải tiến cắt giảm hệ thống nuôi tảo và artemia sinh khối góp phần giảm chi phí nhân công, thuốc hóa chất gây nuôi tảo, đồng thời giúp chủ động quy trình nuôi. Hệ thống cấp thoát nước và hệ thống sục khí nên thiết kế nổi tránh tích đọng bùn, đất. Kinh nghiệm cho thấy cua bố mẹ tốt nhất là cua đánh bắt ngoài tự nhiên, màu sáng xanh có đủ chân bò, chân bơi, càng và buồng trứng đang phát triển ở giai đoạn III hoặc IV, sau đó nuôi vỗ, cho đẻ và ấp trứng. Giai đoạn ương nuôi ấu trùng zoae 1 đến cua bột thời gian từ 22 đến 31 ngày, mật độ ương 100-130 con/lít, thời điểm thu khi xuất hiện trên 70% cua bột.

Giải pháp cải tiến quy trình sản xuất giống cua biển đi vào thực tiễn đã làm lợi hàng chục tỷ đồng cho các trại giống khi chuyển sang sản xuất giống cua, làm giảm chi phí xây dựng hệ thống nhà trại nuôi ấu trùng zoae 1-4, hệ thống nhà trại gây nuôi tảo, artemia sinh khối, bể composit và nhiều chi phí phát sinh khác. Giải pháp cải tiến này cũng đơn giản hóa quy trình sản xuất giống, giúp các trại có thể chủ động sản xuất giống cua biển, tăng hiệu quả kinh tế của các trại giống so với trước đây. Sau khi sản xuất và thử nghiệm các biện pháp cải tiến, nhiều trại nuôi đã thu được những kết quả khả quan: Tỷ lệ sống của cua giống từ 5-8% tăng lên 6-10%; giảm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản 10-15%, và  chi phí sản xuất 3-7%. Hiện nay, các trại đều có thể áp dụng quy trình cải tiến sản xuất giống cua biển nên đã góp phần hạ giá thành từ 1000-1500 đồng xuống còn 700-1000 đồng/con, tạo tiền đề để mở rộng diện tích nuôi cua biển theo phương pháp luân canh 2 vụ/năm, góp phần duy trì, phát triển nghề nuôi và bảo tồn nguồn lợi thủy sản ở các vùng nuôi./.

Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com