Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin

08:11, 17/11/2010

 

Công nghệ thông tin chìa khóa công nghệ mang tính toàn cầu.
Công nghệ thông tin chìa khóa công nghệ mang tính toàn cầu.

Trước nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, hoạt động kinh doanh, sản xuất công nghiệp CNTT ở tỉnh ta đã bước đầu hình thành.

 Theo thống kê của Sở Thông tin - Truyền thông, từ năm 2007, toàn tỉnh đã có gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT (gồm công nghiệp phần cứng máy vi tính, điện tử và điện dân dụng). Hiện nay, có khoảng 30 đơn vị hoạt động liên quan đến lĩnh vực công nghiệp phần cứng máy vi tính nhưng chủ yếu mới phát triển các dịch vụ lắp ráp nhỏ lẻ, sửa chữa, thay thế linh kiện hoặc làm đại lý kinh doanh máy tính, trang thiết bị máy tính, điện tử và viễn thông cho các hãng lớn trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp kinh doanh và cung cấp dịch vụ chủ yếu tại thành phố Nam Định. Tại các huyện và khu vực nông thôn cũng bước đầu xuất hiện một số cơ sở mua bán, sửa chữa các thiết bị điện tử tin học. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã có các hoạt động tư vấn mua bán, thiết lập cấu hình máy tính, máy chủ, cấu hình mạng nội bộ LAN, WAN… Đặc biệt, có đơn vị tham gia vào phát triển công nghiệp phần cứng dưới dạng như một ngành sản xuất. Điển hình như Cty cổ phần Nguyên Thảo (KCN Hoà Xá) triển khai dự án lắp ráp máy vi tính trị giá gần 10 tỷ đồng, với tổng diện tích 2000m2, công suất lắp ráp bình quân hàng năm đạt 7200 bộ máy vi tính. Trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm có gần 50 doanh nghiệp tham gia, chủ yếu cung cấp các phần mềm đóng gói về kế toán doanh nghiệp, quản trị nhân sự và tiền lương, website… cho các doanh nghiệp. Một số Trung tâm tin học lớn như: Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Lương Thế Vinh, Trung tâm tin học và thông tin khoa học công nghệ Sở KHCN cũng có hoạt động phối hợp liên kết xây dựng sản xuất gia công phần mềm… Ngoài ra còn có 30 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh liên quan đến lĩnh vực CNTT phần mềm. Tuy nhiên, đây là những doanh nghiệp kinh doanh phần cứng có tham gia vào việc cài đặt các phần mềm. Hoạt động tư vấn về giải pháp phần mềm cũng có một số đơn vị tham gia. Công nghiệp phần mềm chưa thực sự có chiều sâu nên hầu hết các  phần mềm hiện đang bán trên thị trường Nam Định chủ yếu là phần mềm không có bản quyền. Trong lĩnh vực công nghiệp nội dung số, trong một vài năm gần đây đã có sự phát triển nhanh về loại hình như: Học tập điện tử, báo chí điện tử, dịch vụ thông tin trên Internet, dịch vụ tin nhắn… Tuy nhiên lĩnh vực này vẫn còn ở dạng sơ khai, hiện nay mới chỉ ứng dụng dịch vụ nội dung số trong việc xây dựng các chương trình phát thanh truyền hình, các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp… Mặc dù các đơn vị doanh nghiệp đã từng bước nỗ lực, góp sức phát triển nhưng ngành công nghiệp CNTT của tỉnh ta được đánh giá là đã khẳng định được sự tồn tại ban đầu nhưng chưa có nhiều nội lực làm nên sự bứt phá mới. Sản xuất công nghiệp CNTT bình quân năm chỉ đạt giá trị rất nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Nguyên nhân của những khó khăn trên chủ yếu là do nguồn tài chính dành cho lĩnh vực phát triển CNTT chưa cao. Do hạn chế về nguồn kinh phí huy động, tỉnh ta mới tập trung vào mảng ứng dụng CNTT mà chưa có nhiều điều kiện đầu tư phát triển ngành công nghiệp. Hầu hết kinh phí được đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống máy tính trong các cơ quan quản lý hành chính. Tỉnh ta đã hoàn thiện được cổng thông tin điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến tại 12 điểm với chất lượng cao. Về phía các doanh nghiệp, chưa thực sự có nhiều doanh nghiệp có tiềm năng lớn về kinh tế để có thể mạnh dạn đầu tư, phát triển chuyên sâu trên các lĩnh vực công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số. Ngoài ra, về phía người tiêu dùng, tuy nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị đã có và phát triển nhanh, nhưng do hạn chế về mức thu nhập nên mức độ đầu tư là chưa nhiều. Người sử dụng thường gắn bó lâu dài với một máy, không có điều kiện kinh tế thay đổi liên tục các đời máy, hoặc các linh kiện máy móc hiện đại. Bên cạnh nguyên nhân về kinh tế, ngành công nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh ta còn chịu ảnh hưởng của yếu tố thiếu nguồn nhân lực CNTT. Mặc dù theo đánh giá chỉ số ICI Index, nguồn nhân lực phát triển CNTT của tỉnh ta đứng thứ 20 toàn quốc nhưng mới chỉ có đủ trình độ để phục vụ những công việc thông thường, chưa có nguồn nhân lực trình độ cao.

 Để ngành công nghiệp CNTT có thể đạt được bước tiến mới, trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư máy móc, thiết bị, con người để phát triển công nghiệp CNTT, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, giá thành rẻ, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ đó góp phần tạo sự phát triển tương tác giữa nhu cầu tiêu dùng và sức phát triển sản xuất, tăng giá trị kinh tế, lợi nhuận cho các doanh nghiệp công nghiệp CNTT. Về phía chính quyền cũng cần tăng cường các động thái, huy động kinh phí đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện về pháp lý để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Hiện tại, UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện đề tài xây dựng hệ thống phần mềm dưới dạng dịch vụ phục vụ ứng dụng CNTT. Đề tài đã cơ bản được nghiên cứu hoàn thiện với tính năng hiện đại giúp các đơn vị hành chính và các đơn vị kinh doanh áp dụng vào công tác điều hành quản lý một cách cơ động theo nhu cầu, điều kiện của đơn vị và dễ sử dụng hơn các phần mềm khác. Khi đề tài này được áp dụng vào thực tiễn, sẽ góp phần khẳng định trình độ năng lực, cũng như khuyến khích động viên hoạt động nghiên cứu, phát triển sản xuất công nghiệp phần mềm. Ngoài ra, Sở Thông tin Truyền thông đang xây dựng kế hoạch tham mưu với UBND tỉnh có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp CNTT. Dự kiến kế hoạch thực hiện chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung chọn lựa, đào tạo nguồn nhân lực chọn những học viên có đầu vào cao, là con em địa phương; liên kết với các đơn vị đào tạo nhân lực CNTT chất lượng cao như Trường Đại học Bách khoa, Đại học Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia); Viện Công nghệ thông tin... nhưng theo mô hình là học viên của nhà trường. Trong quá trình học, học viên còn được nhận hỗ trợ kinh phí, học bổng từ phía tỉnh, sau ra trường được bố trí tạo điều kiện làm việc ngay trong Trung tâm với mức thu nhập phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của ngành. Giai đoạn 2, trong 5 năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục có các chế độ ưu đãi giao cho trung tâm tham gia vào các dự án phát triển công nghiệp CNTT cũng như ưu đãi về giá. Giai đoạn 3 khi trung tâm có đủ nội lực về nhân lực, kinh tế có thể cho chuyển đổi thành mô hình cổ phần, tự phát huy tiềm lực của mình, góp phần phát triển sâu, mạnh ngành công nghiệp CNTT tỉnh nhà./.

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com