IAEA muốn Iran minh bạch chương trình hạt nhân

08:08, 04/08/2022

Trong tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà cả Iran và các nước phương Tây đang nỗ lực cứu vãn, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi hy vọng Iran sẵn sàng công khai minh bạch chương trình hạt nhân của nước này mà theo đánh giá của IAEA là đang phát triển với mức độ rất nhanh chóng. 

Tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang rơi vào bế tắc từ tháng 3-2022 do Iran và Mỹ có nhiều quan điểm khác biệt. Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó việc yêu cầu Washington dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan thỏa thuận này, đồng thời đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran. Tiến trình đàm phán được cho là sẽ càng khó khăn hơn khi ngày 1-8, Iran tuyên bố nước này đã khởi động hàng trăm máy ly tâm để làm giàu urani sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.  

Cuba đề xuất làm việc từ xa để giảm tiêu thụ điện

Ngày 2-8, Bộ Lao động và An sinh Xã hội Cuba (MTSS) đề xuất thực hiện làm việc từ xa để giảm lượng tiêu thụ điện trong khu vực kinh tế Nhà nước nhưng không làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, đúng theo các quy định pháp luật liên quan.

Cuba đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng khi các nhà máy điện trong nước hầu hết đã hơn 50 năm tuổi thọ, liên tục gặp sự cố trong bối cảnh đất nước thiếu nguồn tài chính để bảo dưỡng, bảo trì và sửa chữa. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do áp lực thường trực của cuộc bao vây cấm vận đối với Cuba, khiến việc mua các máy móc mới hoặc phụ tùng thay thế để sửa chữa các tổ máy phát điện trở nên khó khăn hơn. Bất chấp những nỗ lực của chính quyền, tình trạng mất điện kéo dài và có hệ thống không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn gây ra sự cố hỏng hóc các thiết bị điện, sửa chữa rất khó khăn, tốn kém và trong nhiều trường hợp dẫn đến phải mua mới.

Châu Âu thiếu trầm trọng nhân viên y tế

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2030, châu Âu sẽ thiếu khoảng 15 triệu nhân viên y tế. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở những nước thu nhập thấp mà còn ở cả các quốc gia phát triển. Tại Đức, tính đến cuối năm 2021, nước này trống 35 nghìn chỗ làm trong ngành y tế, tăng 40% trong vòng 10 năm qua. Những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên như: Dân số thế giới đang già đi và sẽ ngày càng cần được chăm sóc nhiều hơn; gia tăng các bệnh mãn tính; năng lực đào tạo còn hạn chế... Cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến dịch COVID-19 còn làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nhân viên y tế ở châu Âu. Một nghiên cứu của WHO công bố tháng 7-2022 cho thấy, khi bắt đầu dịch bệnh, ở châu Âu, các dịch vụ như chăm sóc răng miệng và sức khỏe tâm thần bị gián đoạn nhiều nhất./.

PV


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com