Liên hợp quốc cảnh báo mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng có

07:08, 03/08/2022

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres vừa phát biểu tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10, một hiệp ước quốc tế có hiệu lực vào năm 1970 để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Cuộc họp này được tổ chức tại trụ sở của LHQ ở New York, vốn đã bị hoãn lại nhiều lần kể từ năm 2020 do đại dịch COVID-19, và sẽ kéo dài đến hết ngày 26-8.

Ông Guterres đã cảnh báo rằng thế giới phải đối mặt với “một mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh” và “chỉ cần một tính toán sai lầm cũng sẽ dẫn tới huỷ diệt hạt nhân”. Hội nghị này là “cơ hội để củng cố Hiệp ước NPT” và “làm cho hiệp ước này phù hợp với thế giới bất ổn xung quanh chúng ta”, đồng thời viện dẫn cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và ở Trung Đông.

Lạm phát tại Indonesia lên cao mức kỷ lục trong 7 năm qua

Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) hôm 1-8 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tại Indonesia trong tháng 7 vừa qua đã tăng tới 4,94%. Đây là mức lạm phát cao kỷ lục kể từ tháng 10-2015 và vượt qua mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2%-4% của Ngân hàng Trung ương Indonesia.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát tại Indonesia tiếp tục tăng do sự ”leo thang” giá cả nhóm thực phẩm như: ớt đỏ, dầu ăn, hẹ tây…; nhiên liệu hộ gia đình và giá vé máy bay tăng trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, so với một số nền kinh tế khác tại khu vực, lạm phát của Indonesia được đánh giá vẫn trong tầm kiểm soát tương đối do chính phủ hỗ trợ cho năng lượng.

Malaysia đưa ra 6 biện pháp ngăn chặn số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng

Trước sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, Giáo sư Ravichandran Manickam - Giám đốc Trung tâm phát triển vắc-xin và cũng là người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Malaysia - đã đưa ra 6 biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Đầu tiên là cần luôn cảnh giác trước nguy cơ bị lây nhiễm. Điều này đòi hỏi người dân phải luôn đeo khẩu trang tại không gian hẹp; sử dụng chất sát khuẩn tay hoặc rửa tay thường xuyên và tuân theo các quy trình vận hành tiêu chuẩn; tự xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nếu có những triệu chứng nghi ngờ.  Biện pháp thứ 2 là tiêm mũi tăng cường vắc-xin ngừa COVID-19. Biện pháp thứ 3 là duy trì sức khỏe bằng cách ăn uống lành mạnh. Người dân cần tập thể dục thường xuyên và đảm bảo cơ thể nhận được đủ lượng kẽm, Vitamin C và Vitamin D để chống lại các bệnh đường hô hấp. Biện pháp thứ 4 là cần bảo vệ những người cao tuổi. Biện pháp thứ 5 là người dân nên đảm bảo thông gió thích hợp ở nhà và tại nơi làm việc. Biện pháp cuối cùng là cần phải nhanh chóng nghiên cứu về “siêu vắc-xin” có khả năng chống lại mọi biến thể của virus SARS-CoV-2./.

PV

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com