Mối lo mới tại thị trường việc làm Ấn Độ

08:05, 04/05/2022

Trong lúc đang chịu nhiều áp lực tạo công ăn việc làm cho người dân, Chính phủ Ấn Độ lại đối mặt với một thực trạng trái ngược: Ngày càng nhiều lao động bỏ việc và không muốn tìm việc.

Nhiều lao động ở Ấn Độ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp.  Ảnh: The Economic Times

Nhiều lao động ở Ấn Độ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp.

Ảnh: The Economic Times

Những năm gần đây, nền kinh tế quốc gia Nam Á vốn đã rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài càng bị tác động nặng nề khi đại dịch COVID-19 ập tới. Tính đến cuối năm ngoái, Ấn Độ có khoảng 53 triệu người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này dù đã giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 7,6% vào tháng 3-2022. 

Business Standard đánh giá, cuộc khủng hoảng việc làm tại Ấn Độ chưa thể dịu bớt sức nóng. Với khoảng 2/3 dân số trong độ tuổi 15-64, sự cạnh tranh cho bất kỳ công việc nào, trừ lao động chân tay, là vô cùng khốc liệt. Đơn cử, các vị trí tại cơ quan Chính phủ luôn có “tỷ lệ chọi” cao ngất ngưởng bởi thu hút hàng triệu ứng viên trong khi chỉ tuyển dụng số lượng hạn chế.

Vậy nhưng, trong khi nhiều người thất nghiệp thì số khác lại không muốn tìm việc. Số liệu thống kê công bố gần đây của Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho thấy, hơn một nửa trong 900 triệu người Ấn Độ ở độ tuổi lao động, xấp xỉ dân số của Mỹ và Nga cộng lại, không muốn có việc làm.

Trong giai đoạn 2017-2022, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nói chung tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới giảm từ 46% xuống còn 40%. Thậm chí, có tới 21 triệu nữ giới Ấn Độ đã nghỉ việc hoàn toàn và hiện chỉ còn khoảng 9% phụ nữ nước này đủ điều kiện có việc làm hoặc đang tìm việc làm.

Ấn Độ là một trong số các quốc gia có dân số trẻ nhất toàn cầu. Lao động trẻ, dồi dào và nhân công giá rẻ là điểm mạnh của nước này. Trong bối cảnh đó, một tỷ lệ lớn người dân đang rời bỏ thị trường lao động khiến Ấn Độ khó tận dụng được những lợi thế mà lực lượng dân số trẻ mang lại. Các chuyên gia tại CMIE đưa ra một số lý giải cho thực trạng trên. 

Trước hết, những người thất nghiệp thường là sinh viên hoặc nội trợ. Nhiều người chọn sống bằng tiền cho thuê nhà, lương hưu của các thành viên cao tuổi trong gia đình hoặc trợ cấp từ Chính phủ. Số khác không có kỹ năng cần thiết và bị bỏ lại phía sau trong thời kỳ công nghệ thay đổi chóng mặt. 

Riêng với phụ nữ, nguyên nhân đôi khi liên quan tới sự an toàn của bản thân hoặc do tiêu tốn quá nhiều thời gian ở nhà. Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng giải quyết từng bước các vấn đề, trong đó bao gồm kế hoạch nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu của nữ giới lên 21 để giúp họ có thêm thời gian học lên cao hơn và theo đuổi sự nghiệp.

Thời gian qua, Ấn Độ đạt được nhiều bước tiến về tự do hóa nền kinh tế và thu hút các tập đoàn hàng đầu toàn cầu như Apple hay Amazon. Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi luôn chủ trương ưu tiên tạo thêm việc làm, nhấn mạnh rằng nước này đang bước vào “kỷ nguyên tăng trưởng vàng”. 

Tuy nhiên, New Delhi đứng trước bài toán nhân khẩu học khó khăn. Theo đó, một báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey ước tính, Ấn Độ cần tạo ra ít nhất 90 triệu việc làm phi nông nghiệp mới vào năm 2030 để bắt kịp đà tăng của tầng lớp thanh niên. Để làm được điều đó lại đòi hỏi Ấn Độ phải đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm từ 8 đến 8,5%.

Khi đặt cược vào lao động trẻ như một nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID-19, việc chưa thể đáp ứng việc làm phù hợp, nhất là cho lực lượng thanh niên, có thể đẩy Ấn Độ trượt khỏi mục tiêu sớm trở thành quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.

Nhà kinh tế học Kunal Kundu thuộc Trung tâm dịch vụ tài chính Societe Generale GSC có trụ sở lại thành phố Bengaluru (bang Karnataka, Ấn Độ) nhận định, nếu không tìm ra giải pháp kịp thời, nước này nhiều khả năng vẫn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình với con đường tăng trưởng theo hình chữ K-phản ánh sự phân hóa và phục hồi không đồng đều giữa các nhóm ngành trong nền kinh tế./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com