Iran đối mặt với thách thức từ cuộc khủng hoảng kép

08:07, 13/07/2020

Iran đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước này tiếp tục tăng và cùng với đó, nền kinh tế vốn đã chật vật bởi các biện pháp trừng phạt từ Mỹ vẫn chưa thể tìm ra hướng đi tích cực và lạc quan hơn.

 Người dân Iran đi bộ trên một con phố đông đúc ở thủ đô Tehran vào đầu tháng 6-2020. Ảnh: Getty Images.
Người dân Iran đi bộ trên một con phố đông đúc ở thủ đô Tehran vào đầu tháng 6-2020. Ảnh: Getty Images.

Theo Reuters, kể từ giữa tháng 4 vừa qua, Iran đã dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, tuy nhiên gần đây, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại nước này có dấu hiệu tiếp tục tăng. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari ngày 11-7 cho biết, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này là 255.117, tăng thêm 2.394 ca chỉ trong vòng 24 giờ. Số người tử vong vì Covid-19 ở nước này cũng đã lên đến con số hơn 12.600 người. Từ giữa tháng 6 đến nay, số ca tử vong theo ngày tại Iran luôn ở mức hơn 100 người và ngày 9-7 là ngày mà Iran ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 221 ca.

Trước đó, hồi tháng 2 năm nay, Iran trở thành quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất khu vực Trung Đông.

Trước tình hình này, ngày 12-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng kêu gọi cấm các cuộc tụ tập đông người, trong đó có cả đám cưới, đám tang. "Chúng ta phải cấm các nghi lễ và các cuộc tụ tập trên khắp đất nước, dù đó là tang lễ, đám cưới hay tiệc tùng. Giờ không phải là lúc cho các lễ hội hay tụ họp", ông Hassan Rouhani tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Theo đánh giá của cá nhân Tổng thống Hassan Rouhani cũng như các quan chức Iran, các sự kiện tập trung đông người như đám cưới, đám tang là một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới ở nước này gia tăng. Ông Hassan Rouhani cũng thông báo rằng, nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến theo chiều hướng tích cực, ngay cả kỳ thi đại học sắp tới cũng có thể bị tạm dừng.

Trong khi đó, ông Hossein Qenaati, cố vấn của lực lượng đặc trách chống Covid-19 ở Iran dự báo, nước này có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai nguy hiểm hơn rất nhiều và nếu không đưa ra các biện pháp phù hợp, số người thiệt mạng tại Iran có thể lên tới 50.000-60.000 người.

Một bài toán vô cùng nan giải khác với Iran lúc này là kinh tế. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã trải qua một cuộc suy thoái kinh tế lớn. Dù quyết tâm duy trì ngành công nghiệp dầu mỏ, song các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm rõ rệt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Iran sẽ giảm 6% trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, giới chức Iran lo ngại rằng việc áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế Iran tiếp tục bị tàn phá. Tương tự, Tổng thống Hassan Rouhani cũng khẳng định Iran không thể đóng cửa nền kinh tế ngay cả khi tình hình đại dịch đang diễn biến xấu, mà phương án tốt nhất và hợp lý nhất là phải tiếp tục các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa trong khi vẫn tuân thủ những quy định về ngăn ngừa dịch bệnh. Tổng thống Iran cho rằng áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song cũng dẫn tới các cuộc biểu tình trên đường phố liên quan đến kinh tế và đời sống. "Giải pháp đơn giản nhất là đóng cửa tất cả các hoạt động, nhưng ngày hôm sau, mọi người sẽ ra ngoài để phản đối sự hỗn loạn, đói, khó khăn và áp lực", ông Hassan Rouhani nói.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com