Thách thức với "đất nước hình chiếc ủng"

08:06, 09/06/2020

I-ta-li-a đang đối mặt các thách thức kinh tế hết sức lớn trong bối cảnh nền kinh tế dự kiến sụt giảm hơn 9% trong năm nay. Chính phủ và người dân “đất nước hình chiếc ủng” đang nỗ lực thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua việc khởi động lại nền kinh tế cũng như điểm tựa từ các gói hỗ trợ và kích cầu.

Từng là “điểm nóng” của đại dịch COVID-19, kinh tế I-ta-li-a đã bị tàn phá nặng nề. Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương nước này, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm khoảng 9,2% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ ở mức 10,6%. Trước đó, Cơ quan thống kê quốc gia I-ta-li-a (ISTAT) cho biết, trong tháng 4, I-ta-li-a bị mất khoảng 274 nghìn việc làm. Theo ISTAT, GDP của I-ta-li-a đã sụt giảm 5,3% trong quý I-2020, mức sụt giảm hàng quý mạnh nhất kể từ những năm 1990. Trong quý II năm nay, dự báo GDP tiếp tục giảm khoảng 10,5% do đây là giai đoạn I-ta-li-a áp dụng các lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc, buộc toàn bộ các cơ sở kinh doanh, sản xuất phải đóng cửa.

I-ta-li-a đã dần dỡ bỏ phong tỏa, tuy nhiên nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro.  Ảnh: Internet
I-ta-li-a đã dần dỡ bỏ phong tỏa, tuy nhiên nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh: Internet

Mặc dù từ cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ I-ta-li-a đã bắt đầu khôi phục hoạt động kinh tế đất nước sau thời gian dài phải đóng cửa để chống dịch bệnh, nhưng thách thức trước mắt với các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vẫn rất lớn trong bối cảnh thị trường ảm đạm do nhu cầu của người dân giảm sút. Tổng Liên đoàn doanh nghiệp và lao động I-ta-li-a vừa công bố báo cáo cho biết, sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa, đã có hơn 90% số cửa hàng quần áo hoạt động trở lại, dịch vụ ăn uống cũng dần phục hồi với khoảng 70% số quán rượu và nhà hàng đã mở. Tuy nhiên, nhu cầu dịch vụ ăn uống của người dân I-ta-li-a đã giảm khoảng 80% so với mức trung bình trước đây. Số lượng nhân viên tại các cơ sở dịch vụ ăn uống giảm khoảng 40%, tương đương với 400 nghìn lao động… Trong bối cảnh nêu trên, đẩy mạnh mở cửa trở lại nền kinh tế đang là giải pháp quan trọng để I-ta-li-a chống đỡ với những khó khăn hiện nay. Hiện còn một số ít hạn chế được áp dụng, như các nhà hát, rạp chiếu phim vẫn chưa được phép mở lại cho đến giữa tháng 6, trong khi trường học tiếp tục bị đóng cửa cho đến tháng 9. Từ ngày 3-6, Chính phủ I-ta-li-a cho phép người dân tự do đi lại trên toàn quốc mà không cần phải khai báo lý do, đồng thời chính quyền cho phép mở cửa trở lại đối với công dân, khách du lịch đến từ các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU). Các chuyến bay quốc tế cũng sẽ được phép nối lại ở ba thành phố chính là Rô-ma, Mi-lan và Na-pô-li. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số lo ngại rằng du khách châu Âu có thể sẽ chưa đến thăm I-ta-li-a.

Để đẩy mạnh mở cửa và kết nối kinh tế trở lại với các nước trong khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a L.Mai-ô vừa có chuyến thăm Xlô-vê-ni-a nằm trong sứ mệnh công du nước ngoài sau thời gian giãn cách xã hội. Chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Ngoại giao I-ta-li-a nhằm thuyết phục các nước trong khu vực rằng, Rô-ma sẵn sàng tiếp đón du khách nước ngoài từ ngày 15-6 với “sự minh bạch cao nhất” và không chấp nhận “danh sách đen” trong hạn chế mở cửa biên giới nội khối. Tiếp đó, hôm 6-6, Thủ tướng I-ta-li-a G.Côn-tê cùng Thủ tướng Tây Ban Nha P.Xan-chét đã gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Lây-en đề xuất các nước thành viên EU “cùng phối hợp mở lại biên giới, khởi động lại ngành du lịch” sau đại dịch COVID-19. Giới phân tích nhận định, dù còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng kinh tế I-ta-li-a đã bắt đầu thấy “le lói ánh sáng cuối đường hầm”. Điểm tựa để nước này thoát ra khỏi các khó khăn hiện nay là tình hình dịch bệnh đã bớt nghiêm trọng và Rô-ma nhận được sự hậu thuẫn của EU. Trong khi đó, uy tín của Chính phủ đương nhiệm đang lên cao. Từng là tâm dịch COVID-19 của châu Âu nhưng nay I-ta-li-a đã kiểm soát tương đối tốt tình hình. Bộ trưởng Y tế I-ta-li-a R.Spê-ran-da khẳng định, các biện pháp phong tỏa đã cho phép nước này kiểm soát hiệu quả sự lây nhiễm dịch trên toàn lãnh thổ. Nền kinh tế I-ta-li-a cũng sẽ nhận được “liều thuốc tăng lực” hơn 172 tỷ ơ-rô từ Quỹ phục hồi hậu COVID-19 của Ủy ban châu Âu (EC). Thủ tướng I-ta-li-a G.Côn-tê đánh giá khoản ngân sách mà châu Âu dành cho nước này là một “tín hiệu tuyệt vời từ EU”, cho phép I-ta-li-a có thể sử dụng tất cả nguồn ngân sách cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, với ưu tiên là giảm thuế. Ngoài ra, một “điểm tựa” quan trọng với I-ta-li-a trong phục hồi kinh tế là uy tín của Chính phủ và Thủ tướng G.Côn-tê đang lên cao. Báo giới châu Âu đánh giá rằng, ông G.Côn-tê hiện là một trong những nhà lãnh đạo gặt hái được nhiều thành công về chính trị nhất trong thời gian xảy ra đại dịch. Kết quả các cuộc thăm dò công bố gần đây cho thấy tỷ lệ cử tri I-ta-li-a ủng hộ Thủ tướng G.Côn-tê hiện ở mức khá cao, lên tới 65%. Giới phân tích cho rằng, tỷ lệ ủng hộ nêu trên là mức mà nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới cũng phải “ghen tỵ”.

I-ta-li-a đang phải đối mặt với những thách thức “trăm năm có một” về kinh tế. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với những điểm tựa mang tính “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nêu trên, hy vọng rằng Thủ tướng G.Côn-tê sẽ tận dụng được vị thế khá tốt về mặt chính trị hiện nay để cùng người dân “đất nước hình chiếc ủng” vượt qua giai đoạn khủng hoảng này./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com