Sáng kiến bảo vệ Trái đất

08:02, 24/02/2020

Tháng 1-2020 được xác nhận là “tháng 1 nóng nhất” trên trái đất trong 141 năm qua, tiếp tục dấy lên lo ngại về tình trạng ấm lên toàn cầu. Các nước liên tiếp triển khai nhiều sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu, nổi bật là các dự án trồng cây xanh, nhằm chung tay bảo vệ “mái nhà chung” trước mối đe dọa từ “kẻ giết người thầm lặng”.

Chiến dịch trồng cây tại bang New South Wales, Australia.  Ảnh: LANDCAREAUSTRALIA.ORG.AU
Chiến dịch trồng cây tại bang New South Wales, Australia.
Ảnh:
LANDCAREAUSTRALIA.ORG.AU

Theo Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ bề mặt đất liền và đại dương toàn cầu trong tháng 1-2020 đã tăng 1,140C so nhiệt độ trung bình các tháng 1 trong thế kỷ XX và vượt mức nhiệt kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 1-2016. Đáng chú ý, NOAA nhấn mạnh đây là mức tăng nhiệt lớn nhất mà không chịu tác động của hiện tượng El Nino tại Thái Bình Dương, cho thấy những bằng chứng rõ ràng về sự ấm lên toàn cầu. Tháng 1-2020 cũng đánh dấu 44 tháng 1 liên tiếp và 421 tháng liên tiếp có nhiệt độ cao hơn mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20. Trung tâm Thông tin môi trường quốc gia Mỹ dự báo, năm 2020 sẽ nằm trong tốp 5 năm nóng kỷ lục.

Thông tin về những hậu quả khó lường do nắng nóng - “kẻ giết người thầm lặng” - khiến giới chức nhiều nước không khỏi lo lắng, trong đó có Mỹ. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ nhanh chóng đề xuất dự luật trồng thêm 1.000 tỷ cây xanh, từ nay tới năm 2050. Các tác giả dự luật lập luận rằng, thay vì cố gắng giảm lượng khí thải của các nhà máy để đối phó tình trạng Trái đất nóng lên, kế hoạch trồng cây mới sẽ giúp giảm đáng kể lượng các-bon trong không khí. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi một hệ thống quản trị thông minh.

Trồng nhiều cây xanh và mở rộng không gian xanh trong thành phố cũng là biện pháp phổ biến hiện nay mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Trong Thông điệp liên bang năm 2020 gửi đến người dân Hungary, Thủ tướng nước này V.Orban công bố kế hoạch hành động mới về chống biến đổi khí hậu, trong đó nổi bật là chiến dịch trồng thêm 10 cây xanh mỗi khi có một đứa trẻ chào đời, với mục tiêu đến năm 2030 tăng thêm 27% diện tích rừng của Hungary. Cũng theo kế hoạch này, từ ngày 1-7 tới, Hungary sẽ xóa bỏ các hố chôn rác thải trái phép và xử phạt nghiêm đối tượng gây ô nhiễm môi trường.

Vừa trải qua đợt nắng nóng khủng khiếp trong tháng 1-2020, khi nhiệt độ lên đến 40 độ C, thành phố lớn thứ hai của Australia là Melbourne cũng thúc đẩy phong trào trồng cây, cam kết tăng tỷ lệ diện tích cây xanh bao phủ từ 22% lên 40% vào năm 2040. Mục tiêu này được đánh giá tạo cú huých, giúp giảm nhiệt độ xuống vài độ C. Tuy nhiên, giới chức thành phố cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay không phải chi phí cho trồng cây, mà là việc chăm sóc.

Trong khi đó, tại châu Âu, trong chiến dịch giúp “lục địa già” chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và không có khí thải, Ủy ban châu Âu (EC) công bố một khoản đầu tư trị giá 101,2 triệu ơ-rô cho các dự án thuộc chương trình LIFE, hành động vì môi trường và khí hậu. Khoản tiền này hỗ trợ cho 10 dự án về môi trường và khí hậu có quy mô lớn ở chín quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), giúp bảo vệ môi trường sống tự nhiên, giữ không khí sạch sẽ và giảm ô nhiễm ở nhiều sông, hồ tại châu Âu.

Chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường sống G.Mu-tai cho rằng, để giúp các thành phố xanh hơn, các nhà quy hoạch phải có những chính sách phù hợp trong việc phân bổ các không gian xanh công cộng tại các thành phố lớn. Lý do là, các đô thị khi mở rộng thường “lãng quên” mặt bằng dành cho các không gian công cộng. Trong khi đó, chuyên gia M.Bơ-cô-uýt nhận định, xã hội gắn kết hơn, khi các sáng kiến về “thành phố mát mẻ” có tính đến lợi ích của cả các cộng đồng nghèo khó.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là trở ngại nghiêm trọng và cấp bách nhất đối với sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu. Hành động quyết liệt là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng về khí hậu hiện nay./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com