Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

08:11, 06/11/2019

Ngày 4-11, Mỹ chính thức gửi thư lên Liên hợp quốc thông báo sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận thông tin này và cho rằng, Mỹ là nước dẫn đầu trong việc cắt giảm khí thải nhưng vẫn phát triển kinh tế và đảm bảo đủ năng lượng cho tất cả công dân của mình. Mỹ là một mô hình thực tế và thực dụng.

Theo các điều khoản của hiệp định, quá trình Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ phải mất một năm để thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của hiệp định này vào ngày 4-11-2020 - một ngày sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm sau.

Người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng phản đối chính sách về chống biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Trump - Ảnh: Reuters
Người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng phản đối chính sách về chống biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Trump - Ảnh: Reuters

Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông cho rằng hiệp định sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã lập tức thực hiện lời hứa tranh cử.

Vào ngày 1-6-2017, ông đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ, song sẽ bắt đầu đàm phán lại nhằm mang đến một thỏa thuận công bằng hơn cho nước Mỹ, cho doanh nghiệp, người lao động và người dân Mỹ nói chung.

Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm từ 26% đến 28% lượng phát thải khí nhà kính so với mức khí thải của năm 2005.

Động đất mạnh rung chuyển Tonga và Chile

Sáng 5-11, hai trận động đất lần lượt có độ lớn 6,6 và 5,5 đã xảy ra ở khu vực ngoài khơi đảo quốc Thái Bình Dương Tonga.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất đầu tiên xảy ra ở vùng biển nước nông, đã làm rung chuyển khu vực cách Neiafu - thị trấn lớn thứ hai của Tonga - khoảng 134km về phía Tây. Trong khi đó, trận động đất thứ hai được ghi nhận sau đó ít phút. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại trong hai trận động đất này. Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương không ban bố cảnh báo sóng thần sau hai cơn địa chấn. 

Trước đó tối 4-11, một trận động đất độ lớn 6,0 đã làm rung chuyển nhiều tòa nhà ở Thủ đô Santiago của Chile. Trận động đất xảy ra lúc 18h53, với tâm chấn ở độ sâu 49km, gần thị trấn Illapel ở miền Bắc nước này. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại trong trận động đất này.  

Chile là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều động đất nhất trên thế giới. Trận động đất độ lớn 9,5 năm 1960 ở Valdivia, được ghi nhận là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử. Trong khi đó, trận động đất độ lớn 8,8 kéo theo sóng thần năm 2010 tại Chile đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 người, phá hủy 220 nghìn ngôi nhà./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com