EU trăn trở tìm các nhà lãnh đạo mới

08:06, 29/06/2019

Ngay sau khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) kết thúc, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhanh chóng khởi động tiến trình lựa chọn người đứng đầu các cơ quan của Liên hiệp châu Âu (EU), cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Tuy nhiên, tiến trình này dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là việc lựa chọn ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Hội trường Nghị viện châu Âu tại Brúc-xen, Bỉ. Ảnh: Reuters
Hội trường Nghị viện châu Âu tại Brúc-xen, Bỉ. Ảnh: Reuters

Mới đây, 28 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU đã có cuộc gặp cấp cao không chính thức ở Brúc-xen (Bỉ), nhằm thảo luận về việc lựa chọn lãnh đạo cho các cơ quan hàng đầu của EU là EC, Hội đồng châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cũng như vị trí Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại. Việc lựa chọn đòi hỏi EU phải cân nhắc nhiều yếu tố, như sự quan tâm của cử tri thể hiện qua lá phiếu trong cuộc bầu cử EP vừa qua, vấn đề cân đối lợi ích của các nước thành viên, sự cân bằng giới tính... 5 năm trước, EU đã mất ba tháng với ba hội nghị cấp cao mới có thể thống nhất được các vị trí lãnh đạo của các cơ quan đầu não. Giới chuyên gia nhận định, “cuộc đua” năm nay cũng sẽ không kém phần gay cấn.

Ngay từ cuộc họp đầu tiên, các quốc gia thành viên EU đã thể hiện những bất đồng trong cách thức chọn các ứng cử viên, nhất là cho vị trí Chủ tịch EC nhiệm kỳ mới. Tại Hội nghị cấp cao EU mới đây, không ứng cử viên nào cho vị trí Chủ tịch EC giành được sự ủng hộ của đa số. Thủ tướng Đức A.Méc-ken khẳng định, Béc-lin ủng hộ cơ chế đảng nào giành nhiều ghế nhất trong EP sẽ có quyền chọn người đứng đầu EC. Theo đó, bất chấp sự phản đối của nhiều nước thành viên, Chính phủ Đức tuyên bố ủng hộ ứng cử viên M.Vê-bơ, chính trị gia người Đức, hiện giữ chức Chủ tịch nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chính trị chiếm nhiều ghế nhất tại EP khóa mới. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có Tổng thống Pháp E.Ma-crông, kiên quyết phản đối phương thức lựa chọn này. Việc Pa-ri không mặn mà với việc đề cử ông M.Vê-bơ cho vị trí đứng đầu cơ quan quan trọng hàng đầu của EU là điều dễ hiểu. Các nhà phân tích cho rằng, Pháp lo ngại việc một chính trị gia người Đức nắm giữ cương vị này sẽ gây bất lợi cho Pháp, nhất là trong bối cảnh hai quốc gia đầu tàu châu Âu đang có nhiều khác biệt trong quan điểm cải tổ EU.

Bên cạnh đó, theo quy định của EU, sau khi được Hội đồng châu Âu, gồm lãnh đạo 28 quốc gia thành viên, thống nhất đề cử, ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch EC còn phải vượt qua “cửa ải” khó khăn khác là giành được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ tại EP nhiệm kỳ mới, gồm 751 thành viên. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử EP vừa qua cho thấy, cục diện lưỡng cực trên chính trường châu Âu đã thay đổi. Hai nhóm đảng chính là EPP và Liên minh Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ (S&D) mặc dù tiếp tục dẫn đầu, nhưng số ghế của cả hai nhóm đảng đều giảm mạnh so nhiệm kỳ trước. Đây là lần đầu trong hơn 20 năm, hai nhóm đảng dẫn đầu không hội đủ đa số tuyệt đối. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đ.Tu-xcơ đánh giá, tình hình EP khóa mới sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi liên minh nắm quyền tại EP phải là tập hợp của ít nhất ba nhóm đảng để chiếm đa số tuyệt đối. Sự phân mảnh này đồng nghĩa việc tìm kiếm tiếng nói đồng thuận sẽ khó khăn hơn và ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch EC sẽ phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất ba nhóm đảng, thay vì hai như trước đây.

Bất chấp những bất đồng tồn tại, thời gian tới, EU cần nêu cao tinh thần đoàn kết để cùng giải quyết nhiều khó khăn, từ các vấn đề nội bộ như tiến trình Brexit, nền kinh tế bấp bênh, đến các thách thức về đối ngoại như mối quan hệ với Mỹ, Nga… Thực trạng hiện nay đang đòi hỏi các quốc gia thành viên sớm tìm được tiếng nói chung trong việc lựa chọn những nhà lãnh đạo có đủ khả năng và uy tín để cầm lái con tàu EU vượt qua giai đoạn sóng gió.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com