Hàng vạn người dân Nam Sudan phải đi lánh nạn do xung đột

08:02, 15/02/2019

 Khoảng 13 nghìn người dân Nam Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa vì bạo lực bùng phát thời gian gần đây ở bang Equatoria, trong đó 5.000 người đã tìm kiếm sự an toàn ở nước láng giềng Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ngoài số người chạy sang nước láng giềng lánh nạn, khoảng 8.000 người khác cũng phải rời nhà và tìm kiếm sự an toàn ở trong nước, gần Thị trấn Yei của Nam Sudan.

Từ năm 2013 đến nay, hàng triệu người dân Nam Sudan đã phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn ở các quốc gia láng giềng. (Ảnh: IOM)
Từ năm 2013 đến nay, hàng triệu người dân Nam Sudan đã phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn ở các quốc gia láng giềng. (Ảnh: IOM)

Theo Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn, các vụ đụng độ đã nổ ra từ ngày 19-1 giữa quân đội và nhóm nổi dậy được biết đến với tên gọi Mặt trận Cứu quốc (NAS), khiến việc tiếp cận nhân đạo ở các khu vực bị ảnh hưởng gặp khó khăn. Tình hình an ninh ở bang Equatoria hiện nay rất xấu, quay trở lại bối cảnh chiến tranh như trước khi có thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 9-2018 giữa các phe phái chính trị.

Lần đầu tiên Namibia phát hiện virus cúm gia cầm H5N8 ở chim cánh cụt

Bộ Nông nghiệp Namibia ngày 13-2 thông báo vừa phát hiện virus cúm gia cầm H5N8 ở chim cánh cụt. Đây là lần đầu tiên chủng cúm nguy hiểm này được phát hiện tại quốc gia miền Nam châu Phi này.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, virus cúm gia cầm H5N8 xuất hiện ở đàn chim cánh cụt tại đảo Halifax, cách bờ biển miền Nam Namibia chỉ 100m. Tính đến nay, hơn 200 cá thể chim cánh cụt đã chết trong tổng số khoảng 7.000 con hiện đang sinh sống trên đảo.

Trong thông báo đưa ra cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Namibia khẳng định hiện vẫn chưa phát hiện dấu hiệu nào cho thấy virus cúm H5N8 lây sang các loài chim hoang dã khác trên đảo. Toàn bộ số chim cánh cụt bị chết do cúm đã được tiêu hủy và chôn ngay trên đảo. 

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Namibia cũng đưa ra thông báo khẩn yêu cầu toàn thể người dân nước này, đặc biệt là nông dân, cần đến ngay các cơ sở thú y gần nhất để báo cáo trong trường hợp phát hiện dấu hiệu cúm H5N8 ở chim và gia cầm. Hiện Namibia cấm lưu hành các loại vaccine chống mầm bệnh cúm H5N8.

H5N8 là chủng virus có khả năng lây nhiễm cao ở gia cầm, nhưng chưa bao giờ ghi nhận trường hợp lây nhiễm sang người. Chủng virus này được phát hiện tại một số nước Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2014 và được cho là lây lan từ các loài chim hoang dã sang gia cầm./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com