Phản ứng của NATO trước nguy cơ Mỹ rút khỏi liên minh

08:01, 29/01/2019

 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cam kết với liên minh quân sự này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đề cập khả năng rút khỏi NATO, với những chỉ trích nhằm vào các nước thành viên không chia sẻ công bằng trong chi tiêu quốc phòng, gây gánh nặng cho Mỹ quá nhiều. Đầu tháng này, Tổng thống Trump tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng các đồng minh đang được lợi từ Mỹ quá nhiều và nhiệm vụ của ông là không để điều này tiếp diễn.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các chỉ trích của Tổng thống Mỹ về chi tiêu quốc phòng trong NATO đang có tác động tích cực.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các chỉ trích của Tổng thống Mỹ về chi tiêu quốc phòng trong NATO đang có tác động tích cực.

Ngày 27-1, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các chỉ trích của Tổng thống Mỹ về chi tiêu quốc phòng trong NATO đang có tác động tích cực. Các quốc gia NATO đang tăng cường nỗ lực để thực hiện các mục tiêu về chi tiêu quốc phòng. Đến cuối năm 2020, các đồng minh NATO sẽ bổ sung thêm 100 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng.

 

Ông Stoltenberg cũng khẳng định, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cam kết đối với liên minh quân sự này. Điều này đã được khẳng định trong các tuyên bố gần đây và Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 năm ngoái. Theo Tổng Thư ký NATO, liên minh quân sự này đang đoàn kết hơn bao giờ hết, bởi vì các nước hiểu rằng chỉ có sự phối hợp mới có thể giúp đối phó với các thách thức chung.

Tổng thống Mỹ sẵn sàng đóng cửa một phần chính phủ lần hai

Ngày 27-1, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đóng cửa một phần chính phủ lần hai, thậm chí là tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nếu Quốc hội nước này không hợp tác với ông trong việc xây dựng bức tường biên giới phía Nam nhằm chống lại làn sóng di cư mà ông coi là gây nhiều hỗn loạn cho nước Mỹ.

Trước đó, ngày 25-1, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động đầy đủ trở lại trong 3 tuần, qua đó chấm dứt tình trạng một phần chính phủ bị "đóng băng" trong hơn một tháng qua.

Cũng trong ngày 25-1, ông Trump và phe Dân chủ đã đạt được một thỏa thuận pháp lý, dù không bao gồm khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, song đã đặt ra thời hạn 3 tuần, tức là đến ngày 15-2 tới, để các nghị sĩ và Nhà Trắng thảo luận về an ninh biên giới. Dự luật trên đã được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo và cũng được Hạ viện Mỹ phê chuẩn ngay sau đó.

Trong những ngày qua, bất đồng quan điểm về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD dành cho việc xây dựng bức tường tại biên giới với Mexico là nguyên nhân khiến hai phe Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất về ngân sách chính phủ cho tài khóa 2019, khiến Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần kể từ ngày 22-12-2018.

Đợt đóng cửa một phần chính phủ lần này kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ (35 ngày), gây ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800 nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương./.

Theo vov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com