Tổng thống Pháp công bố các biện pháp tăng lương, miễn thuế

08:12, 12/12/2018

Tối 10-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trên truyền hình, khẳng định quyết tâm thực hiện một số chính sách nhằm nâng cao đời sống của người dân như tăng lương tối thiểu, giảm tiền đóng góp xã hội cho người về hưu. Đây là tuyên bố đầu tiên của Tổng thống Pháp đối với các yêu cầu của những người tham gia phong trào biểu tình "áo vàng."

Tổng thống Pháp E. Macron phát biểu từ Điện Élysée. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Pháp E. Macron phát biểu từ Điện Élysée. (Ảnh: AFP)

Trong bài phát biểu dài 13 phút được nhiều người dân Pháp mong đợi, đặc biệt là những người tham gia phong trào biểu tình "áo vàng", ông E. Macron nhấn mạnh rằng Chính phủ và Quốc hội sẽ xem xét và thực hiện các biện pháp cần thiết ngay từ đầu năm 2019 để mang lại cuộc sống tốt hơn hơn cho người dân. Đề cập đến những cuộc biểu tình kéo dài trong suốt ba tuần qua, ông E. Macron khẳng định là hiểu rất rõ, chứ không phải lờ đi sự tức giận của những người có thu nhập thấp và người về hưu, đối tượng bị tác động lớn nhất từ các chính sách thuế.

Các biện pháp do Tổng thống Pháp đề cập đến trong bài phát biểu nhằm mục đích giải quyết những yêu cầu của người biểu tình "áo vàng" và tránh nguy cơ bất ổn nếu kéo dài. Cụ thể là lương tối thiểu (SMIC - hiện ở mức 1.498 euro, sau thuế là 1.185 euro) sẽ được tăng thêm 100 euro/tháng, không tăng tiền đóng góp xã hội (CSG) cho những người về hưu có lương dưới 2.000 euro/tháng, tiền làm thêm giờ không phải nộp thuế. Tổng thống Pháp cho biết sẽ yêu cầu các chủ doanh nghiệp có tiền thường cuối năm cho người lao động và được miễn thuế, và những quyết định này sẽ được Thủ tướng trình quốc hội từ ngay ngày 11-12.

Phong trào biểu tình "áo vàng" diễn ra trên toàn nước Pháp suốt ba tuần qua để phản đối chính sách tăng thuế đối với nhiên liệu, thu nhập quá thấp so với chi tiêu, và cũng cho rằng Tổng thống đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người giàu. Sau khi nhậm chức, Tổng thống E. Macron đã bỏ thuế tài sản đối với người có thu nhập cao (ISF), trên 1,3 triệu euro.

Trong bài phát biểu tối 10-12, Tổng thống Pháp cho rằng một số người muốn áp dụng lại loại thuế này, nhưng chính các chủ doanh nghiệp lớn và những người có thu nhập cao đầu tư vào nền kinh tế, tạo việc làm. Loại thuế này đã tồn tại suốt 40 năm và nhiều người có thu nhập cao đã sang nước khác vì vậy không cần khôi phục mà chỉ tiếp tục áp dụng với những người có nhiều bất động sản. Sắp tới, các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện để ngăn chặn việc trốn thuế và gian lận trong kinh doanh, vì chủ doanh nghiệp Pháp và các công ty lớn thu lợi nhuận ở Pháp phải nộp thuế tại Pháp.

Tổng thống Pháp khẳng định rằng chính phủ sẽ giải quyết tình trạng khẩn cấp về kinh tế và xã hội thông qua các biện pháp mạnh, đó là cắt giảm thuế nhanh hơn, kiểm soát chi tiêu công tốt hơn để giảm thâm hụt ngân sách. Để có thay đổi tích cực cho nước Pháp, cần tiến hành cải cách, chuyển đổi nhằm đối phó với các thách thức trên nhiều lĩnh vực trong đó có biến đổi khí hậu.

Trong ba đợt biểu tình đồng loạt trên toàn quốc vào các thứ Bảy, những phần tử quá khích đã lợi dụng cơ hội để gây ra các vụ bạo động, phá hoại tài sản công, cướp phá các cửa hàng và xô xát với các lực lượng an ninh. Vì vậy Tổng thống E. Macron cho rằng không có lý do gì để biện minh cho việc bày tỏ sự tức giận với chính quyền thông qua việc tấn công những lực lượng an ninh. Đó chính là những kẻ cơ hội và đương nhiên phải có các biện pháp để duy trì an ninh trật tự.

Trước khi có bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống E. Macron đã dự cuộc hội thảo về chính sách xã hội với sự tham gia của giới chủ, nghị sĩ, các lãnh đạo công đoàn, các tổ chức đối tác xã hội. Đây là dịp để tiếp nhận các sáng kiến nhằm "tháo ngòi nổ" cho cuộc khủng hoảng biểu tình "áo vàng."

Báo chí Pháp đã đăng các ý kiến từ những người biểu tình và đại diện các đảng phái, cho rằng Tổng thống E. Macron đã lắng nghe ý kiến của những người biểu tình. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng những biện pháp này chưa đủ "mạnh" để nâng cao đời sống cho đa số những người đang sống rất khó khăn vì lương thấp. Họ cho rằng chủ yếu vẫn là lấy ngân sách để hỗ trợ, chứ không bắt người có thu nhập rất cao nộp thêm thuế như người biểu tình yêu cầu thêm trong các đợt biểu tình gần dây.

Điều này cho thấy, Tổng thống E. Macron và Chính phủ Pháp sẽ tiếp tục phải giải bài toán rất nan giải hiện nay, đó là vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách thông qua tiết kiệm chi tiêu công đồng thời giảm thuế cho người thu nhập thấp để tăng sức mua. Sau ba tuần biểu tình, phong tỏa các tuyến đường trên toàn quốc, bạo động dẫn tới cướp phá tài sản công và tư, nền kinh tế Pháp bị đình trệ, thiệt hại ước tính nhiều tỷ euro. Ngày 10-12, Ngân hàng Trung ương Pháp đã giảm một nửa mức tăng trưởng dự đoán từ 0,4 xuống còn 0,2% trong quý IV, do đó thấp hơn nhiều so với mức trưởng 0,8% cần có để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 ở mức 1.7%.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com