Nhiều thách thức trước thềm bầu cử ở Mê-hi-cô

08:06, 19/06/2018

Các ứng cử viên tranh chức Tổng thống Mê-hi-cô đang nỗ lực giành sự ủng hộ từ phía cử tri, trước thềm cuộc bầu cử tháng 7 tới. Kỳ bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh Mê-hi-cô đang đối mặt nhiều vấn đề cấp thiết liên quan chính trị, kinh tế và xã hội.

Ủy ban bầu cử Mê-hi-cô thông báo kế hoạch bỏ phiếu. Ảnh: U.S.NEWS
Ủy ban bầu cử Mê-hi-cô thông báo kế hoạch bỏ phiếu. Ảnh: U.S.NEWS

Ngày 1-7 tới, khoảng 88 triệu cử tri Mê-hi-cô sẽ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống mới cho nhiệm kỳ 2018-2024, cũng như lựa chọn 128 thượng nghị sĩ, 500 hạ nghị sĩ và hơn 2.700 lãnh đạo địa phương. Việc tìm ra giải pháp vượt qua các thách thức lớn hiện nay, từ các vấn đề trong nước như an ninh biên giới, ngăn chặn các băng nhóm tội phạm xuyên biên giới, người di cư, đến vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế và mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Mỹ Đ.Trăm, được cử tri Mê-hi-cô chờ đợi từ những cam kết của các ứng cử viên trong chiến dịch tranh cử.

Duy trì, thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế trong nước, mở rộng hợp tác, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài là các mục tiêu tương đồng trong chính sách tranh cử của nhiều ứng cử viên Tổng thống Mê-hi-cô lần này. Theo Bộ Kinh tế Mê-hi-cô, thời gian gần đây, nền kinh tế Mê-hi-cô có nhiều khởi sắc. Trong quý I - 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Mê-hi-cô tăng 19,6% so cùng kỳ năm trước, đạt mức cao kỷ lục 9,5 tỷ USD. Đây là lần đầu Mê-hi-cô vượt Bra-xin trở thành điểm đến hấp dẫn FDI số một ở khu vực Mỹ la-tinh. Cũng theo Bộ Kinh tế Mê-hi-cô, năm 2018, Mê-hi-cô tiếp tục nằm trong danh sách 25 nền kinh tế hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất trên thế giới.

Các nhà phân tích lý giải, nền kinh tế Mê-hi-cô đạt được thành tựu nêu trên là nhờ những nỗ lực của Chính phủ nước này vượt qua nhiều sức ép và thách thức, trong đó phải kể đến những khó khăn trong các cuộc tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mê-hi-cô với Mỹ và Ca-na-đa. Mê-hi-cô gần đây đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, mở rộng và luôn tìm kiếm đối tác thương mại mới. Cụ thể, Mê-hi-cô trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), luôn nỗ lực nhằm hiện đại hóa Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên hiệp châu Âu (EU)...

Trong nhiều cuộc khảo sát ý kiến cử tri trước thềm bầu cử, chính trị gia dày dặn kinh nghiệm A.Ô-bra-đô, đại diện liên minh cánh tả “Cùng nhau ta làm nên lịch sử”, hiện giữ vị trí dẫn đầu. Ông A.Ô-bra-đô cam kết với cử tri giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế Mê-hi-cô vào các cường quốc. Trong khi đó, các ứng cử viên nổi bật khác, như đại diện liên minh “Vì Mê-hi-cô tiến lên” R.Co-tết hay cựu Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công H.Cu-ri-brê-nha thuộc liên minh “Tất cả vì Mê-hi-cô”, gồm cả Đảng Cải cách thể chế (PRI) cầm quyền, đều khẳng định việc cần “xem xét lại” mối quan hệ với Mỹ, đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của Mê-hi-cô.

Quan hệ giữa Mê-hi-cô với nước láng giềng Mỹ liên tục căng thẳng kể từ khi Tổng thống Đ.Trăm lên nắm quyền tại Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống Đ.Trăm đưa ra cam kết xây dựng bức tường dọc biên giới giữa hai nước để ngăn dòng người di cư và tội phạm từ Mê-hi-cô tràn vào nước Mỹ. Chính phủ Mỹ đã đề xuất những khoản ngân sách đầu tiên để khởi động dự án này. Tổng thống Đ.Trăm cho rằng, Chính phủ Mê-hi-cô phải có trách nhiệm trong vấn đề tội phạm ma túy và mại dâm xuyên biên giới; và phải thực hiện trách nhiệm đó bằng cách góp tiền để xây bức tường biên giới giữa hai nước. Số đông người dân Mê-hi-cô không chấp nhận ý định này của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm. Vì vậy, tuyên bố “không trả bất cứ khoản nào” cho việc xây bức tường nêu trên trở thành cách thức hiệu quả nhằm ghi điểm với cử tri và được nhiều ứng cử viên vận dụng...

Một thực tế nữa cũng tạo thách thức lớn với các ứng cử viên Tổng thống Mê-hi-cô lần này, đó là tình trạng bạo lực, hoạt động của các băng nhóm tội phạm gia tăng trước thềm bầu cử, gây mối lo ngại trong dư luận xã hội. Vì thế, cử tri Mê-hi-cô cũng đặt kỳ vọng lớn vào các ứng cử viên tìm được những giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh, ổn định xã hội.

Nhiều thách thức đang đặt ra, với các ứng cử viên Tổng thống cũng như các chính đảng tại Mê-hi-cô khi phải chật vật giành sự ủng hộ của cử tri bằng những cam kết và chính sách hiệu quả. Thực tế có nhiều ứng viên độc lập tham gia cuộc đua lần này, trong khi đến nay các ứng viên chưa có nhiều cam kết nổi bật, khiến kỳ bầu cử sắp tới tại Mê-hi-cô trở nên khó đoán định hơn.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com