Căng thẳng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

08:06, 19/06/2018

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã tác động tiêu cực tới mối quan hệ giữa “xứ cờ hoa” với các đồng minh châu Âu. Các nước châu Âu đang nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân lịch sử, đồng thời tìm biện pháp “né” lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các doanh nghiệp châu Âu có quan hệ làm ăn với I-ran.

Các quan chức ngoại giao châu Âu nhóm họp tại Bỉ, bàn biện pháp “cứu” thỏa thuận hạt nhân I-ran.
Các quan chức ngoại giao châu Âu nhóm họp tại Bỉ, bàn biện pháp “cứu” thỏa thuận hạt nhân I-ran.

Thủ tướng Đức A.Méc-ken tuyên bố, quan hệ giữa châu Âu với Mỹ đang bị thụt lùi sau quyết định rút khỏi JCPOA của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Anh B.Giôn-xơn khẳng định, Anh và các đối tác châu Âu tiếp tục đánh giá cao vai trò quan trọng của JCPOA với an ninh chung, đồng thời cam kết duy trì thỏa thuận này. Ông cho biết, các bên đang tìm phương án triển vọng nhằm hỗ trợ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vào I-ran, qua đó bảo đảm việc thực thi cam kết theo thỏa thuận. Luân Đôn cũng kêu gọi Oa-sinh-tơn tránh bất kỳ hành động nào có thể ngăn các bên còn lại trong thỏa thuận thực thi cam kết, trong đó có việc dỡ bỏ trừng phạt thương mại đối với Tê-hê-ran.

Thỏa thuận hạt nhân I-ran đã giúp dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt hạn chế các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty châu Âu và châu Á giao dịch với I-ran. Bởi thế, khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, các nước châu Âu ra sức níu giữ và tìm cách thông qua những điều luật giúp các công ty châu Âu kinh doanh với I-ran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời có thể tìm cách cản trở Mỹ cũng như kiện Oa-sinh-tơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Liên hiệp châu Âu (EU) đã khởi xướng một kế hoạch kinh tế gồm chín điểm nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân I-ran. Trong chín vấn đề chủ chốt được EU chú trọng có việc duy trì quan hệ kinh tế với I-ran, bảo đảm Tê-hê-ran duy trì khả năng kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt của mình cũng như tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế và bảo vệ các công ty châu Âu đang hoạt động tại I-ran. EU cũng tìm giải pháp phát triển các phương tiện tài chính đặc biệt để giao dịch với I-ran. Mặc dù thừa nhận khó khăn trong việc bảo vệ các công ty tiếp tục làm ăn với I-ran trước những rủi ro từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, song Đức vẫn muốn tiếp tục hỗ trợ các công ty của nước này làm ăn với I-ran.

Những động thái cứu vãn thỏa thuận hạt nhân I-ran của các nước châu Âu diễn ra trong bối cảnh Cố vấn An ninh quốc gia Nhà trắng G.Bôn-tơn cho biết, các doanh nghiệp châu Âu giao dịch với I-ran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có thể hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Oa-sinh-tơn. Ông Bôn-tơn khẳng định, các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp châu Âu làm ăn với I-ran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là “có thể” và điều này “tùy thuộc vào cách hành xử của các chính phủ khác”. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo cho biết, Mỹ muốn cùng các nước đối tác châu Âu xây dựng một thỏa thuận mới về vấn đề I-ran, trong đó không chỉ tập trung vào chương trình hạt nhân, mà còn bao gồm cả chương trình phát triển tên lửa của I-ran.

Các bên tham gia JCPOA đã phải mất hơn 12 năm đàm phán mới đạt được thỏa thuận. Do đó, việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và tuyên bố áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt I-ran đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước, trong đó có các đồng minh châu Âu. Các nước châu Âu lo ngại quyết định của Mỹ sẽ gây bất ổn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu và gia tăng nguy cơ xung đột ở Trung Đông. Sau nỗ lực thuyết phục bất thành của các nước châu Âu, việc Mỹ kiên quyết rút khỏi JCPOA đã làm tổn hại tới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của liên minh Âu - Mỹ.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com