Chính trường Hàn Quốc trước kịch bản chưa từng có tiền lệ

08:12, 05/12/2016
Hàn Quốc chưa từng chứng kiến một tổng thống được người dân bầu ra một cách dân chủ phải kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn.
 
Tuy nhiên, điều này có thể sắp xảy ra với xứ sở kim chi với việc Tổng thống đương nhiệm Pắc Cưn-hy đang phải đối mặt với hai kịch bản không hề mong muốn, đó là phải tự nguyện từ chức hay bị luận tội do vai trò của bà trong vụ bê bối đang đẩy Hàn Quốc vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng chưa từng có hiện nay.
 
Hiến pháp Hàn Quốc quy định các tổng thống nước này chỉ được giữ chức vụ trong một nhiệm kỳ duy nhất kéo dài 5 năm và theo đó, bà Pắc sẽ rời Nhà Xanh (Phủ tổng thống) vào tháng 2-2018 nếu không có vụ việc trên.
 
Ban đầu vụ việc chỉ được nêu ra với cáo buộc là bà Choi Son-sin, một người bạn thân của Tổng thống Pắc trong suốt 40 năm qua, đã sử dụng mối quan hệ này để ép một số tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc quyên góp cho 2 quỹ phi lợi nhuận mà bà này thành lập và điều hành. Tuy nhiên, báo chí Hàn Quốc sau đó đã đưa ra một loạt bài viết rằng bà Choi - người không hề nắm giữ một chức vụ chính thức nào trong bộ máy nhà nước - còn nhiều lần xem trước và chỉnh sửa một số bài phát biểu cũng như tài liệu khác của Tổng thống Pắc. 
 
Nhiều người trong chính giới Hàn Quốc cũng như người dân rất bất bình về việc này, gọi bà Choi là “Tổng thống trong bóng tối” và bà Pắc là “con rối” trong tay bà Choi, đồng thời nhấn mạnh đây là điều không thể chấp nhận được. Các cuộc biểu tình rầm rộ với quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà các nhà tổ chức tuyên bố là lên đến hàng triệu người tham gia, do các đảng đối lập và các tổ chức dân sự đứng đầu, đã diễn ra tại quảng trường trung tâm Thủ đô Xơ-un, ngay sát Phủ tổng thống, đòi Tổng thống Pắc từ chức. Một điều đáng chú ý là các cuộc biểu tình gần đây bắt đầu có sự tham gia của sinh viên, một lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc biểu tình dẫn đến việc chấm dứt chế độ độc tài quân sự tại Hàn Quốc trong thập niên 80 của thế kỷ trước.
Tổng thống Park Geun-hye trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình về vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil, tại Seoul ngày 29/11. Ảnh: AP/TTXVN
Tổng thống Pắc Cưn-hy trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình về vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân  Choi Son-sin, tại Xơ-un ngày 29-11. Ảnh: AP/TTXVN
Để xoa dịu sự tức giận của công chúng, Tổng thống Pắc đã có 3 bài phát biểu trước quốc dân, bày tỏ xin lỗi về những gì mà bà đã gây ra cho đất nước, tuyên bố rằng bà đã “mất cảnh giác” với người khác chứ không hề vụ lợi cá nhân. Tuy nhiên, những lời xin lỗi này đã tỏ ra phản tác dụng vì sự phản đối của người dân sau đó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, các cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn được duy trì trong tất cả các dịp cuối tuần tháng vừa qua bất chấp điều kiện thời tiết giá lạnh và mưa ướt. 
 
Sau khi bị các công tố viên nhà nước cáo buộc là một đồng phạm chứ không phải chỉ là một nghi can trong vụ việc liên quan đến bà Choi, Tổng thống Pắc ngày 29-11 vừa qua đã tuyên bố bà trao số phận của mình, kể cả khả năng cắt ngắn nhiệm kỳ tổng thống, để Quốc hội quyết định trong bối cảnh có nhiều người kêu gọi bà từ chức ngay lập tức, phe đối lập đang tìm cách tiến hành luận tội bà và tỷ lệ ủng hộ bà chỉ còn 4% - mức thấp nhất dành cho một tổng thống đang tại vị trong lịch sử Hàn Quốc. Phe đối lập gọi động thái này của Tổng thống Pắc là một “mưu đồ” nhằm gây chia rẽ nỗ lực luận tội. Ở một chừng mực nào đó, nghi ngại của phe đối lập đã tỏ ra là đúng: một số nghị sĩ thuộc đảng Sa-nu-ri cầm quyền trước đây tuyên bố ủng hộ việc luận tội bà Pắc thì nay cho rằng bà nên tự nguyện từ chức vào thời điểm tháng 4-2017.
 
Vào ngày 3-12, phe đối lập đã chính thức trình kiến nghị luận tội Tổng thống Pắc lên Quốc hội để cơ quan lập pháp này xem xét thông qua dự kiến vào ngày 9-12. Để được thông qua, kiến nghị luận tội phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất là 200 trong tổng số 300 nghị sĩ Quốc hội và điều đó có nghĩa là cần phải thuyết phục được ít nhất 28 nghị sĩ của đảng Sa-nu-ri cầm quyền ủng hộ kiến nghị này.
 
Theo quy định hiện hành của Hiến pháp Hàn Quốc, trong trường hợp tổng thống từ chức thì nước này sẽ tiến hành bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày sau đó; còn trong trường hợp tổng thống bị luận tội thì Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để phán quyết liệu việc luận tội có hợp lý hay không và trong thời gian đó tổng thống sẽ bị đình chỉ chức vụ và phải trao quyền điều hành công việc nhà nước cho nhân vật số hai là thủ tướng. Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết rằng việc luận tội là không hợp lý thì tổng thống sẽ trở lại nắm quyền, còn trong trường hợp ngược lại thì tổng thống sẽ chính thức bị cách chức và cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tiến hành trong vòng 60 ngày kể từ ngày tòa ra phán quyết. Nhiều chính đảng tính toán rằng nếu Tổng thống Pắc từ chức ngay bây giờ thì khoảng thời gian 60 ngày là không đủ để họ chuẩn bị ứng cử viên của mình cho cuộc bầu cử, do đó họ nghiêng về phương án luận tội Tổng thống. Cho dù chính trường Hàn Quốc có diễn biến theo hướng nào đi nữa thì cơ hội để bà Pắc ở lại Nhà Xanh cho đến hết nhiệm kỳ là rất mong manh.
 
Cũng giống như ở các nơi khác trên toàn thế giới, người dân Hàn Quốc đang chuẩn bị đón Lễ Giáng sinh và năm mới. Cây thông, đèn trang trí và những thứ khác chuẩn bị cho mùa lễ hội đã xuất hiện tại nhiều địa điểm công cộng và nhà dân. Bên cạnh những mong ước về sức khỏe và thành công cho bản thân và gia đình, một năm mới ổn định và thịnh vượng cho đất nước chắc chắn là điều mà nhiều người dân Hàn Quốc nguyện cầu trong dịp này./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com