Vì sao phim Thái đăng quang tại Cannes ?

08:06, 09/06/2010

Một số tờ báo coi chiến thắng của điện ảnh Thái Lan tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2010 là "bất ngờ". Nhưng để đăng quang tại một LHP hàng đầu thế giới như Cannes, thì không thể có chuyện "bất ngờ".

 

Đạo diễn Apichatpong Weerasethakul nhận Cành cọ vàng.
Đạo diễn Apichatpong Weerasethakul nhận Cành cọ vàng.

Thái Lan được điện ảnh du nhập cùng thời với VN, tức là đầu thế kỷ 20, nhưng nhanh chóng nhận được sự hợp tác của Hollywood. Năm 1923, khi người Việt bắt tay với người Pháp làm bộ phim đầu tiên "Kim Vân Kiều" thì người Thái hợp tác với kịch tác gia kiêm đạo diễn Mỹ Henry MacRae làm bộ phim "Miss Suwanna of Siam". Sau này, trong thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970, điện ảnh Thái đứng sau điện ảnh VN. Thời kỳ đó điện ảnh VN của cả hai miền đã ghi dấu ấn tại một số liên hoan phim quốc tế danh tiếng như Berlin, Mátxcơva..., trong khi điện ảnh Thái mới chỉ lọt qua vòng ghi danh ứng thí.

Sự xuất hiện của video đã khiến cho điện ảnh của cả VN lẫn Thái Lan bị lao đao trong thập niên 1990. Nhưng có một điều khác biệt: Tại VN các rạp chiếu phim bị biến thành siêu thị, quán bar, nhà hàng, vũ trường, thì tại Thái Lan các multiplex cứ nối đuôi nhau ra đời và ngày này qua tháng khác chiếu phim Mỹ. Có lẽ người Thái hiểu rằng chẳng thể hồi sinh một nền điện ảnh, nếu không có một hệ thống rạp tốt và nuôi dưỡng thói quen xem phim của công chúng.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã đào huyệt cho tư duy điện ảnh theo lối cũ ở Thái Lan. Ba đạo diễn hàng đầu của Thái là Nonzee Nimibutr, Pen-Ek Rotanaruang và Visit Sasanatieng cho rằng phải làm những bộ phim thực sự hấp dẫn thì mới thu hút được các nhà đầu tư bỏ tiền cho điện ảnh. Họ làm phim ma ("Nang Nak"), phim kinh dị ("Tears of the Black Tiger"), phim hành động ("Bang Rajan"), phim đồng tính ("Iron Ladies")...

Tuy đây là những bộ phim mà yếu tố thương mại được đặt lên hàng đầu, nhưng giá trị nghệ thuật và ứng dụng công nghệ làm phim hiện đại không vì thế mà bị xem nhẹ. Kết quả là họ đã tạo nên một làn sóng điện ảnh mới (The Thai New Wave), lôi kéo hàng chục triệu khán giả đến rạp, tạo ra kỷ lục doanh thu mọi thời đại đối với phim "Nang Nak" (gần 150 triệu baht).

"Bang Rajan" - một trong những phim hút khách của Thái Lan - ra đời cách đây 10 năm. Đó là bộ phim hành động sử thi thuật lại cuộc chiến của dân làng Bang Rajan chống lại quân xâm lược Miến Điện (Myanmar). Trong bối cảnh quan hệ giữa Thái Lan và Myanmar dường như chưa bao giờ bớt nóng, thì không khí yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm trong điện ảnh được miêu tả hừng hực. Người Thái không lo lắng đến chuyện tinh thần ấy sẽ lan từ màn ảnh ra ngoài đời. Họ cho rằng xem bộ phim này, ai cũng hiểu đó là điện ảnh, chứ không phải 100% là lịch sử.

Ít lâu sau, Hoàng hậu Thái đích thân vận động tiền bạc cho dự án phim sử thi đắt nhất Thái trước nay có tên "The Legend of Suriyothai" (Huyền thoại Suriyothai) kể về cuộc chiến Xiêm - Miến đẫm máu hồi thế kỷ 16. Hoàng cung Thái Lan vàng son, những bộ trang phục lộng lẫy, những đại cảnh giao chiến có voi và hàng nghìn người tham gia đã ghi một dấu ấn khó phai trong lòng khán giả Thái. Các nhà làm phim Thái không chỉ hợp tác với Hollywood để có được công nghệ làm phim tân kỳ nhất, mời nhạc sĩ Anh Richard Harvey viết nhạc cho phim, mà còn cầu cạnh cả các nhà quay phim hàng đầu của Nga để quay những đại cảnh chiến tranh mà điện ảnh thời Liên Xô rất có thế mạnh. "Suriyothai" sau đó được cây đại thụ của điện ảnh Mỹ Francis Ford Coppola biên tập lại và phát hành rộng rãi ở Mỹ.

Trong vòng hơn một thập niên qua, điện ảnh Thái đã phát triển khá toàn diện, với đủ mọi thể loại điện ảnh từ phim bi, sử thi chính thống, cho đến phim hài, phim hành động, phim kinh dị, phim viễn tưởng, phim ca nhạc, phim teen... Năm nào điện ảnh Thái cũng có ít nhất một tác phẩm làm mưa làm gió trên màn ảnh nội địa. Liên hoan phim Bangkok đang vươn lên trở thành một LHP quốc tế mạnh của khu vực Đông Nam Á.

Sự hồi sinh mạnh mẽ của điện ảnh Thái đã sản sinh ra Apichatpong Weerasethakul (năm nay vừa tròn 40 tuổi), đạo diễn tiên phong của dòng phim độc lập ở Thái. Là đạo diễn và đồng đạo diễn cho 6 phim, anh đã ngay lập tức gây được sự chú ý với lối làm phim rất riêng, khai thác những đề tài nhạy cảm, đề cập những vấn đề rất Thái, nhưng lại khéo léo lồng ghép vào đó những giá trị toàn cầu.

Tiêu biểu trong số đó là "Blissfully Yours", thuật lại tình cảnh éo le của một chàng trai nhập cư bất hợp pháp người Miến trên đất Thái, cũng như mối tình giữa chàng trai với một cô gái Thái. Phim đoạt giải ở thể loại "Một cái nhìn" (Un Certain Regard) tại LHP Cannes 2002. Hai năm sau Apichatpong đem đến Cannes tác phẩm mới có nhan đề "Tropical Malady" ("Bệnh nhiệt đới") đề cập các chủ đề cũng rất nhạy cảm là đồng tính và tâm linh. Phim chia ra hai phần, với hai nội dung hầu như khác biệt, không liên quan đến nhau. Phim đoạt giải thưởng của Ban Giám khảo tại LHQ Cannes.

Năm nay, Apichatpong xuất hiện tại Cannes với tư cách "cựu binh". Bộ phim "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives" ("Bác Boonmee, người nhớ được kiếp trước") thuật lại những ngày cuối cùng trong cuộc đời của ông Boonmee. Cuộc gặp gỡ với những người thân, trong đó có hồn ma của vợ và con trai, đã giúp ông Boonmee khám phá những cuộc đời trong quá khứ của mình, cũng như nguyên nhân dẫn đến căn bệnh của ông. Phim đã vượt qua những tác phẩm nặng ký của Mike Leigh (Anh), Xavier Beauvois (Pháp), Nikita Mikhalkov (Nga) để đoạt "Cành cọ Vàng".

Như thế có thể thấy thắng lợi của Apichatpong không phải từ trên trời rơi xuống. Nó được chuẩn bị trong cả một thời gian dài, với những bước đi bài bản của toàn bộ nền điện ảnh (bao gồm cả đầu tư cơ sở vật chất, marketing, PR...). Dòng phim thương mại và dòng phim độc lập song hành đảm bảo một nền điện ảnh vừa có khán giả vừa có giải thưởng. Có khán giả không khó lắm, nhưng có giải thưởng tại các LHP danh tiếng thì quả là câu chuyện dài. Trở ngại chính trên con đường này là thói quen tư duy.

Từ cách đây hơn 2 thập niên, Trung Quốc đã để những Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca thoải mái sáng tạo và giành giải thưởng tại Cannes, Venice... Giờ người Thái cũng lặp lại như vậy. Và nếu chúng ta cũng đi theo cách đó, thì hoàn toàn có thể hy vọng từ thắng lợi ban đầu còn khiêm tốn của Phan Đăng Di tại Tuần lễ phê bình ở Cannes vừa qua. Quả ngọt không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, nó chỉ có thể là kết quả của một quá trình vun trồng lâu dài và khó nhọc./.

Mạnh Cường

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com