Nhật Bản: Bộ trưởng Tài chính trở thành Thủ tướng

02:06, 09/06/2010

Đúng như dự đoán, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Naoto Kan (ảnh) hôm 4-6 đã được bầu làm tân Chủ tịch Đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền và trở thành thủ tướng thứ sáu của Nhật Bản trong vòng 4 năm qua.

 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

"Nhiệm vụ của tôi là xây dựng lại quốc gia" - ông Kan tuyên bố. Sáng 4-6, DPJ đã bầu ông làm Chủ tịch Đảng. Tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện vào đầu giờ chiều, Chủ tịch DPJ được 313/477 phiếu ủng hộ, vượt xa con số 116/477 phiếu của Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập - ông Sadakazu Tanigaki. Tại Thượng viện, ông Naoto nhận được 123/237 phiếu, so với mức 71/237 phiếu của ông Tanigaki.

Tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn chồng chất. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang oằn mình gánh vác khoản nợ công nhiều nhất trong số các nước phát triển. Trong khi đó, tăng trưởng ở Nhật Bản đang đi với tốc độ rùa bò, còn dân số thì ngày một già cỗi. Nhưng khẩn trương hơn, Thủ tướng Naoto Kan sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra vào tháng 7 tới. Ông Kan chỉ có chưa đầy một tháng để thuyết phục cử tri về năng lực của đảng cầm quyền, sau khi họ đang thất vọng tràn trề bởi các vụ bê bối quỹ tài chính trong nội bộ DPJ và việc Thủ tướng tiền nhiệm Hatoyama không thực hiện được cam kết khi tranh cử về việc tái bố trí căn cứ quân sự Futenma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại tỉnh Okinawa.

Nhiệm vụ đầu tiên của ông Kan là thành lập nội các, dự kiến vào ngày 8-6 tới. Theo tin mới nhất, Thủ tướng thứ 94 của Nhật Bản sẽ bổ nhiệm cựu Quốc vụ khanh phụ trách chiến lược quốc gia Yoshito Sengoku làm Chánh Văn phòng nội các mới. "Chúng ta hãy hợp tác với nhau như người trong một nhà để đối phó với tình hình chính trị khó khăn hiện nay" - tân Thủ tướng nói với các thành viên của DPJ.

Ông Kan cam kết sẽ giải quyết các vấn đề liên quan tới tiền bạc và chính trị. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì kỷ luật tài chính trong khi cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tân thủ tướng khẳng định, khôi phục kinh tế là thách thức lớn nhất mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có nguy cơ bị mất ghế vào tay Trung Quốc trong năm nay. Mặc dù tỉ lệ xuất khẩu và sản lượng có tăng, nhưng tình trạng thất nghiệp và giảm phát đang khiến kinh tế Nhật Bản trở nên tồi tệ. "Tôi sẽ kéo Nhật Bản ra khỏi giảm phát thông qua các biện pháp tích cực từ Chính phủ và Ngân hàng Trung ương" - ông Kan cam kết.

Về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Nhật Bản mô tả quan hệ với Mỹ là "sống còn", nhưng ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước láng giềng Châu Á.

Các nhà phân tích cho rằng, trong khi họ chưa thể định rõ các triết lý chính trị của tân thủ tướng, nhưng những đặc điểm cá nhân và vai trò tích cực của ông trong nội các cũ đã khiến ông nổi trội. Sinh ra trong một gia đình không có nguồn gốc chính trị, ông Kan tạo ra được sự khác biệt so với nhiều thủ tướng trước đó của Nhật Bản, trong đó có người tiền nhiệm Hatoyama. Cha đẻ và ông nội của ông Hatoyama đều là thủ tướng. Ông Kan cho rằng: "Tôi lớn lên trong một gia đình làm công ăn lương tiêu biểu của Nhật Bản. Tôi không có những kết nối đặc biệt. Việc tôi nắm giữ một vai trò quan trọng ở Nhật Bản với xuất xứ bình thường là dấu hiệu tích cực cho chính trị Nhật Bản".

M.Đ (Theo AP)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com