Giảm giá trị

08:09, 23/09/2022

Ngành thể thao đang đau đầu trước thông tin 6 vận động viên (VĐV) Việt Nam nghi dương tính với chất cấm tại SEA Games 31.

Việc sử dụng doping ở thể thao nước nhà đã có từ lâu. Dân trong nghề hay truyền tai nhau giải đấu này, cúp kia dễ có tuyển thủ sử dụng chất cấm. Lãnh đạo ngành thể thao không phải không biết, nhưng việc kiểm tra doping vô cùng tốn kém, mà điều kiện trong nước lại chưa thể đáp ứng, thành ra những nghi vấn, chuyện có hay không VĐV sử dụng doping dần chìm vào im lặng. Chỉ đến khi các cơ quan có trách nhiệm thông báo VĐV Việt Nam dương tính với mẫu thử chất cấm, dính doping thì mọi chuyện lại được xới tung lên. Việt Nam tuy có Trung tâm Doping và Y học thể thao nhưng lại chưa có phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn quốc tế để được Cơ quan Phòng, chống doping thế giới (WADA) công nhận. Do đó, trước thềm SEA Games 31, ban tổ chức phải tiến hành công tác xã hội hóa, ký hợp đồng với một doanh nghiệp để có kinh phí hỗ trợ xét nghiệm doping ở Thái Lan.

Khi tin từ Thái Lan báo về có 6 VĐV Việt Nam nghi dương tính với chất cấm ở SEA Games 31, các cơ quan chức năng, các tổ, đội, nhóm nháo nhào lên. Đặc biệt, thông tin có 2 tuyển thủ đội tuyển điền kinh quốc gia giành huy chương ở SEA Games 31 nghi dính doping càng khiến lãnh đạo ngành thể thao đau đầu. VĐV đã đứng trên bục cao nhận huy chương, được khen thưởng, nhận bằng khen, được tung hô trên các phương tiện truyền thông... nay sẽ phải xử trí ra sao nếu dính doping? Trước khi diễn ra SEA Games 31, có tới 6 VĐV thể hình sử dụng chất cấm nên đã bị loại khỏi đội tuyển quốc gia. Qua những lần họp kiểm điểm mới vỡ lẽ VĐV dùng thực phẩm chức năng có chất cấm. Trường hợp á quân cử tạ ASIAD 2018 Trịnh Văn Vinh dính doping năm 2019 thì với lý do: Tự đi tiêm thuốc trị đau lưng. Có trường hợp dính doping do VĐV dùng thuốc giảm cân, dùng thuốc điều trị bệnh, tự chữa trị chấn thương... Vô vàn lý do đáng tiếc lẫn đáng trách khi VĐV, nhất là những tuyển thủ quốc gia giành huy chương, dính doping. Không chỉ là cấm thi đấu, phạt tiền, thu hồi bằng khen, tiền thưởng mà đau hơn, những sự vụ này còn làm tổn hại đến hình ảnh, uy tín của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Hỏi chuyện lãnh đạo ngành thể thao về việc một nhóm VĐV nghi dương tính với chất cấm ở SEA Games 31 thì nhận được câu trả lời: Chưa thể công bố thông tin. Về nguyên tắc, mọi thông tin WADA gửi tới quốc gia khi có mẫu thử của VĐV dính doping sẽ chỉ có Ủy ban Olympic quốc gia và trưởng đoàn thể thao của quốc gia đó được biết. Còn thực tế, ngay khi mẫu thử của VĐV dương tính với chất cấm, gần như lãnh đạo bộ môn, lãnh đạo ngành đã sớm nắm bắt được thông tin.

Ở trong nước, công tác phòng, chống doping mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền. VĐV cũng chỉ biết một vài chất cấm, trong khi WADA liên tục cập nhật danh sách các chất bị cấm. Thậm chí, các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế còn gửi danh mục các chất bị cấm vào hộp thư cá nhân của hàng loạt hảo thủ. Với 6 trường hợp tuyển thủ Việt Nam ở SEA Games 31 dương tính với mẫu thử A, dù là cố tình hay vô tình dùng chất cấm thì cũng là điều vô cùng đáng buồn cho thể thao nước nhà. Một kỳ SEA Games hy vọng đọng lại vô vàn điều tốt đẹp, giờ đã bị giảm đi ít nhiều giá trị./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com