Kéo co - Môn thể thao dân gian

08:01, 18/01/2019

Xuân về, các miền quê trong tỉnh lại sôi động tổ chức lễ hội với các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian gắn với lịch sử văn hóa truyền thống của mỗi địa phương. Trong đó, môn kéo co được tổ chức trong nhiều lễ hội, các sự kiện thể thao ở cấp cơ sở.

Kéo co được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa lâu đời. Trong các lễ hội, kéo co thường có trong phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất. Kéo co có cách thức tổ chức, đạo cụ và địa điểm thi đấu rất đơn giản. Một cuộc kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau. Hai đội sẽ cùng nắm chắc vào một sợi dây thừng dài khoảng 30m, điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo được điểm đánh dấu về phía mình là đội đó thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 keo, đội nào thắng liên tiếp 2 keo thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu keo thứ 3. Mỗi hiệp thường chỉ kéo dài vài phút, thời lượng do ban tổ chức quy định, do vậy đòi hỏi các thành viên của mỗi đội chơi phải rất cố gắng. Tại tỉnh ta trong các lễ hội, khi môn kéo co diễn ra, không khí sẽ trở nên vô cùng náo nhiệt. Từ những người trực tiếp kéo co đến những người phục vụ đội kéo co và cả người dân đến dự, đều náo nức tham gia, cổ vũ vô tư, không vụ lợi hay mang tâm lý thắng thua. Hằng năm, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) đều tổ chức thi kéo co có sự tham gia của 6 giáp: giáp Cựu, giáp Đông Đoài, giáp Ninh Thọ, giáp Phố, giáp Phú Yên 1 và giáp Phú Yên 2. Đây là một trong những hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đặc sắc tại lễ hội làng Ngọc Tiên được tổ chức từ ngày 12-15 tháng Giêng để tưởng nhớ công ơn của vị Thành hoàng làng đã có công xây dựng làng xã. Địa điểm thi đấu là một dải đất dài nằm giữa hai con kênh phía trước chùa Ngọc Tiên, vị trí này không những tạo thuận lợi cho người xem mà còn giúp cuộc thi đấu diễn ra an toàn, đẹp mắt. Mỗi giáp tham gia kéo co với số lượng 15 người có phân công đội trưởng, đội phó (những người giữ nhịp trong thi đấu). Trước khi thi đấu, các đội đều tập luyện trong khoảng 1 tháng để làm quen với những nhịp giữ, giằng, tiếng hò lấy sức… Các đội thi đấu liên tục trong 3 ngày theo thể thức vòng tròn, đội cao điểm nhất sẽ giành chức vô địch. Mỗi trận sẽ thi đấu 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút (hoặc kết thúc ngay khi vạch giữa dây được kéo qua mốc phía đối thủ), mỗi trận thắng sẽ được tính 3 điểm. Hải Hậu là một trong những địa phương có phong trào kéo co mạnh của tỉnh. Xã Hải Thanh nhiều năm duy trì tổ chức giải kéo co có sự tham gia của 13 đội đại diện cho 13 xóm. Giải diễn ra theo 3 nội dung: kéo co nam, kéo co nữ, kéo co phối hợp nam nữ. Trên nền tảng phong trào kéo co tại các địa phương trong huyện phát triển mạnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hậu đã tuyển chọn đội tuyển có nhiều vận động viên sức khỏe, thể lực tốt. Tham gia thi đấu bộ môn kéo co tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh, các vận động viên kéo co huyện giành giải nhất ở 3 nội dung nữ, nam, nam nữ phối hợp. Nhiều địa phương khác trong tỉnh duy trì tổ chức các giải kéo co hằng năm như các xã Giao Hải, Giao Thịnh (Giao Thủy); Thị trấn Ninh Cường, làng Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); xã Hiển Khánh (Vụ Bản); xã Nam Vân (Thành phố Nam Định)… Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 20 lễ hội có tổ chức môn kéo co vào dịp đầu xuân và trên 50 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn tổ chức nội dung kéo co vào Ngày hội Văn hóa - Thể thao hằng năm.

Với thể thức thi đấu đơn giản, không tốn kém, kéo co thường được các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức trong các sự kiện văn hóa, thể thao lớn thu hút đông đảo người dân tham gia như hội làng, ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống ở địa phương, các kỳ đại hội thể dục thể thao các cấp trong tỉnh. Tuỳ thuộc vào lực lượng, các đội tham gia kéo co là nam hoặc nữ, hoặc cả nam lẫn nữ. Đặc biệt, môn kéo co được các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong tỉnh lựa chọn tổ chức cho học sinh vui chơi trong những giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học, trong các giải kéo co chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15-5), Ngày thành lập Đoàn (26-3), các kỳ Hội khỏe Phù Đổng. Kéo co không đơn giản là môn thể thao vui chơi mà còn có tác dụng giúp học sinh có thời gian giải trí hữu ích sau những giờ học căng thẳng, rèn luyện tính tập thể... Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức giải kéo co thu hút 60 chiến sĩ trong cơ quan tham gia. Hội thao Ngân hàng Chính sách Xã hội khu vực III diễn ra tại Cung thể thao tỉnh cũng tổ chức nội dung thi đấu kéo co thu hút 10 đơn vị tham gia.

Kéo co là một trò chơi có ý nghĩa thúc đẩy việc rèn luyện sức khoẻ, đồng thời giáo dục cho người dân về tính tập thể, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức khoẻ dẻo dai và sức chịu đựng giúp người dân ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ./.

Trần Huy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com