Xuân Trường phát triển văn hóa, con người trong tình hình mới

08:07, 12/07/2022

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh”, những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Xuân Trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước xây dựng văn hoá, con người đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Bơi chải đứng trong Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng.
Bơi chải đứng trong Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng.

Xuân Trường là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống văn hiến và cách mạng. Tiêu biểu là làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh là vùng đất “trai học hành, gái canh cửi” được Vua Tự Đức năm thứ 16 sắc phong 4 chữ “Mỹ tục khả phong”. Không chỉ nổi danh về khoa bảng, Hành Thiện còn là vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đã “gieo mầm” và tôi luyện những người cộng sản xuất sắc của đất nước như các đồng chí: Đặng Xuân Khu (Trường Chinh); Nguyễn Thế Rục; Đặng Xuân Thiều; Anh hùng Phạm Gia Triệu, Anh hùng Đặng Quốc Bảo, Anh hùng Đặng Quân Thụy… Cùng với đó, Xuân Trường còn là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hóa. Trong quá trình xây dựng và phát triển, cộng đồng dân cư ở các địa phương trong huyện đã sáng tạo, lưu truyền nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể giá trị và sâu sắc. Toàn huyện có hơn 100 đền, chùa, 800 từ đường; trong đó có 33 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước công nhận xếp hạng. Các di tích lịch sử - văn hoá mang đậm yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, có ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các vị vua, tướng, danh nhân văn hoá đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đi cùng với các di sản văn hoá vật thể, Xuân Trường còn có hệ thống di sản văn hoá phi vật thể với nhiều lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và mùa thu. 

Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/HU ngày 12-12-2016 của Huyện ủy Xuân Trường về “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện”, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hành động; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá. Hệ thống các thiết chế văn hoá ngày càng được đầu tư xây dựng, mở rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Các địa phương ưu tiên quỹ đất và đầu tư cơ sở vật chất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, cấp thôn, xóm và dành không gian vui chơi giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM ở địa phương. 100% làng (thôn, xóm, tổ dân phố) có hương ước, quy ước được công nhận và tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn dân chủ, đoàn kết; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác gia đình, huyện ủy Xuân Trường đã ban hành Kế hoạch số 23-KH/HU ngày 17-9-2021 về việc “Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”; tuyên truyền phổ biến và thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc”; giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, từng bước ổn định, củng cố xây dựng gia đình theo phương châm “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Đến tháng 7-2022, toàn huyện có 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 17 thôn, xóm được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Xuân Trường phấn đấu đến năm 2023 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đồng chí Trần Văn Vỵ, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: Xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, ngày 12-4-2022 UBND huyện ban hành Kế hoạch số 45 về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa huyện. Theo Kế hoạch, sẽ “xây dựng và phát triển văn hóa, con người huyện Xuân Trường toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại”. Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; văn hóa thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị”. Xây dựng con người Xuân Trường phát triển toàn diện; từng bước hình thành các giá trị chuẩn mực góp phần phát triển toàn diện con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường các hoạt động giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, thông qua các chương trình giáo dục trong nhà trường, các hoạt động xã hội và trên các phương tiện truyền thông. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ” trên địa bàn huyện. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện, củng cố cơ sở vật chất văn hóa, hiện đại hóa phương thức hoạt động, phát triển mạng lưới thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Bảo vệ và ngày càng phát huy di sản văn hóa của quê hương./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com