Qua 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa

05:04, 08/04/2022

Ngày 29-6-2001, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa X, Luật Di sản văn hóa được thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2002, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta. Luật Di sản văn hóa ra đời đã thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về vấn đề bảo tồn di sản, di tích; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân và chủ sở hữu đối với di sản; khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn, bảo vệ  di sản.

Nghi thức rước kiệu trong lễ hội làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực).
Nghi thức rước kiệu trong lễ hội làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực).

Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, quê hương văn hiến Thiên Trường - Nam Định là nơi phát tích của Vương triều Trần - một triều đại “võ công, văn trị” lừng danh trong lịch sử của dân tộc, là quê hương của nhiều nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa lớn của đất nước. Trong lịch sử hình thành, phát triển quê hương, nhiều giá trị tư tưởng đạo đức giàu tính nhân văn được các thế hệ người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy, tạo nên kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ, phong phú. Theo số liệu kiểm kê, toàn tỉnh hiện có 1.354 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 301 di tích cấp tỉnh và 964 di tích nằm trong danh mục kiểm kê đã được UBND tỉnh phê duyệt. Từ khi Luật Di sản văn hóa được ban hành, đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo và phục hồi hơn 200 di tích đã được xếp hạng. Ngoài một số dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, công tác xã hội hóa huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực từ nhân dân. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo kịp thời với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng như: Khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định), quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), Đình làng Tiểu Liêm và Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc)… Các hoạt động quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện theo Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành; các hoạt động khai thác, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng, tâm linh qua hệ thống các di sản từng bước đi vào nền nếp. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh được các địa phương quan tâm, góp phần quảng bá hình ảnh con người, quê hương Nam Định đến du khách trong và ngoài nước. Nhiều lễ hội quy mô lớn được tổ chức hàng năm như: Hội Chợ Viềng xuân, Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội làng Phú Ninh, Lễ hội Chùa Cổ Lễ, Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, Lễ hội Chùa Lương…

Để đẩy mạnh thực hiện Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật về đảm bảo hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, ngày 7-7-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, vai trò của cộng đồng trong công tác này, ngăn chặn các biểu hiện xâm hại di tích, đảm bảo giữ gìn yếu tố gốc di tích và giá trị văn hóa di sản. Đây là sự đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa nói chung, về di sản của tỉnh nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương, từ đó ngày càng phát huy giá trị di sản trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Cùng với các công trình đình, đền, chùa, phủ, miếu, từ đường dày đặc ở hơn 3.600 làng, thôn, xóm, tỉnh ta còn có nhiều di sản văn hóa vật thể khác, đó là 5 bảo vật quốc gia và hàng chục nghìn tài liệu, hiện vật cổ được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và các Bảo tàng, phòng truyền thống, nhà lưu niệm các địa phương. Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản được coi là nhiệm vụ quan trọng. Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý và phát huy giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh”. Ngoài các phần mềm số hóa, áp dụng công nghệ 3D phục vụ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và tìm kiếm tư liệu, hiện vật của nhân dân, dự án còn kết nối hệ thống giữa bảo tàng công lập với các bảo tàng ngoài công lập, các di tích tiêu biểu trên địa bàn phục vụ công tác giáo dục và phát triển du lịch.

Tế “Tam kỳ giang” trong lễ hội Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên).
Tế “Tam kỳ giang” trong lễ hội Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên).

Hệ thống di sản văn hoá phi vật thể ở tỉnh ta đa dạng với nhiều loại hình: lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Tính đến hết năm 2021, tỉnh ta có 1 di sản văn hóa vật thể đại diện của nhân loại - “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (được UNESCO ghi danh năm 2016); 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) công nhận từ năm 2012 đến năm 2020). Đối với di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, sau khi được UNESCO ghi danh, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ VH, TT và DL tổ chức lễ đón bằng công nhận; ngành VH, TT và DL tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các ngành chức của Trung ương, các địa phương trong cả nước tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản như: trưng bày triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị”, xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030”, thành lập Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định. Năm 2016, tỉnh ta đã phối hợp với Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Bộ VH, TT và DL và các tỉnh, thành phố Bình Dương, Hà Nội để xây dựng hồ sơ đa quốc gia “Nghệ thuật sơn mài” trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để phát huy giá trị di sản trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế du lịch của tỉnh, các hoạt động truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn được ngành VH, TT và DL chú trọng đẩy mạnh. Những năm qua, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Nhân Dân… thực hiện hàng chục phóng sự giới thiệu di sản văn hóa, các điểm đến du lịch hấp dẫn ở địa phương; tiếp đón nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài về tham quan, nghiên cứu, giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của Nam Định trên Tạp chí Nghệ thuật Châu Á; xuất bản 4 ấn phẩm tuyên truyền về di tích Cột Cờ Nam Định, tín ngưỡng thờ Mẫu, những tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Ngoài ra, Sở VH, TT và DL đã tổ chức thành công nhiều hội thảo cấp quốc gia và quốc tế, góp phần làm sáng tỏ các giá trị di sản văn hóa của quê hương. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động di tích, quản lý, bảo vệ di sản được ngành VH, TT và DL tỉnh, các địa phương quan tâm. Hàng năm, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở VH, TT và DL chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, các hoạt động lễ hội truyền thống, văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gắn với di tích. Qua đó kịp thời chấn chỉnh những trường hợp vi phạm trong thực hiện các quy định pháp luật về di sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần quan tâm khắc phục: tình trạng thương mại hóa khai thác giá trị kinh tế ở một số di tích vẫn còn tồn tại khi chính quyền cơ sở tập trung ưu tiên các mục tiêu phát triển kinh tế hơn mục tiêu phát triển văn hóa. Công tác tôn tạo, bảo vệ di tích ở một số nơi chưa thực hiện đúng theo các quy định của Luật Di sản văn hóa như: thiết kế trùng tu xây dựng không đảm bảo giữ gìn kiến trúc gốc; việc cắm mốc giới khoanh vùng di tích để bảo vệ chưa triển khai đồng bộ dẫn tới tình trạng đất đai khu di tích bị xâm lấn; đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở còn trẻ, ít kinh nghiệm quản lý di sản.

Sau 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý để các cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; tăng cường quản lý, bảo vệ, trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa, khôi phục, tổ chức lễ hội truyền thống; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại, bảo quản di sản; khuyến khích thu hút các nguồn lực phát triển du lịch văn hóa tâm linh qua hệ thống di sản đặc sắc của địa phương; mở rộng giao lưu, tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa tới du khách trong nước và quốc tế./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com