Dấu ấn văn hóa Hùng Vương trên đất Nam Định

08:04, 08/04/2022

Trong tâm thức của người Việt, các Vua Hùng đã có công dựng nên Nhà nước đầu tiên với tên gọi Văn Lang và là nguồn gốc tổ tiên chung của cả dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đang được lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các vùng, miền trên cả nước. Ở tỉnh ta, dấu ấn thời Hùng Vương được lưu giữ qua những di tích lịch sử - văn hóa, các nghi lễ dân gian, những tên xã, tên làng...

Đình La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng và phối thờ các vị tướng thời Hùng Vương.
Đình La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng và phối thờ các vị tướng thời Hùng Vương.

Theo các truyền thuyết, cổ tích, thần tích, thần phả, văn bia, thư tịch cổ còn lưu giữ cho thấy, người Việt cổ đã di dân từ miền đất trung du xuống định cư ở vùng hạ lưu ven sông, ven biển tỉnh ta ngay từ thời vua Hùng dựng nước Văn Lang. Những trống đồng, mũi tên đồng, nhíp gặt lúa, những mảnh gốm nung thô sơ tìm thấy ở các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Ý Yên là dấu tích của người Lạc Việt sinh sống trên đất Nam Định. Qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học lịch sử đã khẳng định, huyện Vụ Bản ngày nay giàu trầm tích về dấu ấn thời kỳ Hùng Vương. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam, hội viên Hội VHNT tỉnh cho biết: Theo Địa chí tỉnh Nam Định (xuất bản năm 2003), Vụ Bản thời Hùng Vương nằm ở bộ Lục Hải của quốc gia Văn Lang. Theo ngọc phả “Đồng Mông danh tướng” tại đền thờ Giáp Nhất Bảo Ngũ (xã Quang Trung) thời Hùng Vương Vụ Bản có tên là huyện Bình Chương. Nhiều làng cổ được hình thành từ thời Vua Hùng dựng nước trên đất này có tên “Kẻ” đứng đầu như: Kẻ Hầu, Kẻ Gạo, Kẻ Vó, Kẻ Phạm, Kẻ Đại, Kẻ Si, Kẻ Tiên, Kẻ Sặt... Ở xã Liên Bảo có làng Kẻ Khổng, tức làng Định Trạch ngày nay. Tên làng Kẻ Khổng tương truyền là do cánh đồng làng có nhiều vết chân người khổng lồ thời cổ đại từ miền núi xuống khai phá vùng ven biển. Tại xã Kim Thái một số làng xã trước đây từng có tên Kẻ Dầy để chỉ làng An Thái, Kẻ Báng để chỉ làng Kim Bảng. Bên cạnh đó, qua khảo sát, các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử đã ghi nhận trong thời Hùng Vương từ khi lập quốc gia Văn Lang cho đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có 25 thần phả và 8 bản thần tích nói về 54 vị thần được thờ ở 75 đền, miếu trên địa bàn huyện. Cùng với huyện Vụ Bản, trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích lịch sử - văn hoá có liên quan trực tiếp hoặc phối thờ các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương; tiêu biểu như: Đình Ngô Xá, Đình Mền, Đình Ninh Xá (Ý Yên); Đình Trung Hải Lạng Trang (Nghĩa Hưng); Đình Sùng Văn, Đình Cả, Phủ Lựu Phố (Mỹ Lộc), Đền Đá (Nam Trực)… Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đình Cả (đình Đệ Nhất), xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) thờ Dũng Dược Đại Vương - vị tướng thời Vua Hùng và một số danh tướng thời Trần. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình Cả hiện vẫn giữ được kiến trúc tương đối hoàn chỉnh với kiến trúc “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”. Ngoài việc bảo tồn được giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đình Cả còn lưu giữ một số di vật quý, trong đó có long ngai cao 1,3m, dáng vẻ chắc khỏe, bề thế mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ngoài ra còn 3 pho tượng lớn, niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII. Đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) thờ Linh Lang Đại Vương - tướng thời Hùng Duệ Vương và hai tướng: Cao Đê, Đãi Chân dưới triều An Dương Vương. Các nhân vật lịch sử được thờ tự tại đây đều là những người có nhiều công lao trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Ngoài giá trị về lịch sử, đình Sùng Văn còn là công trình tín ngưỡng quy mô bề thế, mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Thời Hậu Lê, nhân dân địa phương xây một ngôi đền nhỏ trên di tích đồn binh để hương khói, thờ phụng Linh Lang Đại Vương. Ngày nay, ngôi đình tọa lạc trên một khu đất cao, rộng rãi, nằm ẩn mình dưới những tán lá cây cổ thụ và ao làng xanh biếc đã tạo nên khung cảnh làng quê nên thơ, cổ kính. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đình Sùng Văn từng thu hút nhiều danh nhân văn hóa đến tham quan, làm thơ, viết câu đối tiến cúng như: Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến… Cũng như ở nhiều vùng quê khác, những ngôi đình làng trên địa bàn huyện Ý Yên là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Tiêu biểu như đình làng La Xuyên, xã Yên Ninh có từ thế kỷ X thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng và phối thờ các vị tướng thời Vua Hùng Vương. Đình quay hướng tây với các công trình phụ trợ như hồ nước, vườn cây được bố trí hài hòa, phù hợp cảnh quan xung quanh. Trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, ngôi đình vẫn giữ được những nét kiến trúc, nghệ thuật truyền thống. Về kiến trúc, đình được xây dựng theo hình chữ “Đinh”. Tòa tiền đường gồm 3 gian, cao 8 mét, được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái; các cấu kiện gỗ như câu đầu, xà thượng, xà hạ, con rường đều được soi chỉ, điểm các hàng lá lật mềm mại; tất cả kết hợp cùng những đầu đao cong vút, mái ngói nam phủ rêu phong tạo nên nét cổ kính, uy nghiêm. Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm với hệ thống kiến trúc độc đáo, tinh xảo được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, thể hiện rõ nét tài hoa của các nghệ nhân làng nghề. Các hình tượng rồng, tứ quý, tứ linh... trên các cánh cửa, các bộ vì được chạm bong, chạm lộng với kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét. 

Múa lân - sư - rồng trong lễ hội làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), ngôi làng có từ thời Vua Hùng mang tên là Kẻ Si.
Múa lân - sư - rồng trong lễ hội làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), ngôi làng có từ thời Vua Hùng mang tên là Kẻ Si.

Không chỉ là những di sản văn hoá mang đậm giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, các di tích thờ các nhân vật thời Hùng Vương ở tỉnh ta còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh. Tại di tích đình Cả, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) ngày trước, hội làng được tổ chức hàng năm vào ngày 15-4 âm lịch (ngày sinh của Dũng Dược Đại Vương). Lệ làng Đệ Nhất đề ra: Bốn giáp gồm Đông, Bắc, Nam, Đoài, mỗi giáp chuẩn bị một con lợn cúng tế; lợn phải được nuôi riêng từ tháng 4 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đến hội, các giáp đóng cũi có trang trí đẹp đưa lợn ra thi. Sau khi chấm thi, lợn được ngả thịt để cúng Thánh. Trong ngày hội, ngoài việc tế lễ còn có các trò chơi: đánh cờ, kéo co, đấu vật, leo cầu kiều, bắt vịt, thi hát văn… Đình La Xuyên, xã Yên Ninh là nơi gìn giữ, phát huy những nét truyền thống văn hoá làng nghề được thể hiện qua mỗi kỳ lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 10 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội là cơ hội để những người con xa quê hương hòa mình vào những nét thuần phong mỹ tục quê hương, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt, trong lễ hội có cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ được làm từ bàn tay tài hoa của những người thợ trong làng. Cuộc thi không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh nghiêm của nhau mà còn là dịp quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống “nức tiếng” xa, gần.

Trải qua nhiều thế kỷ, các hiện vật lịch sử, trầm tích văn hóa, các di tích lịch sử - văn hóa thờ các nhân vật thời Hùng Vương trên địa bàn Nam Định vẫn được các thế hệ gìn giữ, phát huy. Quy mô lễ hội tại các di tích ngày nay tuy không được mở rộng như trước nhưng vẫn đang được cấp uỷ, chính quyền các địa phương từng bước khôi phục, phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com