Bình Hòa phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở

04:11, 06/11/2020

Về xã Bình Hòa (Giao Thủy) những ngày đầu tháng 11, chúng tôi được chứng kiến không khí vui tươi, phấn khởi của người dân nơi đây qua những buổi luyện tập văn nghệ sôi nổi để chuẩn bị biểu diễn nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11). Việc duy trì, phát triển phong trào văn nghệ ở Bình Hòa đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá cơ sở, đưa địa phương trở thành “điểm sáng” trong xây dựng “Văn hóa - Nông thôn mới (NTM)” của huyện.

CLB văn hóa dân gian xóm 8, xã Bình Hòa.
CLB văn hóa dân gian xóm 8, xã Bình Hòa.

Nhận thức được tầm quan trọng của thiết chế văn hoá trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Đảng ủy, UBND xã Bình Hòa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng nhà văn hóa (NVH) xóm; động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp, hiến đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Xã Bình Hòa là địa phương xây dựng được hệ thống NVH cơ sở sớm nhất huyện. Hầu hết các NVH có từ trước năm 2000. Làng Đông Bình gồm 4 xóm: 13, 14, 15, 16. Với cơ chế “cấp uỷ chỉ đạo, chính quyền quy hoạch, cấp đất, dân làng đóng góp xây dựng và con em quê hương ủng hộ kinh phí”, phong trào xây dựng NVH ở làng Đông Bình được đông đảo người dân đồng tình, hưởng ứng. NVH làng Đông Bình được xây dựng năm 2008 là địa điểm sinh hoạt cộng đồng của xóm 16: nơi tổ chức các sự kiện, sinh hoạt cộng đồng với các hoạt động thiết thực như: phổ biến pháp luật, truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; luyện tập, biểu diễn giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao... Trong khoảng thời gian xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015), để phù hợp với tiêu chí cơ sở sở vật chất văn hóa, xã Bình Hòa đã ban hành cơ chế hỗ trợ mỗi xóm 10 triệu đồng xây dựng mới NVH. Từ nguồn xã hội hóa, NVH của các xóm 8, 11, 12, 13, 14 được quy hoạch mở rộng diện tích đất để xây mới, quy mô từ 100-200 chỗ ngồi, kinh phí xây dựng từ 200-300 triệu đồng/NVH. Việc tổ chức xây dựng NVH được cấp uỷ chi bộ xóm và các tổ chức đoàn thể giám sát chặt chẽ. Các NVH được trang bị tủ sách, có sân thể thao mi ni (bóng chuyền, cầu lông, bóng đá). Đến nay, cả 15 xóm trong xã đều có NVH trang bị đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân.

Phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, xã Bình Hòa trở thành địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh. Xã thành lập được câu lạc bộ (CLB) tiếng hát phụ nữ với 15 thành viên là các hội viên Hội Phụ nữ xã. CLB có thế mạnh về biểu diễn các ca khúc cách mạng phục vụ các dịp lễ, tết, hội họp, sinh hoạt ở NVH trung tâm xã. CLB Tiếng hát phụ nữ đã dàn dựng, biểu diễn thành công những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người dân. Tại NVH các xóm 1, 2, 3, 4, 8, 10, 13 đều thành lập các đội, CLB văn hóa, văn nghệ; mỗi đội, CLB có từ 10-30 thành viên. Trong đó có nhiều đội, CLB hoạt động sôi nổi, tiêu biểu như: CLB văn hoá dân gian xóm 8, CLB văn nghệ xóm 1, xóm 3, CLB hát chèo xóm 2, hội kiếm quyền xóm 7, xóm 13, hội múa lân, rồng xóm 8, xóm 10. Những thành viên trong các đội, CLB văn nghệ ở Bình Hoà đều là hạt nhân văn nghệ của các chi hội, đoàn thể, trường học, có khả năng tập hợp thành viên, vừa sáng tác kịch bản, vừa dàn dựng và biểu diễn, góp phần làm nên chất lượng của phong trào. Xóm 8 có đội văn nghệ cách đây hơn 50 năm. Trải qua thời gian trầm lắng, năm 2005, chi bộ Đảng xóm 8 đã chỉ đạo các đoàn thể vận động những người có năng khiếu thành lập CLB văn hoá dân gian để phục vụ các dịp hội làng ở địa phương. Đến nay, CLB có hơn 20 thành viên, chủ yếu là hội viên người cao tuổi xóm thường xuyên sinh hoạt, luyện tập, tự biên, tự diễn nhiều tiết mục hát chèo, hát văn đặc sắc, nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất… Hàng năm CLB văn hoá dân gian xóm 8 đều tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng “Tiếng hát sân đình” tại các di tích lịch sử - văn hoá như: Đền Chùa Diêm Điền, Đền Chùa Hoành Đông… Cũng từ công sức khôi phục của người dân, nhiều năm nay múa lân, rồng xóm 8, 10 cùng với biểu diễn kiếm quyền xóm 7, 13 là hoạt động không thể thiếu với người dân Bình Hòa trong mỗi dịp Tết Trung thu, lễ Mừng thọ, rước kiệu Thánh trong lễ hội Đền Chùa Diêm Điền và giỗ tổ các dòng họ trong xã. Đội múa lân, rồng xóm 8, xóm 10 có hơn 20 thành viên. Ông Phạm Văn Đồng, hội trưởng hội múa lân, rồng cho biết: Rồng do các thành viên nữ biểu diễn, lân do các thành viên nam đảm nhiệm. Trong mỗi đám rước, những động tác uyển chuyển, nhịp nhàng của rồng, mạnh mẽ, dứt khoát của lân hòa cùng âm vang của tiếng trống, tiếng thanh la, não bạt liên hồi khiến người xem như hồi tưởng về chí khí kiên cường của cha ông trong công cuộc mở đất, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ngày nay, tiếng tăm của đội múa lân, rồng xã Bình Hòa đã vượt ra khỏi cổng làng, nhiều năm góp mặt biểu diễn trong Đại hội TDTT huyện tổ chức vào dịp Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9. Ngoài sinh hoạt của các CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động của các NVH xóm ở Bình Hòa được tiến hành theo từng chuyên đề hàng năm gắn với sinh hoạt của các chi hội như: chi Hội Người cao tuổi với phong trào thơ ca, đọc sách theo chủ đề “Sống vui, sống khoẻ, sống hữu ích”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; chi Hội Cựu chiến binh với hoạt động CLB Cựu chiến binh phát triển kinh tế; chi Hội Phụ nữ với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; chi Đoàn Thanh niên với các phong trào “Thanh niên phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Tuổi trẻ vì môi trường”… Trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), hàng năm, các NVH xóm đều tổ chức tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có nhiều thành tích trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Thực tế cho thấy, ở Bình Hoà, các xóm có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào xây dựng “Văn hóa - NTM”. Ở đó, chất lượng các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Xóm văn hoá” từng bước được nâng lên. Năm 2019, cả 15 xóm trong xã xây dựng được quy ước nếp sống văn hóa, tỷ lệ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa - NTM” đạt 94,6%; 13/15 xóm đạt danh hiệu “Xóm văn hoá - NTM”./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com