Lễ hội Đình Ruối

08:10, 02/10/2020

Xã Yên Nghĩa (Ý Yên) là vùng đất cổ hiện còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, từ biểu tượng làng quê với cây đa - giếng nước - mái đình đến những phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt cộng đồng. Ở Yên Nghĩa, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân coi trọng. Lễ hội Đình Ruối là một trong 7 lễ hội lớn hàng năm của huyện Ý Yên diễn ra từ 23 đến 25-11 âm lịch để tưởng nhớ công lao của Kiến quốc Trinh liệt phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt - nữ “tình báo” đầu tiên của chính sử Việt Nam.

Theo các tài liệu lịch sử lưu giữ tại Đình Ruối, năm 1426, giặc Minh tiến quân ra Bắc, đóng quân ở thành Cổ Lộng (cánh đồng Lai Cách, nay thuộc xã Yên Thọ) - trung tâm trọng yếu của giặc Minh thống trị và đàn áp khu vực phía nam đồng bằng châu thổ sông Hồng. Lúc bấy giờ, bà Lương Thị Minh Nguyệt cùng chồng là ông Đinh Công Tuấn (người làng Cổ Chuế, xã Chuế Cầu, tổng Tử Mặc xưa) mở quán rượu ở ven thành. Hàng ngày, hai vợ chồng bà thường xuyên theo dõi, dò la tin tức của giặc Minh. Với bản tính thông minh, khéo léo, lại có nhan sắc, bà Lương Thị Minh Nguyệt dễ dàng làm quen với nhiều quan quân giặc Minh và được tướng giặc cho phép mang rượu, thịt vào bán trong thành. Do đó, các lối đi lại, cách bố trí quân lương, vũ khí, các trại trú quân bà đều tường tận, nắm bắt và ghi chép thành sơ đồ. Khi biết tin Lê Lợi khởi nghĩa, tiến đánh thành Đông Quan gặp thành Cổ Lộng, đang tìm kế đánh hạ. Biết tin bà đã tìm đường vào Lam Sơn báo cho nghĩa quân mọi tình hình giặc Minh ở Cổ Lộng và dâng kế hạ thành. Thành Cổ Lộng bị hạ với công đầu thuộc về vợ chồng nữ tướng anh hùng Lương Thị Minh Nguyệt. Năm Mậu Thân (1428), sau khi Lê Lợi lên ngôi vua (tức Vua Lê Thái Tổ) đã ban tước danh cho vợ chồng bà Lương Thị Minh Nguyệt và ông Đinh Công Tuấn là Kiến quốc Trinh liệt Phu nhân và Kiến quốc Trung dũng Công thần. Sau đó, Vua Lê mời hai vợ chồng bà vào cung để ban bổng lộc nhưng bà từ chối, chỉ xin 200 mẫu ruộng tốt để chia cho dân làng và miễn sưu thuế 3 năm cho nhân dân trong vùng dễ bề sinh sống. Ngày 25-11 năm Quý Sửu (1443), cả hai ông bà đều đột ngột qua đời, Vua Lê Thái Tổ sai quân về tang chế theo tước Vương, phong ông bà là “Nhị vị Phúc thần” và cho lập đền thờ Kiến quốc Phu nhân tại làng Ngọc Chuế. Đến đời Vua Thành Thái thứ 13 (1902) đền được đại trùng tu thành đình. Đình thờ Kiến quốc Phu nhân ngày nay nằm cạnh đường liên xã, phía trước đình là một dậu những cây ruối cổ thụ chạy dài nối tiếp như bức tường thành bảo về di tích nên từ lâu nhân dân địa phương quen gọi là Đình Ruối. 

Đình Ruối là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị nghệ thuật độc đáo theo phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Tiền đường 5 gian với 4 bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng; gánh đỡ 4 bộ vì là 24 cây cột bằng gỗ lim đường kính 0,4m. Hệ thống vì kèo, các xà nách nghé bẩy chạm khắc công phu với các đề tài: tứ linh, tứ quý. Xà dọc tại gian giữa được chạm “lưỡng long chầu nguyệt” và những lớp đao mác nhiều tầng. Hậu cung gồm 4 gian được ngăn cách với bên ngoài bằng một hệ thống cửa. Vì kèo phía trên làm kiểu chồng rường chạm khắc công phu, chủ yếu là họa tiết hình rồng tạo sự uy nghiêm, linh thiêng cho nơi đặt ngai và bài vị thờ vợ chồng Kiến quốc Phu nhân. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc, Đình Ruối được Bộ VH, TT và DL xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia từ năm 1992. Để tưởng nhớ công lao của vợ chồng Liệt nữ Minh Nguyệt, hàng năm, cứ vào các ngày 23, 24 và 25-11 âm lịch, nhân dân địa phương lại nô nức mở hội. Lễ hội diễn ra gồm nhiều hoạt động nổi bật như: Lễ chiếu văn, lễ rước kiệu, lễ yên vị, tế nam quan, tế nữ quan, lễ dâng hương, hoa... Đặc biệt, lễ hội rước kiệu Thánh về đình được tổ chức long trọng và trang nghiêm. Đi đầu đoàn rước có kiệu Ông và kiệu Bà. Kiệu Ông do 6 nam khiêng, kiệu Bà do 6 nữ khiêng, theo sau là 6 kiệu thờ Thành hoàng các làng. Tham dự lễ hội Đình Ruối, du khách không chỉ được tìm hiểu những nghi thức tế lễ cổ truyền mang đậm dấu ấn lịch sử thời Lê mà còn có dịp được hòa mình với nghệ thuật hát Văn, hát Quan họ du thuyền trên hồ, thưởng thức các món ăn chay tương truyền là bà Minh Nguyệt từng bán cho giặc Minh như: Bánh dầy, bánh chưng, bánh mật, bánh gai... và được tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, cờ tướng, thả diều, múa lân - sư - rồng, múa trống, múa kiếm, thi làm bánh dầy, thi văn nghệ…

Để khai thác giá trị du lịch văn hoá tâm linh, thời gian qua di tích lịch sử - văn hóa Đình Ruối luôn được chính quyền, nhân dân trong xã quan tâm trùng tu, bảo vệ, duy trì tổ chức lễ hội truyền thống thu hút du khách thập phương về dự. Sau 117 năm kể từ ngày được xây dựng lại thành đình, trải qua bao biến thiên của lịch sử, công trình Đình Ruối đã bị xuống cấp, mái đình bị võng, cột kèo bị mối mọt, nền sụt lún... Được sự cho phép của Bộ VH, TT và DL và UBND tỉnh, tháng 8-2019, Đình Ruối được tiến hành trùng tu, tôn tạo theo đúng nguyên bản kiến trúc gốc. Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, Đảng ủy, UBND xã Yên Nghĩa đã kêu gọi vận động đóng góp nguồn lực xã hội hóa của con em quê hương đang sinh sống và làm việc trên khắp mọi miền Tổ quốc và nhiều đơn vị, doanh nghiệp hảo tâm, tâm huyết đối với việc bảo tồn di tích ở địa phương. Tháng 12-2019, Đình Ruối được hoàn thành tôn tạo với tổng kinh phí hơn 950 triệu đồng. Cùng với Đình Ruối, các hạng mục công trình Giếng Ngọc và sân Chùa Ruối cũng được nâng cấp, hoàn thiện và bảo tồn với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, thỏa lòng con cháu và nhân dân địa phương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com