Chùa Cổ Lễ - Nơi hội tụ những giá trị văn hóa dân gian

08:10, 28/10/2020

Chùa Cổ Lễ (Thần Quang tự) là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của quê hương Nam Định gắn với những huyền tích trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Chùa Cổ Lễ vẫn mang dáng vẻ, sắc thái riêng biệt với yếu tố “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây”.

Chùa Cổ Lễ thờ Phật và Thiền sư Nguyễn Minh Không - Đức Thánh tổ có công khởi dựng chùa vào thời Lý (thế kỷ XII). Minh Không Thiền sư, thế danh Nguyễn Chí Thành, quê làng Đàm Xá, thuộc đất Trường Yên, nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Ngài là một vị cao tăng nổi tiếng và là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam. Với nhiều pháp thuật kỳ lạ, ngài thường đi chu du khắp nơi chữa bệnh cứu dân và đã từng cứu Vua Lý Thần Tông thoát khỏi căn bệnh nan y, được nhà vua phong làm Lý triều Quốc sư. 

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử, dấu tích nguyên sơ của chùa bị phai mờ. Đến cuối thế kỷ XIX, Chùa Cổ Lễ chỉ còn lại một am nhỏ hoang phế. Năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đến trụ trì tại chùa. Năm 1920, Trụ trì Phạm Quang Tuyên đã phát tâm công đức xây dựng lại chùa. Với biệt tài thiết kế những công trình kiến trúc chùa, tháp, không bản vẽ thiết kế, không vật liệu hiện đại như xi măng, sắt thép, Trụ trì Phạm Quang Tuyên đã chủ trì xây dựng Chùa Cổ Lễ bằng những vật liệu thô sơ như: gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và công sức của nhân dân. Tiếp bước Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, Hòa thượng Phạm Thế Long và các thế hệ sư trụ trì kế cận đã kêu gọi tín đồ phật tử đóng góp xây dựng, hoàn thiện thêm những công trình thờ tự liên đới khác hòa nhập với tổng thể cảnh quan, tạo thêm sự bề thế cho ngôi chùa như hiện nay. Không giống với hầu hết các ngôi chùa trên cả nước, Chùa Cổ Lễ tuy có kết cấu “Tiền Phật, hậu Thánh” nhưng lại mang dáng dấp của một thánh đường Gia-tô giáo với mái vòm, trần, tường có những bức bích họa rực rỡ vừa hiện đại vừa cổ kính. Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông Tây như: cổng chùa, Tháp Cửu phẩm liên hoa, cầu cuốn, Tam quan, Phật giáo Hội quán, Đền thờ Trần Hưng Đạo (Linh Quang từ), Phủ Mẫu, chùa chính, nhà Tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, gác chuông “Kim Chung Bảo Các”... Các hạng mục của di tích có nhiều nét khác với những công trình văn hóa tâm linh khác ở Việt Nam bởi sự kết hợp khéo léo các yếu tố kiến trúc cổ truyền với kiến trúc Gothic của châu Âu. Độc đáo của Chùa Cổ Lễ là quả chuông Đại Hồng Chung lớn nhất cả nước cao 4,2m, nặng 9 tấn. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại: Vào năm 1936, nhiều người dân địa phương đã cúng tiến trang sức vàng, bạc, đồng để đúc chuông. Bảo Tháp Cửu phẩm liên hoa xây dựng từ năm 1927 ở chùa là một di sản văn hoá kiến trúc độc đáo. Tháp có 9 tầng mang ý nghĩa “cửu trùng” - một đặc thù tín ngưỡng của Đạo Phật Thích Ca. Tiếp theo ngôi tháp là cây cầu cuốn cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (hồ Núi). Ngoài Đại Hồng Chung, trong Chùa Cổ Lễ hiện lưu giữ được nhiều di vật văn hóa quý hiếm như: Tượng Đức Phật Thích Ca, cao 4,20m ngự trên tòa sen trong tư thế nhập thiền, phía sau có vầng hào quang tỏa sáng thiêng liêng; tượng Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không bằng gỗ trầm hương trắng; chuông đồng thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799); trống đồng trơn tương truyền từ thời Lý; lá cờ thần hai mặt ghi: “Nam thiên Thánh Tổ” và “Lý triều Quốc sư”; bốn thuyền trải dùng để thi bơi trong lễ hội truyền thống.

Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, Chùa Cổ Lễ còn là di tích cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ nơi đây, nhiều nhà sư đã tạm biệt “cửa thiền” cầm súng ra trận. Đặc biệt, ngày 27-2-1947, tại chùa, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Thế Long (tên thật Phạm Thế Long), chính quyền địa phương, các tín đồ phật tử và nhân dân trong vùng đã tổ chức mít tinh làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa lên đường tòng quân đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó Hòa thượng Thích Thế Long sau này giữ chức Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII.

“Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười tư tháng Chín thì về hội Ông” - Đó là câu ca truyền miệng của người dân trong vùng nói về lễ hội Chùa Cổ Lễ. Về dự hội, du khách không những được ôn lại công tích, tưởng nhớ tới Quốc sư - Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không mà còn có dịp để lễ Phật, đắm mình trong cõi tâm linh hướng tới “chân - thiện - mỹ”. Là một trong số những lễ hội mùa thu lớn của tỉnh, lễ hội Chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16-9 (âm lịch) hàng năm với rất nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống như: lễ rước Phật, Đức Thánh Tổ và các tiết mục diễn xướng tâm kinh, trò chơi dân gian: đấu vật, cờ người, múa lân sư rồng, hát chèo, hát văn… phản ánh chân thực đời sống văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.  Từ lâu, lễ hội Chùa Cổ Lễ đã trở thành điểm du ngoạn hấp dẫn của khách thập phương trong và ngoài nước. Đặc biệt là hội thi bơi chải trên sông quanh chùa có sự tham gia của 5 dòng họ lớn trong thị trấn là: Nguyễn, Phan, Lê, Dương và Dương Đào Phạm (Dương nhì), chia làm 4 chải, mỗi chải 15 người bao gồm 12 tay chèo, 1 tay lái, 1 tay mõ và 1 người tát nước. Trước hội thi, các dòng họ tổ chức lễ hạ chải, rước kiệu tổ họ lên chùa hầu Thánh. Trên đường rước kiệu có đội bát âm, đội cờ, đội kèn, trống…, dưới sông có các đội bơi chải diễn lễ “bơi chầu Thánh”. Sáng 13-9, sau khi sư trụ trì làm lễ tẩy uế các chải, cũng là lúc hội thi bơi chải được bắt đầu. Thành phần tham gia bơi chải được các dòng họ tuyển chọn kỹ lưỡng từ các lão nông tri điền giàu kinh nghiệm đến các thanh, thiếu niên khỏe mạnh, nhiệt huyết. Trong khí thế rộn rã, náo nhiệt của hội thi, những người tham gia và cổ vũ chải đều mong muốn có sức khỏe đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com