Đặc sắc Lễ hội Chùa Đại Bi

08:10, 23/10/2020

 

Lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) là một trong 11 lễ hội trên cả nước được Bộ VH, TT và DL ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 254/QĐ-BVHTTDL ngày 22-1-2020. Lễ hội hàng năm diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng với nhiều nghi lễ truyền thống, hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc.

Chùa Đại Bi là ngôi chùa chung của 3 thôn Giáp Ba, Giáp Tư và Vân Chàng, được khởi dựng từ thời Lý Nhân Tông (1042-1127). Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Chùa Đại Bi ngày nay có quy mô 60 gian, bố cục “Nội công, ngoại quốc”, gồm các hạng mục: Tam quan, chùa chính, hành lang tả hữu, gác chuông, nhà tổ mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Lễ hội Chùa Đại Bi tổ chức hàng năm là dịp để người dân địa phương tưởng nhớ đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh - danh sư tu hành tại chùa, có công chấn hưng, truyền bá Phật giáo tới nhân dân vào thời Lý và được dân làng suy tôn là bậc Thánh, Thành hoàng. Phần lễ bao gồm các nghi lễ trang trọng như: Lễ Mộc dục, lễ cúng Phát tấu, thi thầy, lễ yên vị, lễ rước kiệu, lễ tế Thánh… Lễ mộc dục (mặc áo Thánh) là nghi lễ quan trọng, mở đầu cho kỳ lễ hội, tổ chức vào sáng ngày 20 tháng Giêng. Thực hành nghi lễ có các hòa thượng, tăng, ni, Phật tử và đại diện người cao tuổi của 3 thôn. Trước khi thực hành nghi lễ, nhà chùa dâng hương xin phép Thánh, rồi tiến hành “tắm” tượng Thánh (bằng nước sạch và nước thơm), sau đó mặc áo Thánh và làm lễ yên vị. Sau lễ Mộc dục là lễ cúng Phát tấu (khóa lễ cúng Phật) và thi thầy. Thi thầy có sự tham gia của các sư thầy ở địa phương và các vùng lân cận. Nội dung là thi cúng lễ và đọc các bài văn tế. Thầy nào có giọng đọc cao, truyền cảm, đúng âm điệu, hòa nhịp tốt với tiếng trống, mõ, thanh la thì được giải. Rước kiệu là nghi lễ được tổ chức với quy mô lớn vào sáng ngày 21 tháng Giêng có sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Đi đầu đám rước là đội cờ ngũ hành, cờ thêu “Thanh Long, Bạch Hổ”. Tiếp đến là đội rước bát biểu, kiệu long đình và phường bát âm. Tiếp theo là kiệu lễ tam sinh (thủ lợn, thủ dê, thủ bò, bánh dầy) và kiệu bát cống do các trai làng khỏe mạnh khiêng. Cuối đoàn rước là các đội múa lân - sư - rồng. Sau khi đoàn rước yên vị tại chùa là nghi lễ tế Thánh. Trước khi tế, chủ tế đọc văn tế ca ngợi công đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh. Sau đó, người dân địa phương cùng khách thập phương lễ Thánh, dâng hương, hoa, lễ vật. Phần hội trong lễ hội Chùa Đại Bi gồm nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, trò chơi dân gian. Trong đó đặc sắc nhất là nghệ thuật hát rối đầu gỗ chầu Thánh (Ổi lỗi). Rối đầu gỗ gồm “Thập nhị Thánh tượng” (12 tượng Thánh cổ) có tuổi đời gần 800 năm, trong đó có 6 tượng rối lớn (6 chúa Lộng) và 6 tượng rối nhỏ (2 tượng Tiên, 1 tượng Chàng, 1 tượng Hậu, 1 tượng ông Mách và 1 tượng ông Chớp). Nhạc cụ để sử dụng trong hát rối là bộ gõ, gồm: mõ tre, trống bảng, trống cơm, trống cái, trống thầy bói, thanh la, chuông đẩu. Số lượng kinh văn trong nghệ thuật hát rối đầu gỗ chầu Thánh có 26 bài ca (bài kinh) bằng tiếng Nôm được hát trên 32 làn điệu phong phú với nội dung ca ngợi triều đại thanh bình thịnh trị, công lao của các vị vua, anh hùng có công dựng nước và giữ nước, đồng thời răn dạy con người những điều hay lẽ phải, sống hiếu nghĩa, ước nguyện về một cuộc sống thanh bình. Hàng năm, hát rối đầu gỗ chầu Thánh chỉ biểu diễn 4 lần vào đêm giao thừa và 3 đêm lễ hội Chùa Đại Bi. Trong lễ hội Chùa Đại Bi còn có nhiều các trò chơi dân gian như: đấu vật chầu Thánh, chọi gà, cờ tướng, vật cầu... Ngày nay, ngoài trò chơi dân gian truyền thống, Ban tổ chức lễ hội còn tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như biểu diễn văn nghệ, thi đấu bóng chuyền, thi chim cảnh, cây cảnh... 

Vào mỗi dịp đầu xuân, di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Đại Bi trở thành nơi du ngoạn của đông đảo du khách từ khắp nơi tìm về. Hàng trăm năm qua, dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Hai mươi phát tấu Chùa Bi/ Trai đi được vợ, gái đi được chồng” có ý nghĩa rằng Chùa Đại Bi không chỉ là nơi lễ Phật cầu may mà còn là nơi cầu duyên trong phiên Chợ Viềng (mùng 7, 8 tháng Giêng) hàng năm./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com