Xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới

03:09, 18/09/2020

Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới”, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Một cảnh trong vở diễn “Thánh Mẫu” của Đoàn Chèo (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh).
Một cảnh trong vở diễn “Thánh Mẫu” của Đoàn Chèo (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh).

Tỉnh uỷ đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 30-9-2009 với 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đổi mới nghiên cứu, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về VHNT; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý Nhà nước đối với VHNT; Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; Chú trọng phát triển văn nghệ quần chúng; Tăng cường đầu tư cho lĩnh vực VHNT. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 23, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt Nghị quyết, Chương trình hành động và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về lĩnh vực VHNT qua các hội nghị, sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể; qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô; qua các hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ và hệ thống đài phát thanh, truyền thanh cơ sở... Các cơ quan báo chí của tỉnh đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền các nội dung Nghị quyết đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, Tạp chí Văn nhân, Bản tin VH, TT và DL, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, địa phương... mở các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn hóa, VHNT đến công chúng. Hệ thống Đài phát thanh các huyện, thành phố, Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn đã có hàng vạn tin, bài phản ánh việc triển khai Nghị quyết, góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng và phát triển VHNT. Từ năm 2008 đến nay, Sở VH, TT và DL đã mở hơn 60 lớp tập huấn chuyên môn với trên 5.000 lượt người tham dự; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ như: hát chèo, chầu văn, ca trù, múa rối nước...

Qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh về VHNT có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã quan tâm khuyến khích, phát triển tài năng của các văn nghệ sĩ, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Công tác tổ chức, quản lý nhà nước về VHNT trên địa bàn tỉnh đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong sáng tạo VHNT. Hội VHNT tỉnh hiện có hơn 270 hội viên ở 7 bộ môn, gồm: văn xuôi, thơ, nghiên cứu - sưu tầm, âm nhạc - múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu. Hội VHNT tỉnh thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, làm tốt công tác định hướng tư tưởng cho đội ngũ văn nghệ sĩ, động viên, khuyến khích các văn nghệ sĩ tích cực sáng tác, phản ánh sinh động, phong phú, đa dạng sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, của công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của quê hương. Từ năm 2008 đến nay, hội viên Hội VHNT tỉnh đã sáng tác, xuất bản, quảng bá tới công chúng hơn 300 tác phẩm VHNT các loại hình tiểu thuyết, tập truyện ký, tập thơ, công trình nghiên cứu - phê bình, công trình đạo diễn, tác phẩm âm nhạc và hàng nghìn tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh với các chủ đề về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM; chủ quyền biển, đảo quê hương; giới thiệu hình ảnh mảnh đất, con người, những nét văn hóa truyền thống trên quê hương Nam Định... Đối với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh đã năng động sáng tạo để duy trì hoạt động biểu diễn. Đoàn Chèo, Đoàn Kịch nói, Đoàn Cải lương (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) đã công diễn nhiều vở diễn (trung bình mỗi đơn vị dàn dựng được từ 1-2 vở/năm) được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, mang đậm bản sắc văn hóa của mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” Trấn Sơn Nam Hạ xưa. Nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn được đánh giá cao trong các Liên hoan sân khấu khu vực và toàn quốc, tiêu biểu như: “Không thể - có thể”, “Rừng cháy”, “Trần Anh Tông”, “Tình sử vương triều”, “Hoạ mi lại hót”, “Chiến trường không tiếng súng”, “Mặt nạ người”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Phía sau vụ án”, “Thành hoàng làng”, “Không phải là vụ án”... Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh còn phối hợp tổ chức các chương trình nghệ thuật quy mô lớn như: “Liên hoan hát văn và hát chầu văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ”, “Liên hoan nghệ thuật quần chúng Bác Hồ - Niềm tin sáng mãi”, “Liên hoan các ca khúc cách mạng”...

Tại các địa phương đã đẩy mạnh phong trào xây dựng thiết chế văn hoá; đa dạng hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ; thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật. Đến nay, toàn tỉnh có 1 Trung tâm Văn hóa 3-2 tỉnh, 1 Trung tâm Văn hóa, Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh, 10 Nhà văn hóa cấp huyện, thành phố, 100% các xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đa năng (158 xã có nhà văn hóa độc lập, 71 xã dùng chung hội trường UBND xã), 3.005/3.634 làng, thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được khai thác, phát huy hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu “đưa văn hóa thông tin về cơ sở”, “tạo môi trường để đông đảo quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa”, góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Hàng năm, các địa phương tổ chức khoảng trên 1.500 buổi biểu diễn, sinh hoạt nghệ thuật phong phú chào mừng các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị của địa phương, đất nước như: tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ngày Giải phóng miền Nam (30-4), Ngày thành lập Đảng (3-2)… Trên cơ sở đó tuyển chọn lực lượng nòng cốt tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện và Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh. Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng tại các địa phương trong tỉnh phát triển ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo người dân có năng khiếu tham gia với trên 900 đội, CLB đa dạng các loại hình như: Hội trống cà rùng, đội kèn đồng, CLB thơ ở các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường; đội cà kheo ở các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; CLB, đội chèo, hát văn, ca trù tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh; CLB, đội múa lân - sư - rồng, phường múa rối nước ở các huyện: Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thuỷ, Mỹ Lộc, Hải Hậu, thành phố Nam Định... Nhiều địa phương có đội chèo gia đình có từ 2-3 thế hệ từng là các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Đoàn Chèo Nam Định và có nhiều đóng góp trong phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng gắn với các lễ hội ở các di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa góp phần quảng bá di sản cũng như lưu truyền các giá trị sâu sắc, lâu bền của di sản trong đời sống văn hóa tinh thần của địa phương. Chẳng hạn như sức lan tỏa của nghệ thuật hát chầu văn gắn với Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12-2016).

Để việc thực hiện Nghị quyết 23 ngày càng hiệu quả, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của VHNT. Gắn việc thực hiện Nghị quyết 23 với việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 07-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ văn hóa, đặc biệt là cán bộ văn hóa cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động văn hóa, VHNT. Củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa thôn, xóm, các hội VHNT, CLB, đội văn hoá, văn nghệ, phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển số lượng thành viên. Khuyến khích quần chúng nhân dân sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hoá, văn nghệ; thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển VHNT trong thời kỳ mới./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com