Thương nhớ mùa cau

08:05, 22/05/2020

Trưa hè thoảng trong gió hương hoa cau đưa lại thanh khiết, mát lành - Thứ hương không loài hoa nào có được, vừa man mát vừa thanh tao. Hàng cau trước cửa nhà là do ông nội trồng. Hàng cau theo mùa lớn lên, phủ bóng xanh hiền hòa xuống ngôi nhà, ru vỗ những năm tháng thơ ngây của tôi.

Ảnh/ Internet
Ảnh/ Internet

Ông tôi trồng cả thảy 12 cây cau, chia thành 2 hàng, mỗi hàng thẳng tắp 6 cây, rủ nhau lớn “bằng đầu bằng đuôi”, 4 mùa xanh tốt. Mùa xuân, cây ủ mưa vào lá, vào cái bẹ lùm lùm xanh nõn nà. Đầu hè, từ cái bẹ lùm lùm bật dần từng giẻ hoa, trắng đến nao lòng. Ban đầu còn là những nụ be bé, gió nam thổi từng đợt mát lành, nụ hé hoa rồi cả bẹ cùng lúc bung nở, tách hẳn khỏi thân cây. Khởi phát, hương hoa hãy còn lẫn trong gió, phải “nghe” kỹ lắm mới thấy dư vị thanh tao thoang thoảng bị lẫn vào gió. Qua vài ngày, những cánh hoa xốp, trắng ngần tách kẽ thi nhau bung tỏa. Màu trắng ngà dần chuyển xanh, hoa càng thơm hương. Lúc này cả ngôi nhà, con ngõ “đẫm” trong mùi hoa cau.

Mùa cau năm đó, chị nói với mẹ sẽ đi lấy chồng. Chị dặn mẹ để dành buồng hoa đẹp nhất làm quà cắm trong ngày cưới. Ngày đưa dâu, tôi khư khư giữ buồng cau, đưa tận tay chị trước khi theo họ hàng về nhà. Chị ôm vai tôi khóc nức nở, nước mắt rơi nhòe trên những giẻ hoa cau. Năm đó chị mới 22, trẻ trung như những nụ cau vào mùa. Mùa cau sau, chị về nhà bụng lùm lùm, tiếng cười ríu rít từ ngoài ngõ, quẩn chân những gốc cau già. Khi đi, chị xin ông nội ít cây cau giống mang về trồng. Đường về nhà xa ngái, chẳng biết bao giờ mới về được đến nhà lần nữa. Vào mỗi mùa cau, chị bảo, càng nhớ nhà, nhớ bố mẹ, ông bà. Tiễn chị, tôi líu ríu, bịn rịn, mất mát… y như ngày chị lấy chồng. Mẹ chạy theo nhét vào tay chị mấy quả cau già đỏ cả đầu, hẹn gặp chị mùa sau.

Những giấc mơ mùa hè của tôi hầu như đều trôi qua bình yên bên mấy gốc cau. Chọn hai cây cau giữa hàng, ông mắc cho tôi một chiếc võng đay. Hai đầu võng được cố định bằng một khúc cành ổi đã đẽo sạch vỏ. Trưa nào tôi cũng đưa cho võng bay cao tít rồi lăn ra ngủ. Trong những giấc trưa ngắn ngủi, chập chờn, tôi thấy chị vẫn ở nhà, hò hét giục tôi đi tắm rồi lạch bạch ra bờ giếng vừa kỳ lưng, vừa la mắng em. Tôi còn thấy mình chạy mải miết trên đê chờ đò vượt sông sang thăm chị. Tiếng bẹ cau rơi làm tôi tỉnh giấc. Vuốt vội mi mắt ướt, tôi rủ đám bạn sang làm mo cau. Đám trẻ chúng tôi dạng chân ngồi tỉ mẩn “tết” phần lá khô ở đầu bẹ làm tay nắm, rồi ba, bốn đứa “cưỡi” trên đầu bẹ giục đứa đang nắm phần lá khô kéo. Bị kéo quá mạnh, phần lá khô rách toạc, cả bọn ngã chổng vó… Tiếng cười lẫn tiếng hò hét ầm ĩ cả xóm. Một lần nghe tiếng bẹ cau rụng đánh bịch ngoài gốc cây, bà nội từ trong nhà lao ra nhặt vội. Cả nhà tôi “choáng” trước sự nhanh nhẹn bất thường của bà. Bà bảo, dành để làm quạt, lũ trẻ dùng chơi hoang phí quá (!). Bà chọn phần đẹp nhất của mo cau cắt thành hình cái quạt. Phần đầu quạt bà cẩn thận gấp nếp tạo độ cứng. Chọn ngày nắng bà phơi cho khô quắt rồi bảo bố tôi nhấc cái cối đá để góc sân cho bà ép quạt. Làm xong cái quạt mo, bà ưng ý lắm, đi đâu cũng mang theo phe phẩy. Bà bảo, ngồi không phe phẩy tí cho đỡ buồn, đỡ “tốn”… tiền điện. Già rồi, không làm được gì thì phải tiết kiệm cho con cháu. Bà gọi tôi lại bắt nằm lên đùi quạt cho mát. Tôi nằm trên đùi bà, hưởng hơi gió mát lành thoang thoảng mùi mo cau được nắng, mùi trầu thuốc thiu thiu ngủ. Trong giấc mơ của tôi, hương cau đang ngập tràn./.

Nguyễn Hoa Xuân  

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com