Xung quanh việc trùng tu các di tích lịch sử hiện nay

05:03, 06/03/2020

Di tích lịch sử văn hóa là tài sản vô giá, là linh hồn của dân tộc, là biểu trưng sinh động về quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của cha ông. Trải qua thời gian với sự tác động của thời tiết, nhiều di tích lịch sử văn hóa đã bị xuống cấp trầm trọng cần phải trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên vần đề trùng tu di tích đang gây nhiều băn khoăn khi nhiều di tích cổ sau khi được đầu tư trùng tu, tôn tạo đã không còn giữ được nét đẹp cổ kính và giá trị lịch sử vốn có. Trong đó có vụ trùng tu Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ - Hà Nội) gây xôn xao dư luận năm 2012 khi nhà tổ, gác khánh có tuổi đời nhiều trăm năm của chùa đã bị đập bỏ không thương tiếc để xây dựng thành di tích một ngày tuổi. Hay vụ trùng tu Di tích Dương Văn Lâu (Thừa Thiên - Huế) năm 2014 cũng đã để lại nhiều bài học xót xa. Trong những ngày đầu năm 2018, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An ngang nhiên xây dựng cây cầu dài cả nghìn mét đâm xuyên lõi di sản hỗn hợp Tràng An (Ninh Bình) đã làm “nóng” dư luận. Nguy cơ khu di sản hỗn hợp này bị UNESCO cho vào danh sách cảnh báo là rất lớn. Đó mới chỉ 3 trong rất nhiều di sản, báu vật quốc gia có kiến trúc độc đáo mang giá trị lịch sử và nghệ thuật đã bị trùng tu, chắp vá một cách sai nguyên tắc trong thời gian qua đang dẫn đến hậu quả không thể đo đếm hết khiến dư luận đặt câu hỏi về trình độ, trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn di tích ở các đia phương (!). Những cuộc trùng tu kiểu “phá hoại” đã và đang làm mất đi vẻ khiêm nhường tinh tế, những nét cổ kính, rêu phong của thời gian không dễ gì có được đang bị công nhiên lấy đi một cách phũ phàng. Những việc trùng tu, chắp vá sai nguyên tắc này đang làm những giá trị của lịch sử, quá khứ không thể nào lấy lại được. Sự mai một trong kiến trúc, kết cấu truyền thống của người Việt đang có nguy cơ bị mất đi bởi bàn tay của hậu thế khi nhiều di tích bị phá dỡ hầu hết các kết kiện cổ, đưa những hiện vật mới tinh vào thay thế khiến cho công trình thay đổi không thể nhận ra.

Dẫu biết, việc trùng tu tôn tạo là một việc cần làm để bảo vệ di sản trước sự tàn phá của thời gian. Tuy nhiên, việc trùng tu tôn tạo cần phải hạn chế mức tối đa sự pha trộn và lai tạp. Những giá trị mà tiền nhân để lại ở những kiến trúc rêu phong cổ kính đó chính là căn cước văn hóa giúp hậu thế nhận diện ra bản sắc Việt Nam. Một ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi bị tu sửa mà thiếu đi những dữ liệu khoa học, khảo cổ, ý kiến chuyên môn đồng nghĩa với sự phá hoại di sản. Sự phá hoại ấy đang làm mất đi rất nhiều cái độc nhất vô nhị như kiểu dáng, họa tiết hay sự bạc màu thời gian ở rất nhiều di sản của tiền nhân để lại. Vì vậy cần phải có những quy định rõ ràng, minh bạch trong hoạt động trùng tu di tích, trong đó nhất thiết phải tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, lịch sử, xác định được giá trị gốc của di tích trước khi tiến hành trùng tu để không làm sai lệch, hư hại đến những giá trị lịch sử của cha ông để lại./.

Phương Mai

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com