Đừng để "tiền mất, tật mang"

07:03, 01/03/2019

Đang làm việc tại công ty, nhận được tin báo vợ đi lễ về bị suy nhược nặng, phải đưa đi cấp cứu, anh Tuân vội xin phép quản đốc rồi phóng xe máy đến bệnh viện. Sau hàng giờ mê man, vợ anh dần dần tỉnh lại. Nhìn gương mặt hốc hác, mỏi mệt của vợ, anh Tuân xót xa:

- Thật mừng vì em đã “tai qua, nạn khỏi”. Từ nay em đừng vất vả đi hết chùa này đến chùa khác lễ bái, để rồi ra nông nỗi này (!).

Nghe chồng nói vậy, chị vợ anh Tuân bật dậy, tròn mắt nhìn chồng giận dỗi:

- Anh đừng báng bổ thần Phật mà mang họa. Em làm vậy cũng là vì gia đình…

Thấy vợ vẫn mê muội phản ứng, anh Tuân vừa thương vừa giận. Vợ chồng anh đều làm công nhân ở một doanh nghiệp may. Cưới nhau hơn chục năm, có hai mặt con, nhà thuê, đồng lương công nhân hạn hẹp, bố mẹ hai bên đều ở quê, không nhờ vả được gì nên cuộc sống của vợ chồng anh Tuân rất chật vật. Thấy bạn bè cùng trang lứa đứa giáo viên, đứa bác sĩ đều có nhà cửa đủ đầy, cuộc sống ổn định, vợ anh càng sốt ruột. Nghe mấy ông thầy bói nói mình có “căn”, phải năng cúng lễ thì việc làm ăn mới thuận lợi nên chị hay đi lễ chùa; phần vì tin ở thầy, phần vì cảm thấy những uẩn ức trong tâm hồn cũng được giải tỏa. Trước Tết, đi xem bói, thấy ông thầy phán năm nay chồng bị sao La Hầu, con gái lớn bị sao Kế Đô chiếu mạng, chị vô cùng hoảng loạn. “Nam La Hầu, nữ Kế Đô”(!). Theo như lời thầy thì năm nay chồng và con gái chị sẽ bị hạn nặng vì hai sao này là loại ám hư tinh, chẳng thấy được mặt trời. Vì vậy, sau Tết, chị xin nghỉ không lương theo bản hội đi hết chùa này đến đền khác cúng lễ để các vị hung tinh bớt tác oai tác quái, giáng họa cho chồng, con. Điều đáng nói là việc đi lễ giờ đây không đơn thuần là tâm thành, chỉ mất thời gian, công sức mà còn là chuyện tiền bạc. Ngoài chi phí cho xe cộ, ăn uống, để giải được sao nặng cho chồng, con, việc sắm lễ, dầu đèn, công đức ở mỗi chùa, chị cũng phải tiêu tốn tiền triệu…

Đi lễ chùa đầu xuân từ lâu đã trở thành nét văn hóa tâm linh trong đời sống của người dân. Bởi, đến với cửa chùa, mỗi người đều hướng tới những điều tốt lành, thiện nguyện. Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc đi lễ chùa đầu xuân đã bị biến tướng, trở thành hủ tục, mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh”. Nhiều người quan niệm càng cúng tiến nhiều tiền, lễ vật càng to thì ước nguyện sẽ nhanh chóng được thực hiện. Mới đây, trong một chương trình phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, một số nhà nghiên cứu và chức sắc Phật giáo đã giải thích rõ việc đến chùa, dâng sao giải hạn là phản khoa học, phản nhân quả; rằng việc cúng dâng sao giải hạn là theo nghi lễ của đạo Lão, không có trong giáo lý của nhà Phật nhưng nhiều người vẫn không tin. Theo hiệu ứng đám đông, người nọ truyền tai người kia kháo nhau chùa này chùa nọ thiêng rồi đổ xô đến cúng lễ giải hạn mà không hiểu bản chất thực sự là gì (!).

Và điều đáng buồn là chuyện chị vợ anh Tuân với niềm tin mù quáng tìm lối thoát cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình cũng như giải hạn cho chồng, con bằng việc tiêu tốn thời gian, công sức đi cúng lễ ở nhiều chùa để rồi “tiền mất, tật mang” không phải là trường hợp cá biệt./.

Đức Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com