Sức sống tranh tường nghệ thuật

08:01, 18/01/2019

Trong nghệ thuật hội họa, các tác phẩm tranh tường phong phú về chất liệu, cách thức thể hiện như: vẽ sơn, đắp thạch cao, ghép gốm, ghép đá… Với tư duy thẩm mỹ và bàn tay tài hoa, người họa sĩ đã biến những bức tường đơn điệu thành những tác phẩm tranh sinh động, cuốn hút, tạo điểm nhấn cho các công trình kiến trúc. 

Công trình tranh ghép gốm “Nam Định vẫy chào” của họa sĩ Dương Đức Điện.
Công trình tranh ghép gốm “Nam Định vẫy chào” của họa sĩ Dương Đức Điện.

Họa sĩ Dương Đức Điện có nhiều bức tranh ghép gốm nổi tiếng như: chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình mỹ thuật tranh tường ghép gốm màu đặt trước trụ sở Tỉnh ủy, Đền Liệt sĩ Hải Hậu, Nhà truyền thống máy Dệt… Họa sĩ Dương Đức Điện cho biết: Các tác phẩm tranh ghép gốm là tập hợp của nhiều mảnh gốm nhỏ với sắc màu đa dạng, được ghép lại theo một chủ ý nghệ thuật nhất định, có thể trưng bày cả trong nhà và ngoài trời, đặc biệt trên những mảng tường trang trí độc đáo, phù hợp cho các công trình thể thao, văn hóa, tôn giáo… Quy trình chế tác một bức tranh ghép gốm đòi hỏi nhiều công phu. Bắt đầu từ ý tưởng, họa sĩ phác thảo bức tranh mẫu với đầy đủ sắc màu dự kiến. Căn cứ tranh mẫu, họa sĩ phải đến cơ sở làm gốm uy tín để đặt hàng theo đúng yêu cầu. Với những bức tranh ghép gốm có kích thước lớn, họa sĩ phải bắt đầu công đoạn chia tranh thành nhiều mảng và cắt phác thảo. Các mảng tranh được kẻ trong khuôn tranh phác thảo và được đặt trên nền gạch. Bắt đầu công đoạn chế tác, căn cứ vào hình dạng cụ thể của từng mảng màu và tông màu, sắc độ màu của từng vị trí trên khuôn tranh phác thảo, họa sĩ dùng kìm bấm tạo hình chi tiết cho từng mảnh gốm, sau đó xếp các mảnh gốm cạnh nhau bằng cách đặt các mảnh ghép tạm thời lên một bề mặt có chất kết dính. Sau khi các tấm gốm đã cố định vào nhau, tiếp đến công đoạn ốp và ghép các mảng tranh gốm vào bức tường. Trước khi ốp, người họa sĩ kiểm tra diện tích, tường gắn tranh phải khô để ghép tranh, phải chịu tải được tranh ghép trên bề mặt… Để hoàn thiện một bức tranh gốm có thể có từ vài trăm đến hàng chục nghìn mảnh ghép tùy theo độ phức tạp, mỗi mảnh gốm thường chỉ nhỏ khoảng 0,5 đến 2cm nên đòi hỏi họa sĩ phải tập trung cao độ và kiên trì. Những mảnh gốm phong phú về hình dạng và màu sắc, nhưng sau khi ghép với nhau trên tường phải ăn khớp và tạo nên tổng thể hài hòa, nghệ thuật đúng như bản vẽ mẫu. Một trong những tác phẩm tranh tường ghép gốm làm nên tên tuổi của họa sĩ Dương Đức Điện là “Nam Định vẫy chào”. Bức tranh đặt đối diện trụ sở Tỉnh ủy năm 2004 với hàng nghìn mảnh gốm được ghép tinh xảo, nhìn tổng thể như cuốn sách mở, với 1 “trang” là hình tượng tháp Phổ Minh làm chủ đạo, ở giữa là hình tượng bông lúa vươn cao, “trang” còn lại là hình tượng các tầng lớp công nông binh dưới lá cờ Tổ quốc, phía dưới là sóng biển… 

Nếu như tranh tường ghép gốm kén người làm và chưa phổ biến thành dịch vụ để trang trí trong các gia đình thì tranh tường ghép đá hiện nay thu hút khá nhiều người mê tranh. Anh Minh Quân (36 tuổi), xã Thành Lợi (Vụ Bản) là người chuyên làm tranh tường ghép đá cho biết: Trong tranh ghép đá phải tìm được màu đá sẵn có để thể hiện ý tưởng chủ đề tác phẩm nên đòi hỏi người thợ phải rất công phu, tỉ mỉ chọn nguyên liệu. Các loại đá được dùng làm tranh đá ghép là đá tự nhiên, với nhiều hình thức và mẫu mã, màu sắc khác nhau như đá chẻ, răng lược, lồi, suối que… Các bức tranh tường ghép đá thường được lấy ý tưởng từ những điển tích và phù hợp phong cách kiến trúc của công trình như: tranh phong cảnh, đồng quê, thầy trò Đường Tăng, tranh trừu tượng… Điểm đặc biệt trong nghệ thuật tranh tường ghép đá, ngoài kiến thức về mỹ thuật, người làm tranh đá ghép phải có kiến thức nhất định về phong thủy ý nghĩa, tác dụng của từng loại đá để tư vấn cho khách hàng. Các công đoạn để làm bức tranh tường ghép đá khá cầu kỳ. Ban đầu là định hình bức tranh trên tường bằng những nét vẽ cơ bản, rồi đến việc dùng các dụng cụ cắt đá để tạo nên các mẫu vật. Ở mỗi khối trang trí, nghệ nhân phải dùng những loại đá với hình thù khác nhau. Đá và vật liệu được gắn kết lại bằng xi măng và phụ gia chuyên dụng. Khi đã hoàn thiện bức tranh thô, nghệ nhân tiếp tục sửa từng tiểu tiết rồi phủ lên đá một lớp sơn trong để tạo độ bóng và bền cho tranh. Anh Hồng Sơn (Thành phố Nam Định) là người có kinh nghiệm làm tranh tường ghép đá trên 10 năm nay chia sẻ: Một bức tranh tường ghép đá có giá trị thường được nhìn nhận ở góc độ nghệ thuật, ở sự đa dạng trong sử dụng và phối màu, cách chuyển cảnh tinh tế, độ sắc sảo của đường nét, sắc đá. Trung bình nếu một nghệ nhân làm tranh ghép đá có kích thước từ 3 đến 5m2 mất từ 4-6 ngày mới có thể hoàn thiện. Giá một bức tranh đá ghép dao động từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/m2 tùy theo từng loại đá mà khách hàng yêu cầu. Ngoài tranh tường ghép gốm, ghép đá, hiện nay trào lưu vẽ tranh trực tiếp trên tường được nhiều người lựa chọn. Anh Trần Đức Ngọc (35 tuổi), thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) là người có đam mê vẽ tranh tường cho biết: Nghệ thuật vẽ tranh tường mang lại cho không gian ngôi nhà vẻ đẹp độc đáo, cá tính, màu sắc tươi tắn, độ bền cao. Để có những mảng tranh tường đẹp phải đảm bảo các yêu cầu như tường, sơn, kỹ thuật vẽ của họa sĩ… Những bức tường để vẽ tranh phải nhẵn đến mức tối đa, không bị nứt, nấm mốc. Loại sơn chuyên dùng để áp dụng cách vẽ tranh tường phải đảm bảo có chất keo chắc sau khi khô, không phai và ít bị bạc màu. Các công đoạn vẽ tranh tường gồm: Tạo lớp sơn lót cho bức tường. Sau khi lớp lót khô ráo là bước phác thảo hình vẽ, kẻ ô lưới chia tỉ lệ theo mẫu tranh vẽ. Việc phác thảo theo quy tắc từ mảng lớn trước sau đó tới những mảng nhỏ, phân định không gian xa và gần, trung gian, tiếp đó tập trung vào những chi tiết chính của bức tranh. Để tạo chiều sâu cho bức tranh tường vẽ, họa sĩ lót sơn nền theo nguyên tắc từ xa tới gần. Khi đi vào chi tiết, họa sĩ sử dụng nhiều loại bút chuyên dụng như: bút vẩy cỏ, bút vẩy lá, bút vờn da người… Các chủ đề để vẽ tranh tường rất đa dạng như: Đồng quê Việt Nam, phong cảnh châu Âu, cá chép hóa rồng, cửu ngư quần nguyệt... Theo anh Ngọc, hiện nay nhu cầu chơi tranh tường đang thịnh hành và giá cả để vẽ tranh tường đa dạng dao động từ 110 nghìn đến 300 nghìn đồng/m2 tùy độ khó và chi tiết của chủ đề. Không chỉ sử dụng vẽ tranh tường ở các hộ gia đình, tranh tường còn được dùng làm mới không gian tại các quán cafe, các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, trường học… Ở Trường Trung học cơ sở Quang Trung (Vụ Bản) bức tường dài hơn 70m được các họa sĩ sáng tác nhiều tác phẩm với nội dung dễ hiểu, dễ tiếp cận đối tượng học sinh như: chung tay nhặt rác; biển, đảo quê hương; hãy chăm đọc sách… Bức vẽ “chung tay nhặt rác” với nền chủ đạo là màu xanh lá cây, nổi bật là chi tiết 4 nhân vật đang thu gom rác. Bức vẽ vừa đảm bảo về mặt thẩm mỹ vừa toát lên ý nghĩa kêu gọi các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo, các em học sinh cùng quan tâm hơn nữa tới việc giữ gìn, chung tay bảo vệ thiên nhiên, hướng tới một môi trường xanh - sạch - đẹp. 

Nghệ thuật làm tranh tường với những nét độc đáo có giá trị cao về mặt nghệ thuật, tinh tế về phong cách thể hiện, bền bỉ với thời gian đã thể hiện sức sáng tạo không ngừng của các họa sĩ, nghệ nhân. Những tác phẩm tranh tường đã góp phần tăng giá trị thẩm mỹ cho các công trình kiến trúc, làm phong phú sắc màu cho không gian sống hiện nay./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com