Nét mới trong xây dựng nếp sống văn hóa ở Giao Thủy

08:10, 01/10/2018

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nếp sống văn hóa, Huyện ủy Giao Thủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/HU ngày 14-5-2013 về “Thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện”. Cùng với việc xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của Huyện uỷ, UBND huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở cả 22 xã, thị trấn trong huyện. Nội dung kiểm tra gồm: kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, việc thực hiện các tiêu chí văn hóa NTM như: xây dựng hương ước; gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động văn hóa - thể thao ở cơ sở…; thị sát chấn chỉnh NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở một số khu dân cư; trao đổi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân về các quy định của quy ước NSVM hiện hành. Hiện nay, ở cả 332 xóm (TDP) trong huyện đều có hương ước, quy ước nếp sống văn hóa (NSVH). Thực tế cho thấy, phần lớn các xã, thị trấn sau khi đã hoàn thành việc xây dựng hương ước, quy ước, NSVH ở khu dân cư đã có chuyển biến tích cực. Hiện nay, thông qua vai trò của các tổ chức đoàn thể, các đám cưới được điều chỉnh bằng quy ước, hương ước xóm nên đã chuyển biến tích cực. Các thủ tục đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức. Một số địa phương đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” được huyện phát động; tiêu biểu như các xã Giao Hải, Giao Long, Hoành Sơn, Giao Thịnh, Thị trấn Quất Lâm… Trước đây, ở xã Giao Hải trong cỗ cưới, những người ngồi trong mâm chỉ ăn qua loa, phần lớn thức ăn còn lại sau đó được chia nhau mang về. Thực tế, khi chuẩn bị cỗ, gia chủ vừa phải làm những món cho khách ăn tại chỗ, vừa phải làm thêm những món cho khách mang về. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã Giao Hải khi triển khai chương trình xây dựng NTM đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, nhất là xóa bỏ tục ăn cỗ lấy phần. Đến nay, hầu hết các xóm trong xã đều đã quy định các gia đình khi tổ chức đám cưới, chỉ làm cỗ đủ ăn, không “làm thêm cỗ để chia phần” và “đi ăn cỗ không lấy phần”. Gia đình bà Nguyễn Thị Dung, xóm 12, là một trong những gia đình đi đầu trong việc thực hiện “Làm cỗ không lấy phần”. Bà Dung chia sẻ: Lúc đầu họp bàn về việc tổ chức đám cưới cho con gái theo cuộc vận động “Làm cỗ không lấy phần” gia đình bà lo lắng sẽ bị anh em, bà con hàng xóm chê cười. Tuy nhiên, sau khi tiệc cưới xong, họ hàng, làng xóm đều vui mừng, phấn khởi, đồng tình ủng hộ gia đình bà. Còn ở xã Giao Long theo “lệ” cũ, trong đám cưới gia chủ tổ chức từ 100-150 mâm cỗ, trung bình mỗi mâm thường đặt 6 khoanh giò nạc tương đương khoảng 1,5kg kèm theo đó đủ món vừa để ăn tại chỗ, vừa để “gói phần” mang về. Thực hiện quy chế nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội, bí thư chi bộ, xóm trưởng trực tiếp đến các gia đình có đám cưới tuyên truyền để gia đình hiểu, thực hiện. Đến nay, sau khi quy chế “vào” cuộc sống, các hộ dân trong xã Giao Long đều tự giác thực hiện. Ông Nguyễn Văn Bắc ở xóm 9 cho biết: “Thực hiện cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” so với trước đây mỗi mâm cỗ gia đình tôi giảm được hơn 200 nghìn đồng...”.

Bơi chải trong lễ hội truyền thống ở Giao Thuỷ.
Bơi chải trong lễ hội truyền thống ở Giao Thuỷ.

Ở Giao Thủy trong tổ chức lễ tang, các hủ tục lạc hậu như trống chung, khóc kèn, tế vong linh, rải giấy tiền trên đường đưa tang, nhiều vòng hoa phúng viếng… đã giảm đáng kể. Việc tổ chức đám tang được sự điều hành và giám sát chặt chẽ của ban tang lễ xã, thị trấn và ban giám sát của xóm, tổ dân phố. Tục làm cỗ tràn lan trong đám tang giảm nhiều so với trước đây, phần lớn các đám tang không mời khách ăn cơm, chỉ làm cơm cho người thân trong gia đình và những người trực tiếp hộ giúp đám tang. Nhiều khu dân cư ở các xã: Giao Hải, Giao Long, Giao Nhân, Giao Hà... còn thành lập các tổ giúp việc cộng đồng, hội hiếu để giúp đỡ các gia đình tổ chức tang lễ, qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đồng thời hình thành cơ chế giám sát cộng đồng trong thực hiện nếp sống văn hóa ở cơ sở. Ở xã Giao Hà, những năm 2000 còn tục mỗi gia đình có đám hiếu phải chuẩn bị khoảng 50 mâm cỗ để mời những người đến phúng viếng. Từ những bất cập trong đám tang tại địa phương, các xóm trong xã đã bổ sung các quy định về tổ chức lễ hội, tổ chức lễ cưới, lễ tang trong hương ước. Ban văn hóa xã và trưởng các xóm thường xuyên gặp gỡ các tổ chức tôn giáo, trưởng tộc phân tích, giải thích để vận động nhân dân cùng thực hiện. Hiện nay, trong các đám tang trên địa bàn xã đều sử dụng vòng hoa luân chuyển; việc khâm liệm, đưa tang đúng giờ quy định và nhất là tình trạng ăn uống linh đình đã không còn. 

Hằng năm trên địa bàn huyện Giao Thủy có gần 50 lễ hội lớn nhỏ; tiêu biểu như: lễ hội làng Hoành Nha, xã Giao Tiến, lễ hội làng Diêm Điền, xã Bình Hòa, lễ hội làng Hà Cát, xã Hồng Thuận... Thực tế công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của các tầng lớp nhân dân. Phần lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, cờ tướng, cờ người, bơi chải, đấu vật... kết hợp với tổ chức văn nghệ quần chúng. Ở nhiều lễ hội lớn, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra xử lý nghiêm các hiện tượng bói toán, mê tín dị đoan, nhất là các hình thức cờ bạc, trò chơi điện tử ăn tiền… Việc thực hiện tốt quy ước NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã tác động tích cực đến công tác xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”. Đến nay, toàn huyện có 87,9% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá - NTM”; 294/332 khu dân cư được công nhận và công nhận lại danh hiệu “Xóm, tổ dân phố văn hóa - NTM”, đạt tỷ lệ 87,35%; 319/332 khu dân cư thực hiện tốt quy chế về việc cưới, việc tang và lễ hội; 25/35 chùa đạt tiêu chuẩn chùa tinh tiến; 18/72 xứ, họ đạo đạt tiêu chuẩn xứ họ đạo tiên tiến…

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm các quy ước nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com