Gìn giữ nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu truyền thống

06:09, 21/09/2018

Những ngày này ở khắp các địa phương trong tỉnh, không khí đón Tết Trung thu đang nhộn nhịp, rộn rã, các CLB văn nghệ, đội múa tứ linh hăng say luyện tập các tiết mục để biểu diễn vào đêm hội trăng rằm. Các cơ sở sản xuất bánh, đồ chơi trung thu đang hoạt động hết công suất để sản phẩm kịp đến tay người tiêu dùng.

Dạo một vòng quanh các tuyến phố chính ở Thành phố Nam Định, dễ dàng thấy những gian hàng bày bán bánh Trung thu, các đồ chơi trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn lồng, đầu sư tử... Còn tại các nhà văn hóa, trường học, khu vui chơi cũng rộn ràng chuẩn bị chương trình “Đêm hội trăng rằm 2018”. Còn ở thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) vẫn lưu giữ nghề sản xuất đèn ông sao truyền thống. Hiện nay, cơ sở sản xuất đèn ông sao của gia đình ông Nguyễn Văn Bản ở xóm 1, thôn Báo Đáp luôn đông khách vì có nhiều mẫu mã đẹp, ngộ nghĩnh. Theo tìm hiểu, gia đình ông Bản là một trong nhiều hộ trong thôn có truyền thống làm nghề từ 2 đời trở lên. Hằng năm vào dịp Trung thu, gia đình ông Bản xuất từ 1 đến 3 vạn chiếc đèn ông sao. Năm nay, ngay đầu tháng Tám gia đình ông đã đổ buôn hơn 3 vạn chiếc đèn ông sao. Ông Bản cho biết: Nghề làm đèn ông sao cần sự công phu và say mê. Sản phẩm xuất ra thị trường vừa đảm bảo chất lượng, vừa có tính thẩm mỹ - một đặc trưng của đèn ông sao thôn Báo Đáp. Để chuẩn bị cho vụ sản xuất đèn ông sao người làm nghề phải bắt đầu từ đầu năm, khung đèn được làm sẵn rồi ép lại chất trong bếp hoặc trên gác, giấy bóng kính được cắt xếp gọn gàng, chờ đến khoảng tháng 5, tháng 6 mang ra sử dụng. Từ tháng 4 âm lịch, người dân trong làng đã ngâm tre nứa để chuẩn bị làm đèn. Sau khi vót nan xong, hình khối của chiếc đèn ông sao cũng được dựng lên theo khuôn. Đèn ông sao được chia làm 3 loại: Loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm và loại nhỏ 30cm. Do thôn Báo Đáp có nghề nhuộm, nên người dân mua những giấy bóng kính màu trắng về rồi tự tay ngâm, nhuộm giấy thành màu xanh đỏ, vàng. Cũng ở thôn Báo Đáp, gia đình bà Bùi Thị Vân, xóm 8, được biết đến là cơ sở sản xuất đèn ông sao với số lượng lớn. Hằng năm số lượng đèn xuất bán của cơ sở gia đình bà Vân lên tới 15-17 vạn chiếc. Riêng năm nay, đến thời điểm này bà Vân đã xuất 18 vạn chiếc đèn. Năm nay giá bán buôn mỗi chiếc đèn ông sao là 6.500 đồng/chiếc, cao hơn các năm trước từ 1.500-2.000 đồng/chiếc.

Đội múa lân xã Xuân Tân (Xuân Trường) tập luyện, chuẩn bị biểu diễn trong ngày Tết Trung thu.
Đội múa lân xã Xuân Tân (Xuân Trường) tập luyện, chuẩn bị biểu diễn trong ngày Tết Trung thu.

Không khí Tết Trung thu còn sôi động bởi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các đội múa tứ linh, CLB văn nghệ ở các địa phương trong tỉnh. Những ngày này CLB múa lân sư xã Hải Hưng (Hải Hậu) đang tất bật tập luyện, chuẩn bị các tiết mục múa phục vụ nhân dân. Được biết, nghệ thuật múa lân sư ở Hải Hưng đã có truyền thống gần 100 năm. Sau một thời kỳ dài mai một, năm 2000, ông Phạm Đức Triều, xóm 19 đã vận động một số người dân địa phương thành lập CLB múa lân sư. Nét đặc sắc của đội lân sư xã Hải Hưng là dưới sự điều khiển của người cầm ngọc, đội có thể biến hóa nhiều kiểu múa, khi “lắc đầu, vẫy đuôi”, lúc thành hàng một, lúc thành hàng đôi, đầu và đuôi rồng tương hợp với nhau, uốn khúc phóng đi hay đảo lại nhịp nhàng uyển chuyển… Đội lân sư xã Hải Hưng có điệu múa rồng chầu đã trở thành “đặc sản”, được nhân dân háo hức đón xem trong mỗi dịp Tết Trung thu ở địa phương.

Còn ở xã Hải Phúc có đội múa lân được thành lập năm 2011 với tên gọi Hoàng Kỳ Lân, thành viên trong đội là các em trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Ngoài niềm đam mê, sáng tạo và cảm thụ âm nhạc, các thành viên trong đội với sức trẻ đã hăng say luyện tập những kỹ thuật khó để thể hiện nét tính cách, hùng khí và sự dũng mãnh của lân. Vào dịp Tết Trung thu năm nay, đội đã chuẩn bị 5 đầu lân biểu trưng cho ngũ sắc kết hợp biểu diễn các bài: “Ngũ lân tranh hùng”, “Ngũ lân sum vầy”... Ở xóm Bến, xã Thành Lợi (Vụ Bản) vào dịp Tết Trung thu, các bậc cao niên trong làng lại tất bật công việc làm rồng mây. Quy trình làm rồng mây đòi hỏi sự công phu, khéo léo của nghệ nhân từ khâu chọn nguyên liệu đến khi hoàn thành. Để hoàn thiện một con rồng mây, phải cần 2 người làm chính và 10 người phụ trong 2 ngày. Rồng mây xóm Bến có độ óng ả, mượt mà màu xanh của lá, nhìn có “hồn” và rất thật… Sau những ngày lao động vất vả người dân nơi đây lại háo hức chờ đợi đến dịp Tết Trung thu để được thưởng ngoạn những màn múa rồng đặc sắc. Ở huyện Xuân Trường, các đội văn nghệ ở các xã Xuân Ninh, Xuân Tân, Xuân Hồng, Xuân Tiến, Xuân Kiên... đang tích cực chuẩn bị các tiết mục biểu diễn trong “Đêm hội trăng rằm”. CLB đàn và hát dân ca xã Xuân Tân do Hội Phụ nữ xã sáng lập với gần 30 thành viên. Để chuẩn bị tham dự biểu diễn văn nghệ dịp tết Trung thu năm nay, CLB đang luyện tập các tiết mục hát múa “Duyên quan họ”, hát chèo làn điệu Tứ quý... Ở huyện Mỹ Lộc, các hạt nhân văn nghệ ở Thị trấn Mỹ Lộc và các xã Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Tân, Mỹ Hưng, Mỹ Phúc, Mỹ Thành đang tất bật hướng dẫn các em thiếu niên, nhi đồng tham gia biểu diễn các tiết mục nghệ thuật trong đêm hội trăng rằm năm 2018. Tiêu biểu như ở xã Mỹ Thắng là hai anh em thầy giáo dạy nhạc Trần Hồng Hải, Trần Hồng Đăng. Con gái của anh Hải, là cháu Minh Nguyệt (13 tuổi) từng lọt vào tốp 18 thí sinh xuất sắc trong cuộc thi The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí) trên VTV3 năm 2016. Năm nay, Minh Nguyệt cùng các em thiếu niên, nhi đồng ở xóm đang luyện tập tích cực để biểu diễn vào đêm hội trăng rằm ở xóm và xã.

Những năm qua nhiều cơ quan, đơn vị các cấp trong tỉnh đã quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, giúp các em hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Tết Trung thu; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, trẻ em lang thang cơ nhỡ; tuyên dương thiếu niên, nhi đồng có thành tích cao trong học tập; tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT, Hội trại thu, Đêm hội trăng rằm... Các địa phương tổ chức trại thu cho thiếu niên, nhi đồng với các hoạt động: thi cắm trại nhanh, đẹp, đồng diễn thể dục nhịp điệu, thi Nghi thức Đội, múa hát, thi vẽ tranh, thi kể chuyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm báo tường, báo ảnh... Ở xã Trực Chính (Trực Ninh), hằng năm xã đều dành 20-30 triệu đồng và vận động nhân dân tham gia đóng góp tạo thêm nguồn lực chăm lo cho trẻ em. Riêng dịp Tết Trung thu hằng năm, xã tổ chức trại thu với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi như: diễu hành, thi nghi thức Đội, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian tạo sân chơi hấp dẫn, bổ ích cho trẻ em. Vào dịp Tết Trung thu, xã Trực Khang (Trực Ninh) phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp, tạo nguồn lực tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em; tổ chức đi thăm, tặng quà, động viên các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phát thưởng cho các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Ở xã Yên Cường (Ý Yên), vào dịp Tết Trung thu đều tổ chức cắm trại tại sân vận động của xã, thu hút hàng nghìn thiếu niên, nhi đồng của 25 thôn, xóm tham gia, với nhiều hoạt động sôi nổi như: diễu hành duyệt đội ngũ, các trò chơi dân gian, thi cắm trại đẹp, biểu diễn văn nghệ.

Tết Trung thu là dịp gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua các đồ chơi như đèn ông sao, đèn lồng, các loại bánh nướng, bánh dẻo... Các hoạt động vui chơi được tổ chức đa dạng, kế thừa những tinh hoa của Tết Trung thu truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com