Đề tài Thương binh - Liệt sĩ trong sáng tác của các tác giả Nam Định

06:07, 27/07/2018

Đề tài Thương binh - Liệt sĩ luôn là niềm cảm hứng sáng tạo của các văn nghệ sĩ ở các bộ môn nghệ thuật thuộc Hội VHNT tỉnh. Nội dung các tác phẩm đều tập trung tôn vinh sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Ở bộ môn Thơ nhiều tác giả có thơ về đề tài Thương binh - Liệt sĩ trong các tập thơ đã được xuất bản. Tiêu biểu như các tác giả: Phạm Trọng Thanh, Bình Thanh, Trần Thị Bích Liên, Nguyễn Hồng Vinh, Nguyễn Thấn, Trần Thị Nhật Tân, Trần Văn Lợi... Nhà thơ Phạm Trọng Thanh (76 tuổi) từng là chiến sĩ thuộc đơn vị H4, Ðoàn 770 Ðông Nam Bộ nên ông thấu hiểu những gian lao, hy sinh anh dũng của đồng đội. Trong phần lớn thời gian cầm bút, ông luôn trăn trở sáng tác nhiều bài thơ chất lượng về đề tài Thương binh - Liệt sĩ. Năm 2017, tập thơ “Ðêm gọi dậy sao trời” của Phạm Trọng Thanh đạt giải khuyến khích trong cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh - Liệt sĩ do Bộ LÐ-TB và XH, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Trong đó bài thơ “Ðèo” sáng tác năm 1976 được lấy cảm hứng từ chuyến thăm khu vực mà liệt sĩ - thầy giáo Trần Hữu Ðức hy sinh năm 1973 tại mặt trận Quế Sơn tỉnh Quảng Nam. Bài thơ được viết theo thể lục bát gợi sự thương nhớ nhưng cũng rất đỗi tự hào: “Ðỉnh trời mây trắng giăng ngang/ Triệu năm sóng biển cây ngàn ùa reo/ Dắt em chiều bước qua đèo/ Lòng ta thương bạn hồn neo góc rừng”. Bài thơ “Gọi thầm” tác giả sáng tác năm 1979 khi thăm Nghĩa trang Trường Sơn với ngôn từ da diết tái hiện sự mất mát, thương đau “Gọi thầm người chẳng còn thưa/ Chớp giăng biển bắc mưa xa đỉnh ngàn/ Dọc hàng bia mộ nghĩa trang/ Nhớ từ nắm cỏ chân nhang nhớ về”. Với tác giả Trần Văn Lợi, gần đây, anh đã sáng tác chùm thơ về đề tài Thương binh - Liệt sĩ gồm: “Mười vầng mây trắng Trọ Voi”, “Khóc một giấc mơ” và được tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ “Mười vầng mây trắng Trọ Voi” viết về hình tượng mười cô gái Thanh niên xung phong ở Ngã ba Ðồng Lộc anh dũng hy sinh. Bài thơ có đoạn gây ám ảnh cho người đọc: “Áo khăn còn dở đường thêu/ Tiếng bom khoét hố vào chiều bình yên/ Cười chưa hết tuổi hồn nhiên/ Chiến tranh vùi xuống một miền hồng nhan...”. Bài thơ “Khóc một giấc mơ” được tác giả lấy cảm hứng từ câu chuyện của một Thanh niên xung phong cùng quê. Bài thơ viết theo thể tự do, thể hiện sự cảm phục và cảm thương về nữ Thanh niên xung phong phải sống lẻ bóng trọn đời. Bài thơ có đoạn gây xúc động cho người đọc như: “... Lặng thầm khoai lúa hiểu không?/ Làm sao xanh lại nỗi lỡ thì mùa vụ/ Còn được bao nhiêu tiếng cười/ Chị đem chia hết cho bầy trẻ nhỏ...”.

Tác phẩm “Yên nghỉ trên đất mẹ” của họa sĩ Phạm Quyền.
Tác phẩm “Yên nghỉ trên đất mẹ” của họa sĩ Phạm Quyền.

Ðề tài Thương binh - Liệt sĩ cũng là mạch nguồn xuyên suốt của nhiều tác giả văn xuôi Nam Ðịnh; tiêu biểu như: Nguyễn Ðức Hòe, Nguyễn Bổng, Lã Thanh An, Lưu Tuấn Hùng, Mai Tiến Nghị, Lê Hà Ngân... Tác giả Nguyễn Ðức Hòe với những truyện ngắn “Người nuôi ong”, “Chuyện của Huệ”, “Bông trà mi nở muộn”, “Thầy giáo Nguyên”… viết về những người thương binh trên mặt trận lao động sản xuất vẫn phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hai truyện ngắn “Người nuôi ong” “Bông trà mi nở muộn” của ông in trong tập “Chuyện tình thời mở cửa” NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2016, đã được trao giải Khuyến khích Giải thưởng văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh năm 2016. Tác giả Lê Hà Ngân từng đạt giải Ba cho tập tuỳ bút “Rượu Son” khi tham gia dự thi cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài Thương binh - Liệt sĩ và người có công nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017). Tập tùy bút với 17 tác phẩm viết về những người lính nằm lại chiến trường, về những người mẹ, người vợ chịu nhiều mất mát đau thương, về những người thương binh trở về hoà nhập cuộc sống và vươn lên bằng nghị lực của mình. Những bài viết của Hà Ngân chủ yếu lấy chất liệu từ cuộc sống miền chân sóng Hải Hậu, tiêu biểu như: “Người nhóm lửa vạn chài”, “Khói về trời”, “Rượu son”, “Người gánh dọc cơn mưa”, “Triều nghén nước”, “Chị ngồi đan lưới đợi ai”...

Trong lĩnh vực hội họa, nhiều tác giả đã thể hiện thành công về đề tài Thương binh - Liệt sĩ, tiêu biểu như các họa sĩ: Phạm Quyền, Vũ Xuân Dương, Vũ Thị Hường, Vũ Minh, Nguyễn Thị Nga... Các tác phẩm hội họa về đề tài Thương binh - Liệt sĩ của họa sĩ Phạm Quyền chủ yếu được vẽ bằng chất liệu tổng hợp với cách sử dụng kỹ thuật gờ nổi, tút tát…, thể hiện chất cảm trên mặt tranh bằng tư duy mạch lạc, sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm tạo ấn tượng cho người xem như: “Lặng lẽ”, “Trụ cầu bất tử”, “Trạm giao liên thời bom đạn”, “Những linh hồn còn lại trên dãy Trường Sơn”, “Yên nghỉ trên đất mẹ”, “Mất mát”... Tác phẩm “Những linh hồn còn lại trên dãy Trường Sơn” được họa sĩ Phạm Quyền vẽ năm 2015 với chất liệu sơn dầu. Gam màu chủ đạo ở giữa bức tranh là màu vàng, đỏ, bao quanh là màu xanh lá cây bạt ngàn. Ðiểm nhấn của tác giả là hình ảnh lư hương trước cửa hang nghi ngút khói quyện lại như linh hồn của những thanh niên xung phong đã hy sinh. Tác phẩm “Yên nghỉ trên đất mẹ” được ông vẽ năm 2006 với nội dung đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Tác phẩm với gam màu nóng kết hợp với gam trầm vừa toát lên sự ấm áp khi cả gia đình quây quần bên nấm mộ liệt sĩ, vừa gợi sự trầm buồn. Hình ảnh Bà mẹ VNAH sau bao năm tìm kiếm hài cốt bây giờ đứng trước mộ con gây xúc động và ám ảnh cho người xem. Hầu hết các tác phẩm vẽ về đề tài Thương binh - Liệt sĩ của họa sĩ Phạm Quyền đều được trưng bày tại các Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Họa sĩ Vũ Tuấn Việt sinh năm 1992, là thế hệ trẻ, không được chứng kiến sự hy sinh mất mát từ các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc nhưng qua các bài học lịch sử và trực tiếp tham gia các chiến dịch tình nguyện giúp đỡ trẻ em chất độc da cam đã tạo sự trăn trở trong các sáng tác của anh. Với phong cách vẽ hiện đại theo mô tuýp lập thể, đề cao yếu tố cảm xúc, phản ánh hình tượng nghệ thuật thông qua cách vẽ gợi hình, gợi ý, Tuấn Việt là làn gió mới cho hội họa Nam Ðịnh. Các tác phẩm của anh như “Ký ức chiến tranh”, “Ám Ảnh” đều khắc họa rõ nét những di chứng khốc liệt của chất độc da cam đi-ô-xin. Tác phẩm “Ký ức chiến tranh” của anh được chọn Triển lãm Mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng năm 2018. Với bố cục dàn trải, sắp xếp chi tiết nhân vật bằng những đặc trưng như mặt mũi, chân tay nằm trong các mảng liên kết tạo khối bề mặt. Gam màu chủ đạo tác phẩm là da cam, biểu đạt sự đau đớn, quằn quại, phản ánh sự tàn khốc và tội ác của quân thù đã gây ra. Tác phẩm “Ám ảnh” bố cụ chiều dọc với nền trời màu đỏ da cam, những căn nhà đổ nát hoang tàn, những đứa trẻ bị tàn tật do hậu quả chiến tranh, những người cha, người mẹ âm thầm đau khổ dõi theo di chứng của con... Tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội năm 2018.

Các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Thương binh - Liệt sĩ của các văn, nghệ sĩ Nam Ðịnh mang âm hưởng ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giúp thế hệ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông, tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com