Nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng

06:04, 20/04/2018

Hệ thống thư viện ở tỉnh ta bao gồm Thư viện tỉnh, 10 thư viện huyện, thành phố, 1.342 thư viện, phòng đọc cơ sở. Tổng số sách toàn hệ thống thư viện gần 200 nghìn bản và trên 200 loại báo, tạp chí... Những năm qua, các thư viện trong tỉnh thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Để phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của nhân dân, Thư viện tỉnh đã thực hiện tốt công tác xây dựng vốn tài liệu bằng cách tiết kiệm nguồn kinh phí cấp ở địa phương, tranh thủ các nguồn hỗ trợ bằng sách của các cơ quan Trung ương và chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, Thư viện tỉnh đã bổ sung gần 4.000 bản sách, 130 loại báo, tạp chí nâng tổng số sách hiện có trong thư viện lên 110 nghìn cuốn và 150 loại báo, tạp chí. Sách, báo, tạp chí được bổ sung theo nguyên tắc đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu bạn đọc hiện tại và có giá trị lưu trữ thông tin sử dụng lâu dài. Hiện nay, Thư viện tỉnh tổ chức 5 phòng đọc tại chỗ gồm: Phòng đọc Tổng hợp, Phòng đọc Điện tử, Phòng đọc Báo - Tạp chí, Phòng đọc Thiếu nhi và Phòng Mượn sách. Các phòng đọc mở cửa phục vụ từ thứ ba đến thứ bảy hằng tuần phù hợp thời gian của bạn đọc. Ngoài ra, Thư viện tỉnh thường xuyên đổi mới phương thức nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, cải tiến thủ tục cấp thẻ, quy định mượn trả tài liệu. Đến nay, tổng số thẻ bạn đọc cấp đổi là 2.000 thẻ, mỗi ngày trung bình có trên 200 lượt bạn đọc đến thư viện đọc sách báo, tra cứu thông tin. Để mạng lưới thư viện từ tỉnh đến cơ sở phát triển, Thư viện tỉnh đã phối hợp với các thư viện cấp huyện, thư viện cơ sở tổ chức tốt các đợt luân chuyển sách và phục vụ lưu động đến khối trường học, khối các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, Thư viện tỉnh đã tổ chức luân chuyển gần 10 nghìn cuốn sách xuống các thư viện huyện, phòng đọc cơ sở và các điểm bưu điện văn hóa xã. Ngoài ra, Thư viện tỉnh thường xuyên cử cán bộ xuống Thư viện huyện, tủ sách cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thư viện; hỗ trợ cài đặt phần mềm thư viện, xử lý nghiệp vụ sách báo cho một số trường học trên địa bàn Thành phố Nam Định như thư viện các trường: THPT Nguyễn Khuyến, THPT chuyên Lê Hồng Phong, THCS Trần Đăng Ninh...

Các em nhỏ đọc sách tại Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2017.
Các em nhỏ đọc sách tại Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2017.

Cùng với Thư viện tỉnh, các Thư viện huyện, thành phố, tủ sách cơ sở và 3 thư viện tư nhân đều hoạt động hiệu quả. Thư viện huyện Xuân Trường hiện có gần 5.500 bản với gần 2.600 đầu sách sách, báo, tạp chí thuộc nhiều chủng loại. Một số đầu sách có số lượng nhiều như: Văn hóa và đời sống gần 500 bản, sách kỹ thuật nông nghiệp có khoảng 200 bản, truyện trên 1.000 bản… Bên cạnh đó, Thư viện huyện lựa chọn, bổ sung kịp thời những cuốn sách, báo, tạp chí có nội dung tư tưởng và nghệ thuật phù hợp với tính chất, đặc điểm và đối tượng bạn đọc. Để duy trì và phát triển số lượng độc giả, Thư viện mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách vào các ngày lễ, tết, dịp hè… Thư viện còn phối hợp với các trường tiểu học, THCS ở các xã: Xuân Kiên, Xuân Ninh, Xuân Tiến, Xuân Hồng, Xuân Hoà, Xuân Vinh, Thị trấn Xuân Trường… để tổ chức các giờ học ngoại khoá, hội thi kể chuyện sách cho học sinh trong dịp hè, tạo sân chơi bổ ích cho các em. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, Thư viện huyện thường xuyên hoàn thiện cơ sở vật chất, mở rộng không gian đọc, mua sắm hệ thống: bàn, ghế, quạt, đèn đầy đủ, đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tìm đọc và tra cứu thông tin của bạn đọc. Công tác trưng bày, phân loại các đầu sách, báo, tạp chí thuộc các lĩnh vực: văn hoá, y tế, giáo dục, kinh tế, lịch sử… được bố trí hợp lý để bạn đọc dễ dàng tìm đọc. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trong lĩnh vực thư viện, thời gian qua, Thư viện huyện Xuân Trường đã triển khai thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ, luân chuyển sách, báo cho các bưu điện văn hoá xã, tủ sách NVH thôn, xóm, tủ sách khu dân cư và tủ sách trường học với số lượng khoảng gần 500 bản sách. Huyện Hải Hậu là một trong số ít địa phương trong tỉnh “phổ cập” tủ sách cơ sở tới từng NVH. Các NVH đều được trang bị tủ sách với đa dạng các loại sách thuộc các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, văn hóa, nông nghiệp. Kinh phí xây dựng các tủ sách phần lớn do nhân dân đóng góp. Ở Thị trấn Cồn, Hội CCB thị trấn đã vận động nhân dân tặng sách và tổ chức mở cửa vào các ngày trong tuần để phục vụ nhân dân. Đến nay, 16 tủ sách NVH ở các tổ dân phố của thị trấn đều phát huy hiệu quả hoạt động, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, để người dân phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức. Ở xã Hải Trung 19 xóm đều có tủ sách với tiêu chuẩn tối thiểu 200 cuốn/1 tủ sách. Ở xóm 10, xã Hải Trung người dân đã tích cực đóng góp vào tủ sách các đầu sách hay, các ấn phẩm của Báo Nam Định, Báo Nhân Dân để phục vụ cán bộ và nhân dân trong xóm. Đến nay, tủ sách NVH xóm 10, xã Hải Trung có gần 500 cuốn sách... Ở huyện Ý Yên nhiều xã, thị trấn đã tổ chức và duy trì hoạt động các tủ sách pháp luật, tủ sách của các NVH thôn. Toàn huyện hiện có 32 tủ sách ở 32 xã, thị trấn, mỗi tủ sách có hàng trăm đầu sách ở nhiều lĩnh vực. Một số xã trong huyện còn duy trì việc luân chuyển sách từ tủ sách pháp luật tới điểm bưu điện văn hóa xã và NVH ở các thôn, xóm để có thêm nhiều loại sách, báo, tạp chí phục vụ nhu cầu người đọc… Tiêu biểu như xã Yên Ninh có tủ sách công cộng với hơn 200 đầu sách được đặt tại NVH xã, thuận tiện cho cán bộ và nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu. Xã Yên Khánh, ngoài tủ sách pháp luật của xã, các NVH thôn đều có tủ sách. Các đầu sách ở các NVH thôn thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng nhiều nhất là các tài liệu về hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Bên cạnh hệ thống thư viện công lập trên địa bàn tỉnh còn có nhiều thư viện tư nhân và tủ sách phục vụ cộng đồng như: Tủ sách tư nhân của bác Đặng Văn Khảm (Hải Hậu), Thư viện tại Bảo tàng Đồng Quê (Giao Thủy), Tủ sách dòng họ, Tủ sách lớp em, Tủ sách giáo xứ, Tủ sách Hậu phương quê hương chiến sĩ... Để khuyến khích phong trào đọc sách, nhiều năm qua, Thư viện tỉnh đã có chương trình tri ân, tặng sách cho bạn đọc thân thiết; tổ chức các hội thi kể sách… đã thu hút đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi tham gia. Ở Vụ Bản, hằng năm, Phòng VH, TT phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện duy trì hội thi giới thiệu sách dành cho thiếu nhi vào dịp hè để các em có thêm niềm say mê đọc sách. Phòng VH, TT các huyện Trực Ninh, Ý Yên cũng tổ chức thi đọc sách cho học sinh dưới dạng trả lời câu hỏi; tổ chức các buổi giao lưu, tuyên truyền giới thiệu sách theo các chủ đề: ATGT, phòng, chống tai tệ nạn xã hội… tới từng xã trong huyện. Các xã: Phương Định (Trực Ninh), Liên Bảo, Minh Tân (Vụ Bản) đã thành lập CLB đọc sách, báo với hàng chục hội viên tham gia, góp phần khơi dậy văn hóa đọc của người dân. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta thường xuyên tổ chức các hoạt động nhân “Ngày Sách Việt Nam”, nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về văn hoá đọc, giúp người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của sách đối với việc phát triển tri thức; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và đoàn thể đối với việc sáng tác, quảng bá, lưu giữ sách trên địa bàn tỉnh. Năm nay, Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định diễn ra trong 5 ngày từ 27-4 đến 1-5-2018 tại Quảng trường 3-2 với nhiều hoạt động như triển lãm “Đất học Nam Định xưa và nay”; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sách và các sản phẩm, dịch vụ; chương trình nói chuyện chuyên đề “Tri thức - Chìa khóa khởi nghiệp”; chương trình giao lưu “Bạn đã đọc sách như thế nào?”... Các hoạt động bổ ích trong chương trình Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định sẽ là “cú hích” để nâng cao nhận thức về văn hóa đọc trong nhân dân.

Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện trong tỉnh cùng với các tủ sách NVH thôn, xóm, tổ dân phố được xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa, dân trí, là cơ sở cho việc xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật của người dân. Để văn hóa đọc tiếp tục đi vào cuộc sống, ngoài yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động hệ thống thư viện từ tỉnh tới huyện, rất cần sự chung tay của các địa phương, trường học trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân và học sinh về tầm quan trọng của việc đọc sách. Có như vậy, chất lượng văn hóa đọc trong cộng đồng mới được nâng lên, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com