Hải Phúc xã hội hóa các hoạt động văn hóa

05:11, 04/11/2017

Đến nay, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở xã Hải Phúc (Hải Hậu) đã đi vào chiều sâu. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, các xóm đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Hiện nay, xã có 1 đội chèo, 1 đội múa lân, 1 đội múa sư tử, 1 hội kèn và 15 đội văn nghệ xóm biểu diễn thường xuyên với đa dạng các tiết mục mang đặc trưng của người dân vùng biển. Đã thành lệ, vào ngày cuối tuần trong ngôi nhà của chị Phạm Thị Oanh, xóm 5, xã Hải Phúc, các thành viên đội múa lân lại tổ chức giao lưu, luyện tập. Chị Oanh, người bảo trợ hoạt động đội múa lân cho biết: Năm 2011, đội múa lân được thành lập với tên gọi Hoàng Kỳ Lân, thành viên là các em trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Ngoài niềm đam mê, sáng tạo và cảm thụ âm nhạc, các thành viên trong đội với sức trẻ đã hăng say luyện tập những kỹ thuật khó để thể hiện nét tính cách, hùng khí và sự dũng mãnh của lân. Đến nay, đội đã có 5 đầu lân biểu trưng cho ngũ sắc kết hợp biểu diễn các bài như “Ngũ lân tranh hùng”, “Ngũ lân sum vầy”... Đội biểu diễn trong các dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, Tết Trung thu, phục vụ khai trương cửa hàng...

Đội Hoàng Kỳ Lân, xóm 5, biểu diễn trong Ngày hội văn hóa - thể thao huyện Hải Hậu năm 2017.
Đội Hoàng Kỳ Lân, xóm 5, biểu diễn trong Ngày hội văn hóa - thể thao huyện Hải Hậu năm 2017.

Ở xóm 4, xã Hải Phúc, đội múa sư tử do ông Nguyễn Văn Phượng làm đội trưởng được thành lập cách đây gần 10 năm. Ông Phượng cho biết, vào những ngày lễ lớn hoặc Tết Trung thu hay dịp lễ hội ở địa phương, đội múa sư tử của ông thường kín lịch mời biểu diễn. Trong những ngày xuân, tiếng trống rộn ràng, nhịp múa sư tử khỏe khoắn, vui mắt cuốn hút người xem, các em nhỏ thích thú reo hò, đi theo đội sư tử vừa xem vừa học hỏi từ cách gõ trống, thanh la… Trống trong múa sư tử được đánh theo nhịp khác với múa lân nên đòi hỏi người đánh trống phải có kinh nghiệm cầm nhịp. Đội múa sư tử xóm 4 hiện có 2 tay trống kỳ cựu là cụ Nguyễn Cảm (75 tuổi) và ông Vũ Huỳnh (47 tuổi). Anh Đoàn Hợp, người chuyên múa đầu sư tử xóm 4 cho biết: Khi nhập cuộc, người múa phải thể hiện đúng tính cách của một con sư tử. Mỗi đoạn diễn đều thể hiện những tính cách khác nhau của sư tử; lúc hung dữ vồ mồi, lúc âu yếm bên con… Ngoài ra múa sư tử không chỉ đòi hỏi kỹ thuật diễn mà cần phải có một thể lực tốt và am hiểu võ thuật để thể hiện các động tác cương nhu, hài hòa của sư tử…

CLB chèo xã Hải Phúc được thành lập năm 2009 do bà Trần Thị Hùng làm chủ nhiệm, hoạt động trên tinh thần tự nguyện đóng góp của các thành viên. Đến nay, CLB có đầy đủ trang phục, đạo cụ... Trong CLB có các cặp vợ chồng cùng tham gia biểu diễn nên tạo sự ăn ý trên sân khấu như vợ chồng bác Đỗ Thế Dương - Phạm Thị Như, bác Đỗ Việt Hùng - Trần Thị Hiền. Với nhiều thành viên biết sáng tác, viết lời cho các làn điệu chèo như các ông: Phạm Tuyên, Lã Thanh An nên các tiết mục biểu diễn của CLB luôn phản ánh kịp thời các vấn đề thời sự ở địa phương. Đến nay CLB đã dàn dựng các hoạt cảnh chèo phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt và công cuộc xây dựng NTM của nhân dân trong xã. CLB thường biểu diễn ở lễ hội các di tích đình, chùa, giao lưu với CLB NCT các xã Hải Hà, Hải Lộc và nhiều năm liền đại diện cho xã Hải Phúc tham gia các chương trình liên hoan văn nghệ, hội diễn của huyện Hải Hậu.

Hội kèn đồng giáo xứ Phú Hải, xã Hải Phúc tập hợp hơn 100 thành viên ở mọi lứa tuổi. Với bề dày truyền thống, các thành viên trong hội kèn đồng giáo xứ Phú Hải có khả năng phô diễn các kỹ thuật biểu diễn khó… Đến nay, hội đã biểu diễn thành công nhiều ca khúc cách mạng như “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Không chỉ chú trọng đầu tư mua sắm thêm nhạc cụ, soạn những bản nhạc mới có nội dung phù hợp để phục vụ xã hội, hội kèn giáo xứ Phú Hải còn quan tâm bồi dưỡng, đào tạo thế hệ kế cận tiếp nối. Trong hội cụ Đinh Phúc Thành chuyên tổ chức các lớp dạy kèn cho học sinh trong dịp hè. Hội kèn đồng hoạt động sôi nổi nhất vào dịp đầu xuân như phục vụ các lễ mừng thọ, lễ hội trong và ngoài xã. Thông qua các buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hội diễn văn nghệ quần chúng, hội kèn giáo xứ Phú Hải đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, về Đảng, Bác Hồ kính yêu, bồi đắp tình làng nghĩa xóm, động viên nhân dân cùng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đồng chí Nguyễn Văn Then, Chủ tịch UBND xã Hải Phúc cho biết: Từ việc đẩy mạnh xã hội hóa, hệ thống thiết chế văn hóa của xã được đầu tư đồng bộ, đã góp phần đưa phong trào văn nghệ quần chúng của xã phát triển. Đến nay cả 15 xóm trong xã đều có NVH, sân thể thao. Kinh phí duy trì các hoạt động ở NVH xóm chủ yếu do nhân dân tự nguyện đóng góp. Để động viên, khích lệ phong trào, hằng năm xã đều tổ chức các hoạt động hội diễn, biểu diễn văn nghệ nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com