Đề tài thương binh - liệt sĩ trong các sáng tác của văn nghệ sĩ Nam Định

05:07, 22/07/2017
Trong lao động sáng tạo nghệ thuật, đề tài thương binh - liệt sĩ luôn được các văn nghệ sĩ thuộc các bộ môn nghệ thuật trong tỉnh quan tâm và đã đạt được những thành công nhất định.
 
Trong lĩnh vực hội họa, nhiều tác giả đã thể hiện khá thành công về đề tài thương binh - liệt sĩ, tiêu biểu như các họa sĩ: Phạm Quyền, Vũ Xuân Dương, Vũ Thị Hường, Vũ Minh, Nguyễn Thị Nga... Họa sĩ Phạm Quyền có nhiều tác phẩm tạo được ấn tượng cho người xem, tiêu biểu như: “Lặng lẽ”, “Trụ cầu bất tử”, “Bóng chùa giỗ đồng đội”,  “Vượt qua vùng đi-ô-xin”, “Hương khói Ngã ba Đồng Lộc hôm nay”, “Hang Tám Cô”, “Không số phận”, “Vết thương”... Tác phẩm “Trụ cầu bất tử” thể hiện hình tượng những cô gái thanh niên xung phong (TNXP)ở miền Tây Nam Bộ ngâm mình dưới suối, bắc những thân cây, tấm ván trên vai làm trụ cầu sống để thương binh đi qua. Trong tác phẩm “Bóng chùa giỗ đồng đội”, người xem thấy được cảnh trong ngôi chùa cổ kính, những cô gái TNXP người lành lặn, người là thương binh, người đã quy y nơi cửa Phật đang tổ chức giỗ những đồng đội đã hy sinh. Họa sĩ Phạm Quyền nhớ lại: Tác phẩm được thể hiện từ xúc cảm về câu chuyện có thật ở Thái Bình. Đó là 45 cô gái TNXP trong cùng đơn vị đã trải qua những ngày tháng ác liệt của “mưa bom, bão đạn”. Khi trở về quê hương người mất, người còn; nhiều người trong số họ đã vào chùa tìm sự thanh thản trong tâm hồn nơi cửa Phật. Còn trong bức tranh “Hang Tám Cô”, tác giả mô tả hình ảnh 8 nữ TNXP khi làm nhiệm vụ lấp đường, vá hố bom đã bị bom địch đánh phá và bị chôn vùi trong hang đá ngày 14-11-1972 tại đường 20 - Quyết Thắng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Với phong cách tả thực, có chiều sâu, gam màu nâu kết hợp màu vàng, tác phẩm đã thể hiện sự đau thương, tiếc nuối về sự hy sinh của những nữ TNXP… Các tác phẩm hội họa về đề tài thương binh - liệt sĩ của họa sĩ Phạm Quyền chủ yếu được vẽ bằng chất liệu tổng hợp với cách sử dụng kỹ thuật gờ nổi, tút tát…, thể hiện chất cảm trên mặt tranh bằng tư duy mạch lạc, sáng tạo của người nghệ sĩ. Với họa sĩ Vũ Xuân Dương, các tác phẩm về đề tài thương binh - liệt sĩ của ông thường phảng phất nỗi buồn và đằm sâu tính triết lý; tiêu biểu như “Ký ức thời chiến” (2005), “Tìm đồng đội” (2007), “Nhớ về Trường Sơn” (2008), “Mẹ” (2017)... Tác phẩm “Tìm đồng đội” được Hội Mỹ Thuật Việt Nam tài trợ, sau đó trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng năm 2007. Bức họa được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu với gam màu chủ đạo là màu xanh bạt ngàn của núi rừng; nổi bật hình ảnh những người lính đang đi tìm phần mộ đồng đội với gam màu vàng và đỏ thể hiện sự ấm áp, nghĩa tình đồng chí; phần trên bức tranh điểm xuyết những mảng màu ấm nhẹ nhàng của buổi xế chiều biểu trưng cho sợi dây liên kết giữa những người lính đi tìm mộ với những đồng đội nằm lại nơi chiến trường. Tác phẩm “Mẹ” của họa sĩ Vũ Xuân Dương, lấy khung cảnh một ngôi nhà đơn sơ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với khuôn mặt phúc hậu đứng trước khung cửa ngóng con về... Bức tranh với những gam màu ấm làm chủ đạo với điểm nhấn là cánh cửa màu xanh - màu áo của những người lính như khẳng định các anh vẫn còn hiện hữu nơi đây bên mẹ già. Nếu như về đề tài thương binh - liệt sĩ, nhiều họa sĩ thể hiện tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu nhằm tạo độ tương phản cao, ấn tượng mạnh tác động vào thị giác người xem, thì họa sĩ Vũ Thị Hường lại thể hiện trên chất liệu tranh lụa tạo sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc. Các tác phẩm nổi tiếng về người lính, về thương binh của chị như: “Tổ công binh xây dựng đảo”, “Tổ cơ khí thương binh”. Tác phẩm “Tổ cơ khí thương binh” của họa sĩ Vũ Thị Hường được sáng tác khi về thực tế tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường) khi chứng kiến cảnh những người thương binh trong tổ cơ khí hăng say làm việc. Trong bức tranh, tác giả sử dụng gam màu trầm ấm áp, nổi bật là hình ảnh 3 công nhân thương binh đang làm việc, ánh lửa hàn lóe sáng biểu trưng ý chí, nghị lực vươn lên trong thời bình. Năm 2009, tác phẩm “Tổ cơ khí thương binh” của chị được treo tại Triển lãm tranh lụa toàn quốc. 
Tác phẩm “Tìm đồng đội” của họa sĩ Vũ Xuân Dương.  Bài và ảnh: viết dư
Tác phẩm “Tìm đồng đội” của họa sĩ Vũ Xuân Dương. 
Viết về đề tài thương binh - liệt sĩ ở bộ môn Thơ (Hội VHNT tỉnh), nhiều tác giả có thơ in trong các tập thơ đã được xuất bản. Tiêu biểu như các tác giả: Phạm Trọng Thanh, Phạm Trường Thi, Trần Đắc Trung, Đỗ Phú Nhuận, Bình Thanh, Nguyễn Thấn, Nguyễn Hồng Vinh, Trần Thị Nhật Tân, Chu Đình An, Trần Văn Lợi... Tác giả Chu Đình An (77 tuổi) thuộc thế hệ nhà thơ sinh ra trong thời đại mang sứ mệnh cao cả “đất nước làm thơ và đánh giặc”. Là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 16, Sư 304, từng chiến đấu ở chiến trường Lào, tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968... nên ông thấu hiểu những gian lao, hy sinh anh dũng của đồng đội. Các bài thơ của ông như cuốn nhật ký ghi chép các sự kiện trên đường hành quân chiến đấu. Tiêu biểu như trường ca: “Chiến trường gọi”, “Của để dành”, các bài thơ “Chọn lối anh về”, “Chất độc da cam”... Các bài thơ về đề tài thương binh - liệt sĩ của ông có ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, giàu hình ảnh, nhịp điệu: ... “Thỉnh thoảng bên đường mồ chôn liệt sĩ/ Bia mảnh gỗ khắc tên người lính/ Nam Định Thái Bình nhớ mãi thương tâm/ Mải hành quân chúc các anh yên giấc vĩnh hằng...” (Trường ca “Chiến trường gọi”). Với tác giả Trần Văn Lợi, những trang thơ giúp anh bày tỏ được tình cảm nhớ thương và tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ với một niềm ngưỡng vọng, tự hào. Gần đây, anh đã sáng tác 3 bài thơ về đề tài thương binh - liệt sĩ gồm: “Lồng lộng hồn Tổ quốc”, “Kể về một người tôi quen”, “Mây trắng Trọ Voi”. 
 
Đề tài thương binh - liệt sĩ là một trong những mạch nguồn xuyên suốt của những tác giả văn xuôi Nam Định. Tiêu biểu là các tác giả: Nguyễn Đức Hòe, Nguyễn Bổng, Lã Thanh An, Lưu Tuấn Hùng, Mai Tiến Nghị... Tác giả Nguyễn Đức Hòe với những truyện ngắn “Người nuôi ong”, “Chuyện của Huệ”, “Bông trà mi nở muộn”, “Thầy giáo Nguyên”… viết về những người thương binh trên mặt trận mới lao động sản xuất vẫn phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hai truyện ngắn “Người nuôi ong” và “Bông trà mi nở muộn” của tác giả Nguyễn Đức Hòe được in trong tập “Chuyện tình thời mở cửa” xuất bản năm 2016 NXB Hội Nhà văn, được UBND tỉnh trao giải Khuyến khích Giải thưởng văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh năm 2016. Tác giả Lưu Tuấn Hùng với tư liệu phong phú cùng vốn sống được tích lũy của một nhà báo tâm huyết, trách nhiệm với cuộc sống, các tác phẩm của ông đã phản ánh sinh động những tấm gương thương binh trong cuộc sống đời thường. Tác phẩm “Chuyện vợ chồng anh thương binh tàu không số” kể về cuộc đời của người chiến sĩ Phan Hải Hồ (làng Địch Lễ, xã Nam Vân, TP Nam Định) trên con tàu không số. Từ chiến trường trở về, chỉ còn một chân... nhưng bằng nghị lực của bản thân và tình yêu thương của người vợ đã giúp người thương binh Phan Hải Hồ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để phát triển kinh tế gia đình. 
 
Các tác phẩm về đề tài thương binh - liệt sĩ của các văn, nghệ sĩ Nam Định đã góp phần phản ánh không khí hào hùng, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của dân tộc, giúp thế hệ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư
 
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com