Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong các di tích đền, phủ ở tỉnh ta

06:04, 01/04/2017

"Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh ta được coi là Trung tâm thờ Mẫu với những nơi lưu giữ sự tích về giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt, tiêu biểu như: Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản), Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm di tích đền phủ thờ Thánh Mẫu. Đây là cơ sở để các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Biểu diễn giới thiệu Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cho các vị Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam ở Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản) năm 2016.
Biểu diễn giới thiệu Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cho các vị Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam ở Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản) năm 2016.

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh có 352 di tích lịch sử - văn hoá thờ và phối thờ Mẫu; trong đó có 220 phủ, 16 miếu, 72 chùa phối thờ, 44 đền, đình thờ chung với thành hoàng làng. Trong đó, ở xã Kim Thái (Vụ Bản) có gần 20 di tích trong quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Huyện Ý Yên có 26 di tích liên quan đến Thánh Mẫu tập trung nhiều ở xã Yên Đồng như: Phủ Nấp, Phủ Đồi, chùa Đồi… Trong Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) và Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc)... đều có ban thờ Đức Thánh Trần và Tam tòa Thánh Mẫu. Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là lễ hội và nghi lễ Chầu văn. Thời gian qua, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu liên quan đến các nghi lễ thờ cúng và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các lễ hội được các địa phương khôi phục và phát huy. Hằng năm, tại các di tích thờ Mẫu, lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch với các nghi lễ như: tế, rước kiệu và các hoạt động văn hóa dân gian như: hát chầu văn, múa lân, sư, rồng, cờ người. Trong số các lễ hội tại các di tích thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu nhất là lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản). Đây là lễ hội tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Nữ thần (Mẫu) và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Cùng với quần thể kiến trúc, lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam. Từ ngày mùng 3 đến mùng 8-3 âm lịch hằng năm, lễ hội Phủ Dầy được tổ chức trên quy mô vùng thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tới dự. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng như: hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội; các hoạt động văn hóa dân gian như: Thi hát văn, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác. Nghi lễ rước Mẫu Thỉnh Kinh từ Phủ Tiên Hương lên chùa Tiên Hương vào ngày 6-3; đám rước dài hàng km, diễn ra trang trọng có đội ngũ nhạc, có phường bát âm. Còn lễ rước đuốc được tổ chức vào tối mùng 5. Theo quan niệm dân gian, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội sẽ xua tan đi điềm xấu, đem lại sự may mắn, sinh sôi. Hoa trượng hội (hay kéo chữ) là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an với sự tham gia của hàng trăm thanh niên, trang phục đầu cuốn khăn đỏ, viền vàng, bụng cũng thắt khăn đỏ, viền vàng, quần trắng, chân cuốn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Chữ được xếp thay đổi theo từng năm; các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương” hay “Quang phục thánh thiện”… đều thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp. Tiêu biểu cho hệ thống các nghi lễ trong lễ hội Phủ Dầy nói riêng và các di tích thờ Mẫu nói chung ở tỉnh ta là nghi lễ hầu đồng. Tại các đền, phủ trong khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy, nghi thức hầu đồng không chỉ diễn ra trong những ngày lễ hội mà có thể diễn ra vào bất cứ ngày nào trong năm. Đặc biệt vào dịp đầu xuân, ở khắp các đền, phủ trong Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy luôn diễn ra các nghi thức hầu đồng. Giữa làn khói hương mờ ảo, giọng hát văn, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập cùng với động tác lắc lư, nhún nhảy, tâm trạng biến hóa của thanh đồng… khiến không gian hầu đồng trở nên huyền ảo. Ngoài các giá đồng ca ngợi công lao của Thánh Mẫu, các giá Quan Đệ Nhất, Ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín có nội dung ca ngợi những người có công lao với nước, với dân, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước… Ngoài ra, trong dịp này ở Phủ Nấp (Phủ Quảng Cung) và các đền phủ ở xã Yên Đồng (Ý Yên) - nơi tương truyền là Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất, nghi lễ hầu đồng cũng diễn ra khá sôi động. Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở tỉnh ta, nghi lễ hầu đồng gắn với nghệ thuật hát chầu văn. Các bài hát văn tùy thuộc vào từng giá hầu mà có nội dung phù hợp; thường sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát, hay biến thể 4-7 hoặc 5-8... Trong nghệ thuật chầu văn Nam Định, có hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm như: bỉ, miễu, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, đưa thơ, vãn, dọc, cờn, hãm và dồn. Xen kẽ những đoạn hát là nhạc, gọi là lưu không. Hiện tại toàn tỉnh có trên 500 người trực tiếp tham gia thực hành “Nghi lễ chầu văn” gồm các thanh đồng, cung văn, nhạc công có tính “chuyên nghiệp”. Theo số liệu khảo sát của Sở VH, TT và DL, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 hội, bản hội; mỗi hội, bản hội có 100-200 con nhang đệ tử. Trong đó huyện Mỹ Lộc có hội phủ Tâm Linh, huyện Nam Trực có bản hội Chân Hương, huyện Trực Ninh có các bản hội: Đông Quang phủ có 120 người, Ninh Quang phủ có 100 người, Thanh Hoa điện có 80 người, Đông Cuông có 70 người, Thiêm Lộc phủ, Đông A phủ (xã Trung Đông), Đông Minh (Thị trấn Cổ Lễ) với 60 người; huyện Ý Yên có bản hội phủ Quảng Cung với 110 người; huyện Xuân Trường có bản hội Cửu Long với 80 người. Ngoài nghi thức hầu đồng, trong lễ hội Phủ Dầy hằng năm, vào ngày 4-3 âm lịch, Ban tổ chức lễ hội lại tổ chức thi hát chầu văn tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát. Đây chính là “không gian” để vẻ đẹp hát chầu văn có dịp được phô bày, lan tỏa đến khách thập phương và để nghệ thuật hát văn đến được với cộng đồng…

Hiện nay do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở một số đền, phủ trong tỉnh đang có biểu hiện lệch lạc, gây phản cảm như: Tình trạng lạm dụng việc đốt nhiều vàng mã, gây ô nhiễm môi trường; nhiều người mua sắm lễ vật xa hoa, lãng phí, cầu ước những điều không hợp đạo lý, trái ngược tín ngưỡng thờ Mẫu; một số nghi lễ hầu đồng ở phần ban lộc, thay vì hoa quả tượng trưng đã bị biến tướng thay bằng tiền có mệnh giá lớn… làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Chưa kể tới việc nhiều thanh đồng lợi dụng việc “nhập thánh” phán truyền, lấy tàn nhang, các vật làm lễ để biến thành “nước thánh” chữa bệnh, ban phát tài lộc, trừ ma, yểm bùa gây “tiền mất tật mang” cho những người nhẹ dạ. Theo nhiều thanh đồng cao niên, trước đây nghi lễ hầu đồng chỉ diễn ra quy mô đúng “tùy tâm biện lễ”, không hoành tráng, đồ sộ từ lễ vật, vàng mã đến tiền phát lộc. Quần áo để hầu cũng đơn giản, cốt sao đủ một bộ khăn, áo, mũ… đúng màu sắc cho mỗi giá hầu, không cầu kỳ, đắt tiền như hiện nay…

Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản do cộng đồng sáng tạo và lưu truyền. Để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành chức năng từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng. Các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần xây dựng chương trình phổ biến kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng để cộng đồng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, những người thực hành tín ngưỡng và nhân dân nhận thức đúng giá trị di sản, để Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phát huy giá trị là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com