"Thông điệp" từ một hội thảo khoa học

08:03, 31/03/2017

“Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” - Đó là nội dung mang ý nghĩa “thông điệp” của hội thảo khoa học “Khu chứng tích biến đổi khí hậu Hải Hậu - biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển” diễn ra tại Hải Hậu do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức cuối tháng 2-2017.

Tác động của biến đổi khí hậu
 
Những luận cứ khoa học tại hội thảo nêu rõ hiện trạng xâm thực đất ven biển, quá trình quai đê lấn biển, tác động của biến đổi khí hậu làm xói lở bờ biển huyện Hải Hậu; nguy cơ sụp đổ Khu chứng tích trước tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng đưa ra những giải pháp để bảo vệ và phát triển Khu chứng tích biến đổi khí hậu huyện Hải Hậu ở cả góc độ tổ chức, cơ chế chính sách, biện pháp ứng dụng công nghệ và khai thác, quản lý khu vực này; những vấn đề tỉnh và huyện Hải Hậu cần giải quyết trước mắt để bảo tồn và phát triển Khu chứng tích biến đổi khí hậu quý hiếm này cho toàn thể cộng đồng dân cư địa phương, quốc gia và cho toàn thế giới. 
 
Huyện Hải Hậu được bao bọc bởi 2 nhánh của sông Hồng (là sông Ninh Cơ và sông Sò) và Vịnh Bắc Bộ; là vùng đất được khai phá, bồi đắp từ 500-600 năm trước. Trải qua nhiều thế hệ người Hải Hậu đã hợp sức khai hoang, quai đê lấn biển, trị thủy; đến thế kỷ XIX nhiều làng xã mới được hình thành. Cách đây 128 năm, địa giới hành chính của huyện Hải Hậu được thành lập. Thời kỳ trước năm 1920, nhân dân Hải Hậu tích cực quai đê lấn biển, lập làng, cải tạo đất đai để canh tác đã có một hệ thống đê biển đơn giản nhưng được bảo vệ bởi hệ thống bãi bồi, rừng ngập mặn, nên nhiều làng ấp đã được thành lập, dân cư sinh sống cách biển 1km như làng Doanh Châu và Văn Lý (thuộc xã Hải Lý hiện nay). Thời kỳ năm 1920-1985, do tác động của biến đổi khí hậu, dòng hải lưu thay đổi, từ một vùng đất thường xuyên được bồi đắp trở thành vùng đất biển lấn bãi thoái. Sau Cách mạng Tháng 8-1945 hệ thống đê biển Hải Hậu được đầu tư nâng cấp, đủ khả năng chống được gió bão cấp 5, cấp 6. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ năm 1920 đến nay thống kê sơ bộ huyện Hải Hậu mỗi năm biển lấn 15-20m, đã mất trên 6 triệu m 2 đất, trong đó từ năm 1985 đến nay là 3 triệu 410 nghìn m 2 (trong đó khoảng 100ha đất làm muối). Huyện đã tiến hành di chuyển nhân dân tại 5 xóm của 3 xã gồm: Hải Lý (3 xóm), Hải Triều (1 xóm) và Thị trấn Thịnh Long (1 xóm) với tổng số nhân khẩu phải di chuyển vào trong đê tuyến 2 là 3.750 người. Những bãi hiện tại nhìn thấy còn lại là bãi nằm trong khoảng cách giữa 2 tuyến đê (tuyến 1 và tuyến 2) trước khi tuyến 1 cũ bị tàn phá. Hiện nay đê đã nằm sát các khu dân cư nên phải giữ đê hiện tại bằng biện pháp công trình.
Nhà thờ đổ xã Hải Lý (Hải Hậu).  Bài và ảnh: Việt Thắng
Nhà thờ đổ xã Hải Lý (Hải Hậu). 
Về di tích, chứng tích tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển Văn Lý, xã Hải Lý ngày nay là dấu tích còn lại của nhà thờ Trái Tim Chúa được hình thành cùng với làng chài Xương Điền thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu ngày nay. Đây là vùng đất nằm ở giữa 2 làng Doanh Châu và Văn Lý, là kết quả của công cuộc quai đê lấn biển của nhân dân từ những năm đầu thế kỷ XVIII, ban đầu được nhân dân gọi là "Cồn Cát Bể“, sau hình thành làng chài Xương Điền. Đến năm 1920, xã Xương Điền được thành lập thuộc tổng Tân Khai. Năm 1948, xã Xương Điền hợp với lý Hòa Định và lý Văn Lý thành xã Tân Hưng thuộc khu III, huyện Hải Hậu. Năm 1952 xã Tân Hưng đổi tên là xã Hải Lý cho đến ngày nay. Trong quá trình khai hoang mở đất, lấn biển, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân cũng được phát triển. Năm 1797 giáo xứ Xương Điền được thành lập. Đến năm 1877, xứ Xương Điền lập thêm và xây dựng nhà thờ họ Trái Tim Chúa lần thứ nhất, khi đó nhà thờ còn đơn sơ, được xây dựng trên diện tích 14mx7m và được lợp bằng cỏ bổi. Từ thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XX, khu "Cồn Cát Bể“ đã rơi vào tình trạng bị biển lấn, bãi thoái nhanh, do đê biển được đào đắp bằng đất nên không chịu được với sóng lấn và sự xâm thực của biển. Năm 1917, nhân dân đã bắt tay vào xây dựng tái thiết nhà thờ giáo họ lần thứ 2 lùi sâu vào phía trong khoảng 3.000m so với vị trí cũ với bản thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 trên khuôn viên rộng 9.330m 2, có chiều dài 47m, rộng 15m, tháp chuông cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ mang phong cách châu Âu. Ngoài ra nhà thờ còn có nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m. Trong quá trình sử dụng, với sự xâm lấn không ngừng của biển, năm 1998 giáo họ Trái Tim Chúa đã phải di chuyển vào trong nội địa xây dựng nhà thờ lần thứ 3. Năm 2003, Nhà thờ Trái tim Chúa lần thứ 3 được hoàn thành với khuôn viên rộng 3.700m 2, nhà thờ dài 47m, rộng 15m, tháp chuông cao 37m, thiết kế kiểu 4 mái, bằng bê tông kiên cố. Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá lớn, đã phá hủy toàn tuyến đê bao phía ngoài, "xóa sổ“ ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý, nền móng, tháp chuông còn để lại của một số nhà thờ cũ sau khi đã được di chuyển cũng bị đánh đổ hoàn toàn như: Nhà thờ giáo họ Thánh Phê-rô, giáo họ Thánh Madalena... Riêng nhà thờ giáo họ Trái Tim Chúa (dấu tích còn lại của nhà thờ được tái thiết, xây dựng lần thứ 2) vẫn còn lại tháp chuông và nền nhà thờ và một phần tường phía bắc của nhà thờ, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
 
Biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển
 
Tại tỉnh ta, trong 2 năm qua, thực hiện Công văn số 987-CV/TU ngày 3-7-2015 của Tỉnh ủy, Công văn số 162/UBND-VP7 ngày 30-6-2015 của UBND tỉnh về việc nghiên cứu, bảo tồn tháp chuông trên bãi biển Văn Lý, ngày 7-8-2015, Sở TN và MT đã chủ trì cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Sở Xây dựng, Sở VH, TT và DL tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn các biện pháp để bảo tồn lâu dài di tích tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý. Hội nghị đã khẳng định việc bảo tồn di tích tháp chuông là rất cần thiết vì: Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Việc bảo tồn di tích tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là sự ghi nhận công lao to lớn của nhân dân Hải Hậu nói riêng và của nhân dân trong tỉnh nói chung trong công cuộc khai hoang, lấn biển, chống biển lấn bảo vệ sản xuất trong lịch sử. 
 
Đồng chí Phạm Văn Chiến, TUV, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu khẳng định: Huyện Hải Hậu đã lập phương án bảo vệ khẩn cấp chứng tích tháp chuông nhà thờ đổ và bãi neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Văn Lý, xã Hải Lý; thành lập Ban quản lý dự án và thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định; tổ chức thi công xây dựng kè, rọ đá, gia cố phần móng bảo vệ chứng tích và đổ đường bê tông rộng 3m ra khu chứng tích với tổng kinh phí 932 triệu 897 nghìn đồng, công trình đã hoàn thành từ ngày 16-10-2015. Để đảm bảo an toàn cho khách tham quan tại Khu vực chứng tích tháp chuông nhà thờ đổ xã Hải Lý, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo UBND xã Hải Lý lập hàng rào chắn khu vực xung quanh nhà thờ và có các biện pháp quản lý nghiêm. Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi nhiều ý kiến bàn về ý nghĩa di sản của chứng tích, khuyến khích việc nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thích ứng, sử dụng chính hậu quả của thiên tai thành sản phẩm để khai thác có hiệu quả. Trong thời gian tới, nếu được tổ chức bảo tồn tốt, nơi đây sẽ là thắng cảnh thu hút du khách về tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học..., góp phần phát triển du lịch. Thông qua các kết quả, các giải pháp được đề xuất bởi các nhà khoa học sẽ giúp tỉnh và những người hoạt động trong lĩnh vực ứng phó, giảm thiểu thiên tai có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm triển khai các biện pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời có giải pháp bảo vệ, tôn tạo, khai thác khu chứng tích cho các mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển bền vững của địa phương./.
 
Bài và ảnh:  Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com