Độc đáo đặc sản nơi ngã ba sông

05:04, 21/04/2017

Ngã ba Độc Bộ thuộc địa phận xã Yên Nhân (Ý Yên), là nơi hai dòng sông Đào và sông Đáy nhập vào nhau trước khi chảy ra biển. Sông Đào là một phân lưu của sông Hồng nên dòng nước chở nặng phù sa với sắc màu nâu đỏ. Sông Đáy là con sông chính của lưu vực sông Nhuệ - Đáy ở phía tây nam châu thổ sông Hồng, chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định ở cuối nguồn nên dòng nước xanh trong hơn. Sự giao thoa của hai dòng nước (sắc hồng của dòng sông Đào và sắc xanh của dòng sông Đáy) đã mang lại cho vùng ngã ba sông nhiều điều kỳ thú từ những giá trị đời sống văn hóa của người dân đến những sản vật thiên nhiên. Ngoài những di tích lịch sử - văn hoá và huyền tích về những con người đã có công khai hoang, lập đất, vùng cửa sông này còn là nơi hội tụ của các loài thủy đặc sản mà ít nơi nào có được. Trong số hàng trăm loài thủy sản có giá trị thì vùng ngã ba sông Độc Bộ nổi tiếng với những đặc sản như cá tía lân, cá bò, cá ngạnh, cá lành canh, tôm càng và cua ra…

Rước nước trong nghi thức Lễ hội Đền Độc Bộ xã Yên Nhân (Ý Yên). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Rước nước trong nghi thức Lễ hội Đền Độc Bộ xã Yên Nhân (Ý Yên).
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Vùng ngã ba sông Độc Bộ nước chảy xiết, rộng mênh mang và xoáy xuống thành vực sâu, nơi sông Đào rút nước sông Hồng đổ vào sông Đáy trước khi đổ ra biển vì thế mà nguồn lợi thủy sản cũng nhiều vô tận. Từ tháng 3 trở đi, cá sông vào mùa đẫy đà nhất. Cữ nào thức nấy, bắt đầu từ cá mòi dầu, cá tía lân, sang tháng 4 cá đối, tháng 7 mưa dầm là mùa của cá lành canh, đến tháng 9 heo may bắt đầu mùa cua ra vào mẩy… Cũng nhờ nguồn lợi thủy sản phong phú mà xưa kia ở Yên Nhân đã có hẳn một làng chài mang tên Phong Doanh với khoảng 25 hộ dân quanh năm sinh sống trên thuyền, lênh đênh dọc đôi bờ sông sống bằng nghề khai thác cá, tôm. Mỗi sớm mai, khu vực bến cá ngay cạnh bờ sông lao xao tiếng nói cười, trao đổi bán mua đặc sản vùng sông nước này. Cụ Trần Văn Hùng đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, mặc dù không còn khỏe “tay chài, tay lưới” như xưa, nhưng nhớ nghề nên ngày ngày ông vẫn một mình một chiếc thuyền nan chèo dọc sông, vừa thư giãn, vừa để hỗ trợ các con, các cháu trong hành trình mưu sinh trên sông nước. Ông cho biết: Đặc sản quý nhất vùng cửa sông này là cá tía lân (tên gọi khác của cá vược hoa, chỉ có trong tự nhiên, chưa nuôi được). Tháng 3-4 âm lịch, cá vược hoa (tía lân) ngược dòng vào vùng cửa sông để sinh sản nên ở vùng ngã ba sông Độc Bộ chỉ khai thác được 1 vụ vào thời gian này. Đây là loại cá quý chỉ ở khúc sông này mới có, chúng sống ở tận đáy sông, ăn rong rêu, cây cỏ…  Xưa loại cá này có nhiều, cá to, song theo bà con đến nay thì hầu như rất hiếm gặp, có chăng cũng chỉ là rất nhỏ, không trường cá như xưa. Dễ kiếm hơn cá tía lân là cá bò, cá ngạnh. Cá bò lưng màu hồng, bụng màu vàng, nhác trông như con cá trê lớn, nhưng có dáng vẻ dữ tợn bởi đôi râu lúc nào cũng vểnh lên. Cá bò chỉ nặng khoảng vài ba lạng mỗi con, hiếm thấy con lớn trên 1kg nhưng bù lại thớ thịt trắng phau, không tanh và rất ít xương dăm. Cá bò có thể chế biến thành nhiều món ngon như kho khô, nấu canh chua, hay ướp riềng mẻ, nướng trên than củi thì mùi thơm “nhức mũi”! Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì đây cũng là thực phẩm giàu dinh dưỡng hợp với người cao tuổi. Vậy nên mỗi khi đánh bắt được cá bò, cho dù giá có gấp cả chục lần các loại cá khác, người dân vạn chài Phong Doanh đều dành đem biếu bậc cao niên. Để đánh bắt được những loại cá quý này phải cần đến những tay thuyền chài chuyên nghiệp, có hạng ở làng Phong Doanh xưa mới bắt được. Ví như cá tía lân chỉ xuất hiện ở tầng nước mặt vào những đêm trời thật lạnh; còn chủ tâm bắt cá tía lân, thợ chài phải tinh tường xác định khu vực cá trú ngụ và lặn tận đáy sâu mới mong tìm được. Hay như khi bắt cá bò, chỉ sơ ý một chút để cá quẫy, đâm ngạnh vào tay là người đánh cá phải nghỉ đến vài ngày vì vết ngạch đâm bao giờ cũng sưng tấy đau buốt. Có người còn phải nhờ đến bác sĩ chích hút máu độc mới khỏi. Nếu như cá tía lân, cá bò xếp vào hàng cao cấp chỉ người nhiều tiền mới hy vọng thưởng thức thì cá mòi, lành canh và cua ra vùng cửa sông lại được coi là đặc sản dân dã nhưng có thể chế biến nhiều “món nhắm” vô cùng phong phú với hương vị khó quên. Trong đó độc đáo nhất là cá mòi dầu, bởi cá mòi là loài cá sống ở biển và chỉ di cư về các cửa sông vào cữ tháng giêng cho đến tháng tư - khi cá đã bắt đầu căng bụng trứng. Qua rằm tháng Giêng là lúc cá mòi về nhiều và vừa độ ngon nhất. Cá có vẩy li ti màu trắng bạc, mình cá mỏng, nhiều xương dăm nên chỉ dùng chiên và nướng mới thấy hết cái tinh túy của xương cá ròn tan, thịt bùi ngậy, bùi và thơm nức. Để thưởng thức trọn vẹn vị thơm ngon và bổ dưỡng từ cá mòi cần phải chế biến rất công phu. Người dân vùng đất Yên Nhân cho biết: Cá mòi dù là nướng, rán đều phải sơ chế cho sạch sẽ, ướp cùng gia vị, tỏi, gừng, xả, nghệ... cho cá thật thơm và có màu vàng ruộm khi chín mới bắt mắt. Cá ăn ngay khi còn nóng, chấm cùng nước mắm pha chua ngọt và không thể thiếu vài nhánh tỏi, gừng cùng trái ớt xanh băm nhỏ. Món ăn này được người dân ngóng trông, đúng mùa phải tranh thủ thưởng thức kẻo nhanh hết mùa, lại phải đợi một năm sau mới có. Mỗi khi nhà có khách người nội trợ chỉ cần chuẩn bị mâm cơm với những món ăn được chế biến từ sản vật sông nước quê hương cũng đầy đủ các món “nhâm nhi đưa cay” như cua ra hấp, cá mòi nướng, chiên giòn, tôm cuốn; món canh gồm riêu cá, canh cá nấu dưa chua và cuối cùng thể nào cũng có một đĩa cá sông kho nhừ là bữa ăn hết sức tươm tất, đậm đà tình quê.

Có dịp về vùng đất cửa sông, tầm 6 giờ sáng, hoặc khi chiều về, chợ tạm họp ngay bên bờ sông với vô vàn tôm cá. Du khách sẽ khó kìm lòng mà không hỏi mua những mớ tôm còn nhảy tanh tách, những con cá chép, cá bò, cá rói tươi ngon và những chú cua ra kềnh càng chắc nịch. Về Yên Nhân ngắm hai dòng nước với hai màu rõ rệt và tham quan các di tích lịch sử như đền Độc Bộ, doi đất trước đền mang dáng dấp của chiếc nỏ thần Kim Quy; thăm viếng đền, chùa, miếu Phạm Xá với các công trình kiến trúc đình chùa, bia đá và nhà Việt cổ của các dòng họ, tư gia; ngắm cây dã hương, cây thị đã trên 560 năm… kết hợp thưởng thức đặc sản tôm, cá sông du khách sẽ có chuyến du lịch đáng nhớ. Đặc biệt nếu đến thăm vùng đất ngã ba sông vào dịp tháng 8 âm lịch, du khách còn được sống giữa không gian lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt với lễ rước kiệu, tế tam kỳ giang, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức món cỗ chay truyền thống… mới cảm nhận hết sức quyến rũ độc đáo của vùng đất cửa sông./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com