Mỹ Trung bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống

08:10, 07/10/2016

Xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) là vùng đất cổ. Qua các phát hiện khảo cổ học và các thần tích, ngọc phả, sắc phong, văn bia, đại tự, câu đối ở các đình, đền, chùa, vùng đất này được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước và là nơi tịch điền của các vua thời Lý - Trần.

Trên địa bàn xã Mỹ Trung có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa dày đặc gồm 6 di tích, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là Đình Cả và 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm: Đình, Phủ Phương Bông; Đình Tây; Đình Thanh Khê; Từ đường Trần Văn và Từ đường Trần Đào Bùi tộc. Từ đường Trần Văn tọa lạc tại thôn Đệ Nhất. Theo thư tịch cổ, Đệ Nhất là địa danh có từ lâu đời. Mùa xuân năm 1262, khi Thượng hoàng Trần Thái Tông ban chiếu, thăng hương Tức Mặc thành Phủ Thiên Trường, làng trở thành cung Đệ Nhất nằm trong hệ thống dinh phủ bao quanh Điện Trùng Quang, Trùng Hoa. Đây là mảnh đất hội tụ các văn nhân, tuấn kiệt. Gần 500 năm trước, nhiều gia đình, dòng họ đã tìm đến đây sinh sống. Trong số đó, vào thời Hậu Lê, cụ thủy tổ Trần Văn Trinh đã đến định cư và mở đầu cho dòng họ Trần Văn, một trong những dòng họ lớn của làng. Căn cứ vào cuốn gia phả, bài văn tế còn lưu giữ tại từ đường Trần Văn cùng truyền ngôn của các bậc cao niên trong dòng họ, cụ thủy tổ là người học rộng tài cao, được triều đình Hậu Lê trọng dụng, mời vào dạy học trong triều và phong chức “Lê triều công thần văn chúng Sinh đồ”. Sau khi cụ thủy tổ qua đời, để ghi nhớ công ơn, con cháu trong dòng họ Trần Văn đã an táng và xây miếu, từ đường thờ thủy tổ tại làng Đệ Nhất. Ngôi từ đường còn phối thờ mẫu tổ Hoa Thị Thái và các vị tổ kế tiếp trong dòng họ. Hằng năm, tại từ đường, ngoài 2 kỳ lễ hội chính diễn ra vào ngày 21-3 và 20-5 âm lịch, vào dịp Tết Nguyên đán hoặc khi dòng họ có sự kiện quan trọng, từ đường đều mở cửa để con cháu khắp nơi về tế lễ, ôn lại công lao của tổ tiên, tổ chức tặng quà cho các cụ già mẫu mực, phát phần thưởng cho con cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập…

Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đình Cả, xã Mỹ Trung.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đình Cả, xã Mỹ Trung.

Những đóng góp của dòng họ Trần Văn qua các thời kỳ lịch sử đã tô đậm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương; có ảnh hưởng tích cực đến việc giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho thế hệ con cháu trong dòng họ và nhân dân quanh vùng. Đến nay, trải qua 16 đời, con cháu trong dòng họ đã và đang đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Tại mảnh đất này từ xa xưa đã sản sinh ra 1 vị tướng tài ba, cương trực đời Vua Hùng thứ 6 là Dũng Dược Đại Vương. Ông là người có công giúp Hùng Duệ Vương dẹp giặc. Khi quân Thục Phán xâm lược nước ta, Hùng Duệ Vương đã cử Tản Viên Sơn Thánh cùng Dũng Dược đem quân đánh Thục. Nhờ tài thao lược của Dũng Dược, quân ta đã giành thắng lợi. Để thưởng công, Vua Hùng đã gả công chúa Quang Mỹ cho Dũng Dược, nhưng ít lâu sau ông đột ngột qua đời (ngày 15-2). Công chúa Quang Mỹ cũng mất trong một lần cùng Sơn Thánh đi đánh quân Thục (ngày 15-8). Tưởng nhớ vị tướng tài ba cùng phu nhân, các triều đại phong kiến sau đã sắc phong cho Dũng Dược và Quang Mỹ làm thành hoàng, cho nhân dân lập đền thờ và đặt lệ quốc tế. Hiện ông được thờ tại di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đình Cả. Nằm trên một khu đất rộng, cao ráo ở đầu làng, Đình Cả là công trình mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Trải qua nhiều biến thiên, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Đình Cả vẫn giữ được vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống. Ngoài việc bảo lưu được giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, tại di tích còn lưu giữ được ngọc phả và nhiều sắc phong từ các thời Lê - Nguyễn và một số di vật quý, trong đó có ba pho tượng cỡ lớn, niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII là Dũng Dược Đại Vương, Long Khánh Đại Vương, Uy Linh Đại Vương (hai vị tướng thời Trần được phối thờ tại đình). Ngày trước, hội làng được tổ chức hằng năm vào ngày sinh của Đức Thánh Cả Dũng Dược Đại Vương (15-4). Lệ làng đề ra: Bốn giáp (giáp Đông, giáp Bắc, giáp Nam, giáp Đoài) mỗi giáp phải chuẩn bị một con lợn. Lợn cúng tế phải nuôi riêng từ tháng 4 năm trước đến tháng 4 năm sau, thức ăn sạch sẽ, chuồng trại thoáng mát, do đàn ông cho ăn. Đến hội, các giáp đóng cũi có trang trí đẹp đưa lợn ra thi. Sau khi chấm thi, lợn được ngả thịt để cúng Thánh. Trong hội, ngoài việc tế lễ còn có nhiều trò chơi dân gian. Sau một thời gian gián đoạn, gần đây hội làng Đệ Nhất từng bước được phục hồi, phần lễ có nhiều nghi thức trang nghiêm như: tế nam quan, nữ quan, rước kiệu; phần hội duy trì tổ chức các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ dân gian như: đánh cờ, kéo co, đấu vật, leo cầu kiều, bắt vịt, thi hát văn…

Là vùng quê bảo lưu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống với những làn điệu dân ca, dân vũ gắn với các di tích đình, đền, phủ, trong đó có nghệ thuật hát văn. CLB hát văn của xã là 1 trong 6 CLB hát văn hoạt động sôi nổi và hiệu quả trong tỉnh. CLB hát văn xã Mỹ Trung gồm 20 thành viên là những cung văn chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm vừa hát vừa phối hợp sử dụng các nhạc cụ: đánh đàn, gõ phách, trống. Các giai điệu hát văn được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, đồng lòng đứng lên đánh giặc, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua giọng hát của các thành viên trong CLB, các tiết mục hát văn ngày càng có sức lan tỏa như các tiết mục: “Gái đảm Nam Hà”, “Mùa sen dâng Bác”, “Trẩy hội quê hương”, “Hoa dũng sĩ”, “Mừng Việt Nam đại thắng”… Bên cạnh đó, CLB tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục hát văn và nghệ thuật chầu văn qua các giá đồng, tham dự các hội diễn, liên hoan trong và ngoài huyện. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đến nay, nghệ thuật hát văn ở Mỹ Trung vẫn giữ được hồn Việt thuần nhất, mộc mạc, song cũng rất đa dạng, phong phú, là nét đẹp văn hóa truyền thống rất cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hiện đại.

Các di tích lịch sử - văn hoá, các loại hình nghệ thuật truyền thống cùng với không gian văn hoá “Cây đa, giếng nước, mái đình” đã tạo nên vẻ cổ kính của vùng đất cổ Mỹ Trung. Xã Mỹ Trung đang khởi sắc trong thời kỳ mới nhưng không mất đi những giá trị cốt lõi văn hóa thuần Việt. Đó là sức mạnh nội lực để người dân nơi đây tạo ra bước phát triển bền vững về kinh tế - xã hội đời sống hôm nay./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com