Nghĩa Hưng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống

06:06, 18/06/2016

Những năm qua, huyện Nghĩa Hưng luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; khôi phục các trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống, tạo nền tảng cho việc bảo vệ, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của địa phương trong công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Về thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, chúng tôi cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hóa cổ truyền của vùng đất này. Nét văn hoá của người dân Hải Lạng thể hiện sâu sắc trong lối sống, phong tục tập quán và trong cấu trúc làng xóm. Đây là quê hương Tướng quân Thái uý Phạm Cự Lượng - người được Vua Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng ban cho giữ chức Phòng ngự sứ tiên phong, cử ra trấn giữ vùng đất cửa biển Đại An (phía bắc huyện Nghĩa Hưng ngày nay). Thôn Hải Lạng có một ngôi đình thờ Lâm giang Thái uý Phạm Cự Lượng - danh tướng thời Đinh. Tại đình còn lưu giữ được pho tượng của Phạm Cự Lượng và nhiều đồ thờ thời Nguyễn có giá trị như: kiệu bát cống, nhang án, chấp kích… Sau đình là ngôi chùa thờ Phật. Ngoài ra trong làng còn 3 đền và 7 miếu điện. Đền Tây thờ thành hoàng Bùi Công Dực, Đền Đông thờ Minh Đại Vương, Đền Thượng thờ Tản viên Sơn thánh và Điện thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn… Hằng năm làng mở hội vào ngày 10-3 âm lịch, phần lễ vẫn duy trì tục “Rước nước tế thần” và 3 lễ tế: Tế nam quan, tế nữ quan và tế thanh đồng; phần hội với các trò chơi: Cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, đập nồi đất, kéo co, múa lân… thu hút đông đảo người dân tham gia. Thôn Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh thường tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày mất của tướng quân Đinh Lôi tại di tích đền chùa Hạ Kỳ với các nghi thức thiêng liêng và tổ chức các hoạt động mang nhiều ý nghĩa như thi nấu cơm, thi làm bánh dày. Những nghi thức như rước cối xay, rước thổ công, rước bà chúa lúa, lễ xin lửa, lễ xin gạo tạo nên một không khí trang nghiêm, gửi gắm ước nguyện của nhân dân về một năm bội thu, được mùa.

Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Chùa Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Chùa Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh.

Không chỉ ở xã Nghĩa Thịnh, những giá trị văn hoá cổ truyền thống, các bộ môn nghệ thuật truyền thống ở Nghĩa Hưng cũng đang được nhân dân ở các địa phương trong huyện gìn giữ, kế thừa và phát huy. Tiêu biểu như: múa rồng (xã Hoàng Nam), múa rối nước (xã Nghĩa Trung), cà kheo (xã Nghĩa Thắng), múa hạc (xã Nghĩa Hải)… Nghệ thuật múa rối nước ở xã Nghĩa Trung xuất hiện từ những năm 1950. Sau một thời gian mai một, đến năm 2004, được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, phường rối nước Nghĩa Trung được thành lập với hơn 20 thành viên. Hiện nay, phường rối nước Nghĩa Trung có hơn 20 tích trò cổ, tiêu biểu như: “Thạch Sanh chém trăn tinh”, “Câu ếch”, “Chọi trâu”, “Lê Lợi hoàn gươm”, “Múa tứ linh”… Ngoài các tích trò cổ, các nghệ nhân của phường còn sáng tạo các tích trò mới như: “Múa hát văn”, “Hoa bướm”, “Lời ru của mẹ”, các đề tài liên quan đến đời sống đương đại như: xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng NTM… Tại xã Nghĩa Thắng, từ lâu, cư dân vùng biển đã sáng tạo ra các công cụ khai thác thủy hải sản. Từ một dụng cụ phục vụ lao động sản xuất của ngư dân, cà kheo dần trở thành một bộ môn nghệ thuật biểu diễn trong các lễ hội truyền thống, lễ hội cách mạng của địa phương. Đội cà kheo Nghĩa Thắng hiện vẫn duy trì với 25-30 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn trên 20 tiết mục. Mỗi khi có trò mới, các nghệ sĩ cà kheo lại tập luyện say mê, để qua mỗi dịp biểu diễn, lại cống hiến cho công chúng những tiết mục mới. Trải qua thời gian, đội kheo xã Nghĩa Thắng đã tự “làm mới” mình với các tiết mục ngày càng phong phú, đa dạng như: nhào lộn, biểu diễn xà đơn xà kép, đá bóng, khiêu vũ… Ngoài việc biểu diễn phục vụ các lễ hội của xã, của huyện, đội kheo xã Nghĩa Thắng còn được mời đi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa - thể thao lớn của tỉnh và một số lễ hội lớn như: Lễ hội Carnavan tại Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, SEA Games 22, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội…

Trên nền tảng văn hóa truyền thống quê hương, hiện nay, huyện Nghĩa Hưng có trên 50 đội, CLB văn nghệ, thể thao truyền thống phát triển ở các xã: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Thành, Thị trấn Rạng Đông… Các đội, CLB văn nghệ quần chúng thường xuyên luyện tập, biểu diễn các loại hình nghệ thuật sân khấu như: chèo, cải lương, nhạc kịch… Với các tiểu phẩm ngắn gọn, mang nội dung tư tưởng và ý nghĩa nhân văn, các đội, CLB văn nghệ quần chúng ở Nghĩa Hưng đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, góp phần bảo lưu được những giá trị nghệ thuật dân gian. Thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh nổi tiếng về nghệ thuật cải lương với những trích đoạn trong các vở diễn tích cổ như: “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”, “Tần Hương Liên”, “Nhị Độ Mai”. Ngoài các trích đoạn sân khấu từ các tích cổ, đội văn nghệ Hải Lạng tự biên và dàn dựng các vở cải lương có chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống anh hùng dân tộc, ca ngợi các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động giỏi. Các vở diễn “Bà mẹ sông Hồng”, “Trở về”, “Chiếc diều đứt dây” do đội tự biên, tự diễn được nhân dân trong vùng yêu thích. CLB Đàn hát dân ca Thị trấn Rạng Đông nổi tiếng về phong trào văn nghệ với sự đa dạng, độc đáo của các loại hình nhạc cụ truyền thống. CLB đàn hát dân ca Thị trấn Rạng Đông thành lập năm 2007, với nhiều nhạc công như các ông: Lại Xuân Viễn chơi đàn nguyệt, Nguyễn Hữu Lương chơi trống... CLB có nhiều tiết mục chèo và chầu văn đặc sắc như “Khúc hát văn Nghĩa Hưng”, trích đoạn chèo “Hát mừng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” biểu diễn phục vụ nhân dân. Các thành viên trong CLB đã mang đến người dân vùng chân sóng những khúc hát, giai điệu dân ca của những câu hát văn, hát chèo, xẩm của vùng đồng bằng Bắc Bộ mượt mà, đắm say lòng người…

Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, đời sống xã hội đang dần đổi thay, phát triển không ngừng nhưng những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương Nghĩa Hưng vẫn đang được các nghệ nhân, các bậc cao niên lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Giá trị văn hoá truyền thống ở Nghĩa Hưng đã tạo thành sức mạnh nội lực để người dân vượt qua khó khăn, thử thách vươn lên trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com