Gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hoá dòng họ ở Giao Thuỷ

06:01, 02/01/2016

Huyện Giao Thuỷ có trên 480 dòng họ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, những nét đẹp văn hoá dòng họ ở Giao Thuỷ đang được gìn giữ, phát huy và trở thành nhân tố quan trọng góp phần tạo nên truyền thống văn hóa làng xã tại các địa phương trong huyện. Nhiều gia tộc, dòng họ có những hoạt động phong phú, giàu bản sắc như: biên soạn, bổ sung gia phả; xây dựng, thực hiện quy ước; bảo tồn, tôn tạo di tích từ đường, phần mộ tổ; tổ chức lễ mừng thọ; lập ban khuyến học, tủ sách dòng họ...

Từ đường họ Doãn, thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
Từ đường họ Doãn, thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.

Lịch sử, truyền thống của các dòng họ đã trở thành những di sản văn hoá quý báu của các làng xã ở Giao Thuỷ, thể hiện qua những công trình kiến trúc từ đường dòng họ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 348 từ đường dòng họ, trong đó có 3 từ đường được UBND tỉnh xếp hạng công nhận là: Từ đường họ Nguyễn, thôn Tồn Thành, xã Giao Thịnh, Từ đường họ Doãn và Từ dường họ Nguyễn, thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn. Cả 3 di tích hiện còn lưu giữ được kiến trúc cổ và các lễ nghi truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của các con, cháu trong dòng họ. Từ đường họ Nguyễn là nơi thờ tự các vị tổ của dòng họ, những người đã đóng góp công lao trong công cuộc khai hoang, lấn biển, dựng xây đất Tồn Thành. Từ đường họ Nguyễn, xã Giao Thịnh được xây dựng năm Đinh Tỵ, niên hiệu Khải Định 2 (1917), hoàn thành năm Mậu Ngọ (1918). Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hằng năm tại từ đường diễn ra nhiều ngày lễ, sinh hoạt văn hoá, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của con, cháu trong dòng họ. Tiêu biểu là ngày lễ kị tổ - ngày đại lễ của dòng họ được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng hằng năm. Từ đường họ Doãn, xã Hoành Sơn là nơi thờ vị tổ La Sơn hầu Doãn Đình Đống và các vị tổ của dòng họ. Hằng năm, tại từ đường dòng họ diễn ra nhiều lễ nghi, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng như: Ngày 7-11 (âm lịch); ngày lễ 2-9 và lễ thanh minh… Qua đó, nhiều nét đẹp văn hoá, trò chơi dân gian được con cháu trong dòng họ gìn giữ và phát huy như: Kéo co, đánh đu, cờ người… Các dòng họ ở thời kỳ nào cũng có những đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dòng họ Nguyễn, xã Giao Thịnh có hơn 80 con em lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, trong đó 10 người đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường, 12 người là thương, bệnh binh, 11 người là sĩ quan quân đội. Dòng họ Doãn, xã Hoành Sơn ngoài đóng góp về sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc còn nổi tiếng là dòng họ hiếu học. Trước đây, dòng họ Doãn được biết đến với nhiều cụ đồ nho học cao biết rộng, thường xuyên mở trường, mở lớp dạy chữ cho con cháu và dân làng; tiêu biểu như các ông: Doãn Doanh, Tiến sĩ Doãn Khuê, Doãn Đình Hướng… Hiện nay, việc trông coi bảo vệ ở cả 2 từ đường dòng họ được thực hiện đúng theo quy ước của từng dòng họ và quy định của pháp luật.

Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích từ đường, hằng năm, nhiều dòng họ trên địa bàn huyện Giao Thuỷ đã nhận thức đúng về vấn đề xây dựng văn hóa dòng họ, thông qua việc bổ sung những hành động thiết thực vào “việc họ” như lập ban khuyến học, lập tủ sách dòng họ, tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức. Tiêu biểu như: Tủ sách dòng họ Phan, xã Bình Hoà có 500 đầu sách. Đến nay, huyện Giao Thuỷ có gần 100 tủ sách dòng họ. Tủ sách dòng họ không chỉ phục vụ những người trong họ, mà còn phục vụ cả bà con xóm giềng thuộc dòng họ khác. Được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, những truyền thống tốt đẹp của các gia tộc, dòng họ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, một số dòng họ đã quan tâm tới việc duy trì nền nếp văn hóa của dòng họ thông qua bề dày truyền thống, quy ước dòng họ như: việc thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ truyền thống; viết lại gia phả, xây cất nơi thờ tự và mồ mả; lập hòm công đức để con cháu tự nguyện đóng góp nhằm bày tỏ tấm lòng hiếu thuận với họ tộc; gìn giữ, gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên nội tộc, với xã hội; nâng cao vai trò của dòng họ đối với sự phát triển của địa phương, đất nước... Các hoạt động họp họ, giỗ tổ được diễn ra với nhiều nội dung như: tuyên đọc gia phả, tế lễ tổ tiên, bàn định những công việc của gia tộc, việc đóng góp của các thành viên với gia tộc, với làng xóm vào việc xây dựng các công trình công cộng, vào việc tổ chức lễ hội của làng, xã. Các dòng họ đã tăng cường mối gắn kết trong dòng họ với cộng đồng làng xã, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy các công trình thờ các danh nhân của gia tộc, dòng họ. Nhiều tộc họ đã đăng ký và phấn đấu trở thành dòng họ không có tệ nạn xã hội. Trưởng tộc các dòng họ đã thực hiện tốt chức năng hoà giải, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong dòng họ; thường xuyên nhắc nhở con cháu sống và làm việc hữu ích; góp ý hoặc có biện pháp về mặt tinh thần với các cháu con trong dòng họ hư hỏng, giúp đỡ các gia đình nghèo về vật chất, đặc biệt là có biện pháp thiết thực lâu dài để giải quyết khó khăn cho gia đình nghèo. Là địa phương có truyền thống hiếu học, hoạt động khuyến học trong các dòng họ ở Giao Thủy đang ngày càng được phát huy. Các ban khuyến học các dòng họ có nhiều hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả. Đến nay, 90% gia đình trong các dòng họ tham gia công tác khuyến học với tổng số 17.027 hội viên. Toàn huyện có 413 dòng họ đã được công nhận “Dòng họ văn hoá - Dòng họ hiếu học”. Các dòng họ được công nhận đều không có con em bỏ học, con em mắc các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật; tích cực tham gia và thực hiện tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Với sự tham gia tích cực vào phong trào khuyến học, động viên con cháu học hành tiến bộ, đến nay quỹ khuyến học của các dòng họ đã có trên 4,6 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, các dòng họ đã trao 950 suất học bổng với số tiền 2,5 tỷ đồng. Nhiều dòng họ tiêu biểu được vinh danh như dòng họ Phạm, xóm 14, xã Giao An; dòng họ Hoàng, thôn Chính, xã Giao Tiến; dòng họ Lương, xóm 10, xã Giao Hải… Dòng họ Phạm, có 95 hộ, trong đó có 73 hộ được công nhận là gia đình hiếu học, với 17 gia đình hiếu học xuất sắc. Hiện tại, dòng họ đã có 3 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, 15 cử nhân, 20 em đang học tại các trường đại học, cao đẳng… Hằng năm, vào ngày lễ tổ, các dòng họ tổ chức tuyên dương khen thưởng thành tích học tập của con cháu tại từ đường dòng họ trước sự chứng kiến của bà con trong họ; các cháu có thành tích được dâng hương và hứa trước tổ tiên tiếp tục phấn đấu tiến bộ trong học tập, công tác...

Những nét đẹp văn hoá dòng họ ở Giao Thuỷ đã mang lại hiệu quả thiết thực, bản sắc văn hóa được giữ vững và phát huy, góp phần phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, tăng cường tình làng nghĩa xóm, tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com