Khúc ca Mùa xuân

09:02, 13/02/2015

Mùa xuân đang về với đất trời, với con người. Và thoảng đâu đây quanh ta, rất gần, là những khúc ca xuân rộn rã. Trong suốt hai phần ba thế kỷ qua, nền tân nhạc Việt Nam đã cống hiến cho đời biết bao khúc ca xuân. Để rồi dù xuân đi xuân trở lại, khúc xuân ca ấy vẫn tươi rói như thuở nào, vẫn không thôi khiến người nghe bồi hồi, thổn thức…

Khi nước ta bắt đầu có nền tân nhạc vào khoảng những năm 1930-1945, thế hệ nhạc sĩ đầu tiên đã viết rất nhiều ca khúc về mùa xuân, dành trọn những giai điệu hay nhất, những ca từ nên thơ nhất để miêu tả mùa xuân. Với giới nhạc sĩ, “tiếp cận” mùa xuân mỗi người mỗi khác. Vậy nên, giai điệu mùa xuân thường rộn rã với nhiều cung bậc rất đỗi riêng tư.

Sau năm 1975, đất nước được giải phóng, những bài ca xuân lại được dịp nở rộ. Những ca khúc viết về mùa xuân ra đời trong thời kỳ này mang đậm âm hưởng tự hào, vui tươi của một mùa xuân thống nhất, hòa bình, như Tình ca mùa xuân của Tôn Thất Lập, Lá thư ngày Tết của Trần Long Ấn hay Sài Gòn mùa xuân của Trịnh Công Sơn... Đây cũng là thời điểm nhạc sĩ Văn Cao có một bước trỗi dậy bất ngờ với Mùa xuân đầu tiên. Sau một thời gian im ắng chìm vào dòng thơ, nhạc, cảm hứng bất ngờ bừng lên trong tâm hồn người nghệ sĩ tài hoa này. Đó là vào những ngày đầu xuân năm 1976: “Rồi rặt rìu mùa xuân theo én về/mùa bình thường mùa vui nay đã về/mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng vui cho bao tâm hồn...". Cho đến giờ, mỗi độ xuân về, khi trời đất giao hòa, những ca từ của Văn Cao lại làm lòng người say đắm.

Mùa xuân đầu tiên đã trở thành một trong những bài hát viết về mùa xuân hay nhất của Việt Nam.

Có thể nói, nhạc sĩ nào trong cuộc đời sáng tác của mình cũng có ít nhất một ca khúc về mùa xuân. Cho đến nay, nền âm nhạc Việt Nam đã có cả một bộ sưu tập các ca khúc mùa xuân đang và sẽ mãi đi cùng năm tháng. Một số nhạc sĩ đã trở nên nổi tiếng chính nhờ những sáng tác viết về mùa xuân, như “ông vua viết xuân ca” Xuân Hồng. Ba ca khúc xuân rất đặc sắc là Xuân chiến khu, Mùa xuân bên cửa sổ Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh của ông đã được công chúng yêu âm nhạc trên khắp cả nước khắc sâu trong ký ức. Đặc biệt, nhạc phẩm Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh ra đời ngay sau chiến thắng 30-4 còn trở thành ca khúc hay nhất, sâu sắc nhất đánh dấu cột mốc mùa xuân toàn thắng lẫy lừng của dân tộc ta. Lại có những nhạc sĩ còn viết cả một sê-ri nhiều bài gắn với những thời điểm lịch sử khác nhau như Trần Hoàn với Tiếng chim mùa xuân, Tình ca mùa xuân, Một mùa xuân nho nhỏ, Hát về mùa xuân, Em nghĩ gì khi mùa xuân đến, Đi giữa mùa xuân, Tiếng cồng mùa xuân. Còn những nhạc sĩ có vài ba bài lấy cảm hứng từ mùa xuân thì nhiều không thể kể xiết. Dù mỗi ca khúc, mỗi nhạc sĩ đều chọn một cách đi riêng để mang hơi thở mùa xuân vào lòng người nghe nhưng những khúc ca xuân của họ đã lưu lại và sống mãi cùng đất trời và lòng người.

Những ngày cuối năm, công việc dường như bận rộn hơn khiến mọi người ai ai cũng vội vã. Bỗng dưng, thoảng đâu đây một mùi hương trầm, một sắc đào, hay một điệu nhạc xuân rộn rã: “Xuân đã về, xuân đã về, kìa hoa hé môi cười vui đón gió mới...”, vậy là bỗng chốc, thấy không khí Tết đã ùa về. Âm nhạc luôn có sự quyến rũ kỳ lạ. Âm nhạc có thế khiến con người ta bỗng chốc trở nên vui tươi, yêu đời, có thể đưa ta đến tận cùng của những cung bậc cảm xúc. Và trong không khí đất trời giao mùa, trăm hoa đua sắc, những giai điệu tuyệt vời về mùa xuân bỗng nhiên khiến lòng người rạo rực, xốn xang.

Sau này, mỗi độ xuân về, chúng ta lại có thêm những giai điệu xuân, mà kỳ lạ thay, bài hát nào về mùa xuân cũng làm con người xốn xang và khi “Từng giọt mưa đêm nay ngập ngừng, đậu trên áo em rưng rưng. Cầm tay em tay em liễu xanh mềm lại, lặng nghe sóng xuân đang về” là biết rằng “Phút giao thừa lặng lẽ” đang đến rất gần rồi. Lòng người bỗng nhiên trầm lắng lại, nhìn về một năm cũ với biết bao vui buồn và mong chờ “kìa mùa xuân về giao thừa đã sang” với một tương lai ấm áp, an lành.

Những bài hát đã đi liền với mùa xuân, với Tết, với sum vầy như thế khiến cho ta đôi khi tự hỏi, liệu rằng mùa xuân có còn trọn vẹn, nếu thiếu đi những giai điệu rộn ràng, ngọt ngào, trầm lắng và nhiều xúc cảm ấy không?

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com