Kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc qua một số di tích thời Lê - Nguyễn

09:01, 30/01/2015

Nam Định là nơi hội tụ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống với trên 300 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó một số di tích thời Lê - Nguyễn có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, thể hiện óc sáng tạo, sự tài hoa của các nghệ nhân xưa.

Nghệ thuật chạm khắc thường đi liền với các kiến trúc góp phần tăng vẻ đẹp tổng thể của một công trình. Các di tích ở từng thời kỳ lịch sử có nét đặc trưng về nghệ thuật chạm khắc. Thời Hậu Lê, ở nhiều di tích có các mảng chạm khắc mang tính nghệ thuật tạo hình tiêu biểu như các bộ cửa võng ở Đền Đá, thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh (Nam Trực); hình  long, ly, quy, phượng trên cột đá Đền Nam Lạng (Trực Ninh)... Các họa tiết rồng thời Nguyễn được chạm khắc với các chi tiết nhân cách hóa và đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi và trở nên gần gũi với nhân dân qua loại hình “Múa tứ linh”. Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây hoặc ngậm chữ “thọ”, lưỡng long chầu nguyệt, chầu hoa cúc, chầu chữ “thọ”... Chùa Hưng Thịnh (Nghĩa Hưng) được xây dựng vào niên hiệu Thuận Thiên thứ 3 (1431) được chạm khắc theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII với các đề tài hổ phù ở giáp nóc và long chầu nguyệt, mẫu long giáo tử, ly chạy nhảy đùa vui ở mảng giữa cùng hoa lá, rồng đao mác nhiều lớp ở mảng phía bắc. Mảng chạm gian phía nam còn thêm họa tiết trúc hóa long, trên có hình ảnh tiên cưỡi rồng. Trước cửa tam bảo cũng được chạm khắc tứ linh đan xen với họa tiết hoa lá cách điệu thể hiện bàn tay tài hoa của những nghệ nhân xưa. Tại đền Hưng Thịnh có hương án được tạo dáng đẹp, phân chia từng phần, từng khuông, trang trí cân xứng, phía trên viền thành mặt chạy bằng họa tiết cánh sen nghiêng đều đặn. Chân hương án cùng xà ngang, xà dọc đều chạm khắc hoa văn hoa cúc, hoa mai, triện tàu lá dắt mềm mại, sinh động. Trong các khuông, các mảng trang trí cảnh rùa ẩn mình trong sen, cảnh sóng nước hoa lá, cảnh rồng bay phượng múa, long mã chầu tinh xảo. Ở huyện Ý Yên, nơi nổi tiếng có các làng nghề mộc, đúc đồng, những nghệ nhân đã thổi hồn trong từng chi tiết nghệ thuật chạm khắc ở các di tích trên địa bàn, đặc biệt ở các di tích thời Lê - Nguyễn.

Đền Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh (Nam Trực), với những giá trị độc đáo theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII), năm 1992 đã được Bộ VH-TT, nay là Bộ VH, TT và DL công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Đền Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh (Nam Trực), với những giá trị độc đáo theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII), năm 1992 đã được Bộ VH-TT, nay là Bộ VH, TT và DL công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Đền Ninh Xá, xã Yên Ninh có hồ bán nguyệt, hệ thống nghi môn, hòn non bộ được tạo dáng đẹp trang trí nhiều đề tài: nghê chầu, hổ phù, tứ linh, tứ quý cùng các câu đối nhấn nổi bằng chữ Hán. Tiếp giáp với nghi môn là sân lát gạch, xung quanh có tường xây bao bọc kín đáo. Đền Ninh Xá gồm có ba tòa được thiết kế theo kiểu "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh". Tòa tiền đường gồm 3 gian, 2 chái, dáng thấp mái cong, lợp ngói nam, đại bờ đắp lưỡng long chầu nguyệt. Các đao góc tạo dáng mây tản mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Bốn bộ vì của ba gian giữa được thiết kế theo kiểu "thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy". Trên các câu đầu, xà thượng, xà hạ, bẩy kẻ đều được trang trí các đường chỉ nổi, ống tơ, lá lật mềm mại thanh thoát. Phần chạm khắc tập trung chủ yếu ở các vì kèo, cửa ra vào tòa chính tẩm và đặc biệt mảng chạm ở vì hậu đốc với các đề tài: long chầu, mẫu long giáo tử, ly con nép dưới ly mẹ. Tất cả đều được ẩn hiện trong cụm đao mác, lá hỏa với kỹ thuật chạm bong cầu kỳ, tỉ mỉ… Đền Xuân Bảng thuộc Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) với vật liệu kiến trúc chủ yếu bằng đá được xây dựng vào đời Vua Tự Đức năm thứ 22 (1869) đan xen nhiều hình ảnh đậm sắc thái dân gian. Gánh đỡ toàn bộ phần hiên tiền đường là bộ khung với xà, cột bằng đá chạm khắc hoạ tiết tứ linh, tứ quý. Hai cột đồng trụ tại hai góc đốc có phần đế hoàn toàn bằng đá xanh liền khối cao 4m. Ngăn cách giữa các toà nhà của tiền đường là hệ thống máng nước được gánh đỡ bởi các xà dọc và 8 cột đá cạnh vuông. Trên mỗi cột, xà, đấu bằng đá, bên cạnh các đề tài tứ linh, tứ quý, cúc, mai hoá long, nghệ nhân dân gian còn chạm khắc hình ảnh luỹ tre làng, phong cảnh cùng các con vật, hình tượng của cuộc sống bình dị, dân dã như vịt, sóc, hươu, nai, hoa lá. Tại toà trung đường, trên các xà đá, cột đá được chạm các hình cuốn thư, sơn thuỷ, tứ linh, tứ quý cùng hoa lá cách điệu. Truyền thống kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc còn được thể hiện ở nhiều di tích khác trên địa bàn tỉnh. Ở các di tích của huyện Hải Hậu, nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc có sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa văn hóa nội đồng, văn hóa thương mại và văn hóa biển... Chùa Lương (xã Hải Anh) được chạm khắc nhiều hoa văn mang tính biểu tượng nông nghiệp, một cầu ngói cùng 9 cầu đá bắc qua dòng chảy giữa các làng nửa nông nửa thương. Chùa Anh Quang, xã Hải Bắc (Hải Hậu) được xây dựng từ đời Vua Minh Mệnh năm thứ 4 (1823). Chùa có hệ thống tượng pháp khá phong phú, chạm khắc nghệ thuật, sơn thếp lộng lẫy, tiêu biểu là các pho Tam thế, Phật bà, Thích Ca, Cửu Long… Các câu đối, đại tự, cửa võng cũng được chạm khắc công phu, nội dung phong phú ca ngợi cảnh đẹp chốn cửa thiền. Ngoài ra chùa Anh Quang còn nhiều văn bia ghi lại việc dựng chùa, ghi tên những người đóng góp tiền của, công đức. Đặc biệt trên gác chuông còn giữ được quả chuông đúc từ đời Vua Minh Mệnh năm thứ 8 (1827). Chuông được chạm khắc đề tài tứ linh và trang trí nhiều họa tiết với đường nét nhấn tỉa mạch lạc. Ngoài ra, ở vùng đất này còn lưu giữ tượng nhiều vị thần linh mang yếu tố biển và thương mại như: Càn Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương, Tứ vị Thánh Nương, Mẫu Liễu, Vua cha Bát Hải... Một số tượng được thể hiện khác hẳn trong vùng nội đồng, như tượng Vua cha Bát Hải có từ thời Nguyễn được chạm ngồi trên bệ do ba con rắn biển kết thành...

Những nét kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc của các di tích lịch sử - văn hóa thời Lê - Nguyễn đã phản ánh phong phú đời sống tinh thần truyền thống của nhân dân. Trải qua thời gian, những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình trên vẫn được nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện lòng thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh nét tài hoa và trí tuệ của tiền nhân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com