Bảo tồn và phát huy giá trị các văn bia cổ trên địa bàn tỉnh

09:06, 13/06/2014

Hệ thống văn bia cổ là kho kiến thức cổ ghi chép lại các sự kiện lịch sử hình thành của một vùng đất hay một nhân vật…, có tác dụng giáo dục truyền thống cho các thế hệ ở địa phương. Là vùng đất cổ, nhiều vùng quê trong tỉnh vẫn còn lưu giữ được văn bia. Với nhiều loại hình, nội dung văn bia phản ánh đa dạng và phong phú các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lịch sử, kinh tế của địa phương.

Văn bia thường có 4 loại hình. Phổ biến nhất là loại văn bia có nội dung nói về quá trình tu bổ, tôn tạo của di tích qua các thời kỳ, trong đó một số văn bia miêu tả cụ thể việc trùng tu hạng mục, người hưng công cúng tiến cho di tích. Qua đó, thể hiện được lịch sử của di tích cũng như quá trình xây dựng, trùng tu của di tích, đặc biệt có thể biết được địa giới hành chính, tên gọi của địa phương trong thời kỳ phong kiến. Loại văn bia là bia hậu gồm các bia hậu Phật ở chùa, hậu Thần ở đình, đền, ghi tên tuổi những người đã có công trong việc tạo dựng và trùng tu di tích được phối thờ tại di tích. Loại văn bia có nội dung nói về truyền thuyết, sự tích những nhân vật được thờ tại di tích. Loại văn bia có nội dung nói về phong tục tập quán, lệ làng… Về nội dung nói về phong tục tập quán, lệ làng tiêu biểu như tấm bia ghi lại hương ước xưa của xã Đồi Trung, thuộc tổng An Trung Thượng, huyện Ý Yên, phủ Nghĩa Hưng trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn An Trung, Yên Đồng, Ý Yên). Bia cao 2,05m, rộng 1,1m, dài 20cm, trang trí đơn giản. Hương ước được khắc bằng chữ Hán, khá sắc nét, ngoài phần mở đầu, hương ước gồm 8 điều. Điều đặc biệt là bia đặt ở chợ nên có riêng một điều quy định về thu thuế ở các chợ trong xã. Bia được dựng trong bối cảnh chế độ phong kiến thời Hậu Lê đang suy thoái nghiêm trọng, loạn lạc liên miên nên bản hương ước trên bia phản ánh tình hình xã hội và nhiều mặt của cuộc sống đương thời.

Tấm văn bia ở làng Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) được bảo quản tại nhà bia đình Cao Đài.
Tấm văn bia ở làng Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc)
được bảo quản tại nhà bia đình Cao Đài.

Giống như các bản hương ước làng xã xưa, hương ước trên bia đã quy định cụ thể nghĩa vụ, quyền lợi của thành viên làng xã, quy định việc khen thưởng, xử phạt. Nội dung của văn bia đề cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, lấy điều thân ái, ôn hòa làm nguyên tắc đối xử (điều 1); Quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, giảm nhẹ hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ đối với việc công của xã (điều 2); Nhấn mạnh trách nhiệm giúp đỡ của thôn, xã đối với các việc hệ trọng của các thành viên (hiếu, hỉ, sinh con, làm nhà, đi lính, ốm đau, nghèo túng, khuyến khích việc học hành (điều 3), buôn bán (điều 8); Chú trọng bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ như “gả chồng, giúp cho nhà gái một quan, nhà rể không phải nộp cheo cho làng như các làng khác”, “sinh con gái giúp 1 quan, nếu lớn cho đi học cũng được giúp mỗi năm 2 quan” (điều 3); Đề ra những quy định ngăn cấm, xử phạt có khi rất nặng chức dịch nhũng nhiễu dân chúng (điều 3, điều 6); quy hoạch nhà ở của dân ở các thôn xóm một cách quy củ, bảo vệ cảnh quan môi trường, chú trọng nguồn nước thải sinh hoạt (điều 5). Quan tâm đến di sản văn hóa của tiền nhân để lại (điều 7)… Làng Bách Cốc, xã Tân Thành (Vụ Bản) là địa phương còn lưu giữ được 35 văn bia. Văn bia sớm nhất là Hương Cái am bi lập vào năm Sùng Khang thứ 8 thời Mạc Mậu Hợp (1573); văn bia có niên đại muộn nhất là Hậu Kỵ điều lệ bi văn ở nhà thờ họ Nguyễn Như, lập vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941). Đặc biệt, làng Bách Cốc hiện còn một bia chân dung tạo vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686), có chiều cao 1,2m, chiều rộng 70cm. Theo gia phả họ Nguyễn Công thì chân dung người được tạo là bà Bùi Thị Lư, trong văn bia ghi là Bùi Thị Muôn, vợ của cụ Bình Tâm, là mẹ của Phương Nham hầu, sau là Phương Quận công Nguyễn Công Triều. Đây là bia tượng thuộc loại hiếm về giá trị nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử. Nhiều văn bia trên địa bàn tỉnh nói về quá trình tu bổ, tôn tạo của di tích qua các thời kỳ được ghi chép tỉ mỉ. Tiêu biểu như tấm văn bia ở chùa Ninh Cường, xã Trực Cường (Trực Ninh) được soạn khắc ngày 6 tháng 4 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769) nội dung cho biết vào năm đó chùa Ninh Cường bắt đầu được xây dựng ở vị trí xóm Thái Học. Sau này để thuận lợi cho nhân dân chiêm bái, ngôi chùa đã được chuyển về xóm Đề Thám như hiện nay. Văn bia được soạn khắc vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) cho biết thời gian này nhân dân cùng quan viên xã đã cho đắp lại một số pho tượng. Văn bia soạn khắc vào đời Vua Khải Định năm thứ 10 (1925) ghi lại việc nhà sư Chính Phước cùng hội Phúc Khánh tu sửa tòa Tam bảo, xây dựng đền Thánh Mẫu cùng hai dãy hành lang. Đến năm 1930 trong xã lại tu sửa lại toàn bộ chùa. Những bài văn bia nổi tiếng viết theo phong cách văn xuôi tiểu sử, có thể kể như: “Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tính tự”, do Lê Củng Viên soạn, niên đại Hưng Long 1 (1293) đời Vua Trần Anh Tông ở đền thờ Công chúa Phụng Dương, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc). Tấm bia cao 1,2m, rộng 70cm, dầy 16cm được dựng trên lưng rùa đá, mặt trước đục kín chữ, xung quanh trang trí các họa tiết: cúc dây, sen dẹo. Nội dung bia ghi chép về tiểu sử Công chúa Phụng Dương, một nhân cách tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ phong kiến. Tấm bia cũng ghi chép về thái ấp của Thái sư Trần Quang Khải và việc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285).

Văn bia là tập hợp những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể bao hàm trong đó là những nguồn sử liệu quý giá nên cần được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống xã hội. Để làm được điều đó, các ngành chức năng, các địa phương cần quan tâm bảo quản văn bia, đẩy mạnh công tác dịch và tập hợp nội dung các văn bia. Phương án hiệu quả ở một số địa phương có văn bia là xây dựng nhà bia trong không gian hợp lý để bảo quản, đồng thời trưng bày quảng bá, tạo thuận lợi trong việc khai thác giá trị nội dung để tôn vinh giá trị những di sản văn hóa của dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com